Không sợ kiện cáo, không lo kiểm phiếu lại
Những ngày đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phủ nhận thất bại trong cuộc bầu cử và tìm mọi cách cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cho nhóm tiếp quản của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Bất chấp thái độ thù địch của ông Trump, Joe Biden luôn tỏ ra bình thản và điềm tĩnh trong những lần xuất hiện trước công chúng. Một trong các thông điệp chính của ông Biden là dù chính quyền Trump có bất hợp tác thì quá trình chuyển giao quyền lực vẫn sẽ được tiến hành theo qui định của luật pháp.
Trong suốt quá trình tranh cử, nhóm của ông Biden đã luôn nhất quán với nguyên tắc: Tuân thủ luật lệ, hành xử gương mẫu và không bị cuốn vào những cuộc cãi vã viển vông mà ông Trump bày ra.
Hôm 10/11, ông Biden trấn an người ủng hộ rằng những cáo buộc và đe doạ pháp lí của Đảng Cộng hoà không có gì đáng ngại và tránh tranh cãi trực diện với ông Trump.
Trong hai ngày gần đây, ông Biden đã nói chuyện với 5 nguyên thủ quốc gia, chỉ cười lớn khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tin ông Trump tái đắc cử, và coi việc Tổng thống Trump không thừa nhận thất bại là "một sự xấu hổ".
Vị Tổng thống đắc cử đến từ Đảng dân chủ cũng cho biết ông sẽ hoàn tất quá trình đề cử các thành viên nội các trước Lễ Tạ ơn (26/11/2020).
Tại một sự kiện tổ chức ở bang Delaware ngày 10/11, ông Biden tuyên bố: "Không gì có thể cản trở chúng tôi. Chúng tôi đã thắng và sẽ làm mọi việc cần thiết, cho dù Trump có nhận thất bại hay không. Chẳng có gì thực sự thay đổi cả".
Mặc dù vậy, ông Bob Bauer – một trong các luật sư hàng đầu của chiến dịch Biden xác nhận với tờ Politico rằng đa phần hoạt động hàng ngày của phía ông Biden là liên quan đến việc xua đi những lời doạ dẫm của phe Trump.
Theo ông Bauer, Tổng thống Trump giờ đây đã trở thành "đứa trẻ chăn cừu luôn miệng kêu có chó sói", không ai thực sự tin lời ông Trump và kết quả cuộc bầu cử giờ đã quá rõ ràng.
Trong một cuộc trao đổi trước đó, ông Bauer cho biết những tuyên bố gần đây của các chính trị gia Đảng Cộng hoà về kết quả cuộc bầu cử chỉ là "tín hiệu nhiễu chứ không phải luật pháp; màn kịch chứ không phải vụ kiện".
Vị luật sư cũng lưu ý thêm rằng kể từ năm 2000 đến nay, các đợt kiểm phiếu lại trên phạm vi toàn bang chỉ làm thay đổi kết quả ban đầu khoảng vài trăm phiếu trong khi hiện nay ông Biden dẫn trước ông Trump từ vài nghìn đến vài chục nghìn phiếu tại các bang chiến địa.
"Thế dẫn trước của ông Biden sẽ không thể bị thay đổi bởi việc kiểm phiếu lại", luật sư Bauer nói.
Các thành viên của chiến dịch Biden coi những nỗ lực về pháp lí và truyền thông của phe Trump như một vở hài kịch đầy rẫy những sai lầm ngớ ngẩn.
Hôm 9/11, ông Rudy Giuliani – Luật sư riêng của Tổng thống Trump tổ chức một buổi họp báo tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania để tuyên truyền về các cáo buộc gian lận bầu cử. Địa điểm diễn ra họp báo là bãi để xe của khách sạn Four Seasons Total Landscaping. Ông Trump phải đăng tweet đính chính rằng sự kiện sẽ diễn ra ở bãi xe chứ không phải bên trong khách sạn cao cấp này.
Bãi xe lại nằm giữa một nhà hoả táng và một cửa hàng bán đồ khiêu dâm. Ông chủ của cửa hàng khiêu dâm này chia sẻ với tờ Daily Mail: "Không biết đến khi nào cửa hàng của tôi mới lại nổi tiếng được như thế này. Những người sống quanh khu này còn quên mất là cửa hàng của tôi tồn tại vì chúng tôi làm gì có tiền mà quảng cáo rầm rộ. Nhờ buổi họp báo mà chúng tôi được biết đến trên toàn thế giới".
Người đầu tiên mà luật sư của ông Trump mời lên bục phát biểu về các cáo buộc gian lận bầu cử lại là một tội phạm tình dục từng bị kết án.
