Đây là hai bị cáo trực tiếp gây nên oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn (55 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã làm chấn động dư luận trong thời gian qua.
Theo nội dung bản cáo trạng, tháng 8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết tại nhà riêng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Quá trình điều tra, công an xác định ông Chấn là thủ phạm. Sau đó, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt ông án tù chung thân về tội Giết người. Ông Chấn kêu oan nhưng TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm làm chủ tọa đã bác đơn kháng cáo của ông Chấn.
Trong suốt 10 năm ông Chấn ngồi tù, bà Chiến cùng người thân đã ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền và cho rằng thủ phạm thực sự của vụ án là người khác. Mãi cho tới tháng 7/2013, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc sau khi nhận được đơn của vợ ông Chấn.
Đến tháng 11/2013 TAND Tối cao đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người với mức phạt tù chung thân.
Qua đó, VKSND Tối cao vào cuộc và phê chuẩn quyết định khởi tố, tạm giam Trần Nhật Luật và Đặng Thế Vinh để điều tra hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Tiếp đó, ngày 30/9/2014, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với cựu thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, cựu thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn). Tuy nhiên can này đang được tạm đình chỉ điều tra về tội về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì lý do sức khỏe.
Hung thủ thực sự của vụ án này là Lý Nguyễn Chung đã dằn vặt bản thân và ra đầu thú, sau đó đã bị xử phạt 12 năm tù về 2 tội danh là Giết người và Cướp tài sản.
Bị cáo Luật lên xe ô tô sau khi kết thúc phiên xử buổi sáng (Ảnh: Nhật Anh) |
Tại tòa, hai bị cáo Luật và Vinh cho rằng VKSND Tối cao truy tố hai bị cáo về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án là sai, cả hai bị cáo đều không phạm tội.
Theo lời bị cáo Luật, nội dung bản cáo trạng quy kết bị cáo cố tình in vết chân của ông Chấn để đưa vào hồ sơ vụ án và kết quả giám định 16 vết chân thu tại hiện trường nhưng không đề xuất với cấp trên để giám định là không đúng.
Bởi lẽ, bản thân bị cáo về Công an tỉnh Bắc Giang là 13/8/2003, sau đó bị cáo được lãnh đạo cho nghỉ vài ngày. Khi quay trở lại làm việc, bản thân bị cáo không được khám nghiệm hiện trường mà chỉ được phân công làm công tác phát động quần chúng tìm ra đối tượng nghi vấn.
“Hồ sơ vụ án là một đồng chí, cán bộ khác cầm. Khi xác định có 16 vết chân tại hiện trường vụ án bị cáo không được cấp trên chỉ đạo gì cụ thể” – Luật trình bày.
Trả lời HĐXX về việc có bản giám định về 16 vết chân trong tủ hồ sơ của bị cáo mà không đưa vào vụ án, Luật cho rằng do các đồng chí lãnh đạo hoặc tổ công tác nào đó đưa ra chứ bản thân Luật không phải người đi lấy dấu vết và đưa vào hồ sơ vụ án.
“Do bộ phận trinh sát của công an huyện lấy dấu vết chân – sau đó đưa về phòng hình sự của tỉnh” – Luật khẳng định.
Cũng theo lời bị cáo Luật, vào thời điểm đó, có nhiều tổ công tác của tỉnh Bắc Giang và công an huyện Việt Yên tham gia thu thập chứng cứ, dấu vết nhưng không rõ cụ thể là ai, thời điểm đó cách đây 10 năm nên bị cáo không nhớ.
HĐXX, quay sang hỏi, bị cáo có nhận thức như thế nào về trách nhiệm của mình đối với vụ án của ông Chấn. Trả lời câu hỏi này, Luật cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm theo nhiệm vụ cấp trên giao.
“Đến khi Chung ra đầu thú bị cáo tự đặt ra câu hỏi: Tại sao lại như vậy? việc ông Chấn có quyết định oan sai bị cáo cũng không biết sai ở chỗ nào, giai đoạn nào mong HĐXX xem xét” – Luật trả lời.