Cùng ngày 9/11 khi buổi họp báo diễn ra, ông David Bossie – người được ông Trump chọn làm trưởng nhóm đấu tranh pháp lí liên quan tới kết quả bầu cử - xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Vài ngày trước, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows – trợ lí cấp cao của ông Trump - cũng nhiễm dịch. Đầu tháng 10, Tổng thống Trump, vợ con ông Trump và hàng chục phụ tá thân cận tại Nhà Trắng cũng dương tính.
Trong khi ông Trump mải mê với những cáo buộc vô căn cứ và các cụ kiện cáo thì quá trình chuyển tiếp của ông Biden vẫn tiếp tục diễn ra bình thường nhất có thể.
Hôm 9/11, ông Biden và phó tướng là Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã bổ nhiệm nhóm 13 chuyên gia vào tổ công tác đặc biệt để ứng phó với Covid-19.
Đã nhiều tháng qua ông Trump không tham dự các buổi họp báo hàng ngày về tình hình đại dịch. Phó Tổng thống Mike Pence thì có kế hoạch đi nghỉ mát ở Florida trong bối cảnh Mỹ ghi nhận kỉ lục 136.000 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày 10/11.
Cùng ngày 10/11, ông Biden phát biểu về tầm quan trọng của Đạo luật Chăm sóc sức khoẻ hợp túi tiền (thường được gọi là Obamacare).
Trong những lần xuất hiện công khai hai ngày đầu tuần, ông Biden đều đứng ngay ngắn trên bục phát biểu, phía sau ông là tấm phông nền với dòng chữ "Văn phòng Tổng thống đắc cử".
Ông Biden đã điện đàm với một số nhà lãnh đạo nước ngoài. Mặc dù Cơ quan Dịch vụ công Mỹ (GSA) chưa công nhận ông Biden thắng cử nhưng nhóm chuyển tiếp của ông đã công bố tên của hàng trăm quan chức sẽ thực hiện quá trình tiếp quản ở khắp các cơ quan liên bang.
Các bước chuẩn bị khác cũng đang được thực hiện. Theo Politico, bà Louisa Terrell – một chuyên gia về lập pháp trong nhóm của ông Biden – đã liên hệ với chánh văn phòng của các nghị sĩ Đảng Dân chủ để chia sẻ chi tiết về mọi vấn đề từ đầu mối liên hệ cho tới lễ nhậm chức.
Tổ công tác chống Covid-19 vừa được thành lập của ông Biden cũng bắt đầu liên lạc với các nghị sĩ Đảng Dân chủ để lập chiến lược khống chế đại dịch khi chính phủ mới bắt đầu nắm quyền.
Tuy nhiên một vài đồng minh của ông Biden cũng đã nêu bật lên tính cấp thiết của việc đưa nhóm chuyển tiếp vào các cơ quan liên quan để làm quen với công việc và giảm thiểu sự gián đoạn trong điều hành đất nước.
Quá trình chuyển tiếp chưa chính thức bắt đầu nên ông Biden chưa được tham dự các buổi cập nhật tin tức cho tổng thống, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không đứng ra thu xếp các buổi điện đàm giữa ông Biden và lãnh đạo nước ngoài.
Theo Politico, áp lực của công chúng có lẽ chính là công cụ mạnh mẽ nhất trong tay phe Biden nhằm buộc bà Emily Murphy - Giám đốc GSA phải công nhận chiến thắng của ứng viên Đảng Dân chủ và bắt đầu quá trình chuyển tiếp.
Trang Facebook (hay Twitter hoặc bất kì trang mạng xã hội nào khác) nói lên rất nhiều điều về một cá nhân, tới mức có người nói nửa đùa nửa thật rằng các thầy bói thời hiện đại không cần xem chỉ tay hay gọi hồn người chết mà chỉ cần mở Facebook lên là có thể đọc vanh vách mọi chuyện.
Thực tế, Facebook của Joe Biden và Donald Trump đã cho thấy sự tương phản tới cực đoan trong phong cách của hai chính trị gia này và là một ví dụ điển hình của hiện tượng "không gian ảo thể hiện tính cách thật".
Facebook của Joe Biden có gì? Những lời kêu gọi người dân đi bỏ phiếu, khuyên người ủng hộ giữ bình tĩnh và vững niềm tin khi bị ông Trump dẫn trước trong ngày bầu cử, kiên nhẫn chờ đợi các hãng truyền thông lớn công bố dự phóng rồi mới tuyên bố chiến thắng, kêu gọi người dân đoàn kết, không để nước Mỹ bị chia rẽ bởi cuộc bầu cử ...
Sau khi làm Tổng thống đắc cử, ông Biden đăng tải lên Facebook các hoạt động chuẩn bị tiếp quản chính quyền, bổ nhiệm nhân sự, chọn nhóm chuyên gia ứng phó Covid-19, khuyến khích người dân đeo khẩu trang để phòng dịch, hứa hẹn duy trì hỗ trợ y tế, ...
Ông Biden cam kết không phân biệt bang xanh hay bang đỏ, người ủng hộ hay người phản đối khi điều hành đất nước - tất cả đều là bang của nước Mỹ, con dân của nước Mỹ và tổng thống phải là tổng thống của cả nước Mỹ.
Các thông điệp của Tổng thống đắc cử Joe Biden: "Tôi tranh cử với tư cách là đại diện Đảng Dân chủ nhưng sẽ điều hành như một tổng thống của cả nước Mỹ" và "Sáng nay tôi đã thảo luận với các trưởng nhóm ứng phó Covid-19 của tôi về tình hình dịch bệnh hiện tại và cách xử lí trong tương lai". (Ảnh chụp màn hình)
Facebook của Donald Trump có gì? "Gian lận bầu cử ở rất nhiều bang", "Gian lận qui mô khổng lồ", "Gian lận tràn lan khi kiểm phiếu", "Phiếu bầu giả ở khắp nơi", "Dừng kiểm phiếu", "Bọn chúng đánh cướp cuộc bầu cử", "Chúng nó cướp mất chiến thắng của tôi", "Tôi sẽ kiện", ... Đó là những thông điệp chiếm lĩnh toàn bộ tài khoản Facebook và Twitter của ông Trump từ ngày bầu cử 3/11 đến nay.
Từ trước đó, ông cũng đã cáo buộc bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn tới gian lận qui mô lớn. Đến nay phe Trump vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào về những cáo buộc này.
Một điểm khá thú vị là ông Trump chỉ cáo buộc có gian lận bầu cử ở những bang mà ông thua như Pennsylvania, Wisconsin, Nevada, ... còn ở những bang mà ông thắng như Texas hay Florida thì ông coi như không hề có vấn đề gì.
Ông Trump từ lâu đã cáo buộc các hãng tin lớn như New York Times, Bloomberg, CNN, ... đăng tin giả gây bất lợi cho ông nên ông chỉ chia sẻ các bài viết của những tờ báo cực hữu ít tên tuổi có các nội dung hợp ý ông như người chết đi bầu cử, phiếu bầu bị vứt trong thùng rác, ....
Ngược lại, Facebook của ông Biden chỉ đăng ngắn gọn các thông điệp, các ảnh và video do nhóm của ông Biden tự thực hiện, không mượn lời của bất cứ hãng tin nào.
Ngày 9/11, sau khi Pfizer cho biết vắc xin do hãng này phát triển có hiệu quả phòng bệnh trên 90%, ông Trump đăng một dòng trạng thái với phong cách quen thuộc là tự khen và nhận công lao về mình: "Thị trường chứng khoán tăng sốc, sắp có vắc xin. Tỉ lệ hiệu quả báo cáo tới 90%. Toàn tin cực tốt".
Nhưng chỉ vài giờ sau, dường như sực nhớ ra mục tiêu tối thượng lúc này là đắc cử, ông Trump đã lái câu chuyện sang một thuyết âm mưu xa vời.
Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Đảng Dân chủ không muốn tôi chiến thắng trong cuộc đua vắc xin nên bọn họ không công bố số liệu khả quan trước cuộc bầu cử mà đợi đến 5 ngày sau mới ra tin.
Tổng thống Trump đăng Facebook ngày 10/11/2020.
FDA là cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, dưới quyền ông Trump, nên người có tác động tới FDA lớn nhất phải là ông Trump chứ không phải Đảng Dân chủ.
Nếu Joe Biden mà làm Tổng thống thì nước Mỹ phải đến 4 năm nữa mới có vắc xin, FDA cũng sẽ không thể phê duyệt nhanh như dưới thời của tôi. Sự quan liêu trì trệ sẽ huỷ hoại hàng triệu mạng sống.
Tổng thống Trump viết trên Facebook ngày 10/11/2020
Không ai biết chắc nước Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden làm Tổng thống Mỹ trong 4 năm qua thay cho ông Trump. Các kịch bản phụ thuộc vào trí tưởng tượng của mỗi người.
Chúng ta chỉ biết thực tế hiện nay là trong thời gian ông Trump làm lãnh đạo, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và hoành hành tại Mỹ dữ dội hơn tại bất kì quốc gia nào khác. Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 10,4 triệu ca nhiễm và 241.000 ca tử vong.
Trước đây, ông Trump vẫn thường đăng tweet thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trên các mặt trận thương mại, kinh tế, ngoại giao, địa chính trị, ... nhưng bây giờ khi chiếc ghế tổng thống đang lung lay, Twitter của ông cũng không còn sự đối địch với Bắc Kinh nữa.