Theo HĐXX, 16 vết chấn tại hiện trường là dấu vết cực kỳ quan trọng để đánh giá, xem xét chuyển sang VKSND để truy tố nhưng CQĐT CA tỉnh Bắc Giang lại gửi hồ sơ sang VKS khi chưa có kết quả giám định. Bị cáo cho rằng không biết phòng kỹ thuật hình sự của CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang gửi lúc nào, việc không giám định được thì buộc phải làm bằng các biện pháp nghiệp vụ khác để làm sáng tỏ vụ án đằng này trong thực tiễn thì bị cáo lại không làm như vậy.
Trả lời về vấn đề này, Luật cho biết khi điều tra thì chưa rõ ai là hung thủ vụ án, thấy các vết chân thì cho rằng đây là vết chân của đối tượng phạm tội nên đã báo cáo đồng chí Trọng phó GĐ CA tỉnh Bắc Giang. Sau đó, được lãnh đạo trao đổi không giám định được vết chân.
Tiếp tục, HĐXX hỏi: “Tại CQĐT, ông Chấn khai không có lệnh tạm giữ từ ngày 22/9 đến 28/9. Bị cáo giải thích như thế nào về việc này?”.
Luật khẳng định: “Không có sự việc này, không có việc giữ ông Chấn qua đêm, 28 ông Chấn nhận tội thì 29 mới ra lệnh tạm giữ”.
“Ông Nguyễn Thanh Chấn có biên bản nhận tội vào ngày 28/9/2003 nhưng đến ngày 29/9 mới được cầm hồ sơ vụ án. Sau đó, bị cáo chỉ làm nhiệm vụ thư ký cho việc thực nghiệm điều tra. Trong cáo trạng có nêu “cố tình in vết chân của ông Chấn đưa vào hồ sơ vụ án để buộc tội cho ông Chấn là không đúng”. Bị cáo không được lấy dấu vết này. Chỉ duy nhất có đồng chí Tân báo cáo vết chân không đủ điều kiện giám định. Kết quả giám định được in vào ngày 30/8/2003 trước khi ông Chấn nhận tội” – Luật trình bày
Đến lượt bị cáo Vinh, Vinh cho rằng cáo trạng nêu một số tính tiết không phù hợp với hành vi của bị cáo, thiếu căn cứ vì xét về động cơ mục đích, bị cáo không có hằn thù với ông Chấn, bị cáo cũng không có động cơ tư lợi cá nhân hoặc vụ lợi tiêu cực gì.
Sau khi có tin ông Chấn bị oan sai, bị cáo đã có tinh thần hợp tác và chủ động phối hợp với cơ quan điều tra. Ngay tại tòa, bị cáo thừa nhận có việc đưa nội dung của 2 biên bản đó vào tòa để tranh luận để xem ông Chấn có phạm tội như nội dung trên không.
Cáo trạng nói bị cáo tự ý rút ra, không đưa vào hồ sơ truy tố như thế là không chính xác. Sau đó, bị cáo tống đạt lệnh tạm giam ông Chấn nhưng ông Chấn không phản ứng gì. Lần thứ hai, ông Chấn không ký nên bị cáo buộc phải mời cán bộ trại giam chứng kiến việc đó.
Bị cáo không đưa bản phản cung và phúc Cung của ông Chấn vào hồ sơ vì thấy lời khai của ông Chấn phù hợp với hiện trường. Từ đó bị cáo có niềm tin ông Chấn là hung thủ vụ án.
Việc ông Chấn kêu oan và tố cáo điều tra viên bức cung nhục hình không có tài liệu gì chứng minh, do đó bị cáo và tập thể lãnh đạo không có cơ sở nói ông Chấn không phạm tội.
Cáo trạng quy kết hành vi của bị cáo không đưa hai bản này vào làm thay đổi bản chất vụ án bởi lẽ bằng chứng hữu dụng nhất là tại tòa sơ thẩm ông Chấn phản cung. Bị cáo đã ghi và được HĐXX thẩm vấn, đấu tranh tại tòa. Tuy nhiên HĐXX không chấp nhận nên việc có hay không có cũng không làm thay đổi bản chất vụ án, đồng thời bị cáo nhận thức việc không đưa 2 biên bản này vào vụ án cũng không ảnh hưởng gì đến quyết định của HĐXX.
Chiều nay, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc./.