Vụ thứ nhất là máy bay của Vietnam Airlines suýt hạ cánh mà không bung càng tại Melbourne (Australia). Đây được đánh giá là một sự cố nghiêm trọng, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn. Rất may, bộ phận không lưu tại sân bay Melbourne đã phát hiện và thông báo kịp thời cho phi công để xử lí tình huống, thực hiện hạ cánh lại an toàn.
Câu hỏi đang đặt ra là chuyện gì đã xảy ra trong buồng lái? Liệu có phải phi công quên hạ càng? Cục hàng không Úc đang tạm lưu giữ 2 phi công Việt Nam để điều tra vụ việc.
Vụ việc thứ hai là máy bay của T'way Air (Hàn Quốc) va chạm mạnh với vật thể lạ gây móp, vỡ phần mũi lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao 600m tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kiểm tra sau đó cho thấy phần bị hư hại không có vết máu hay lông chim trời nên nghi vấn đặt ra là máy bay đã va chạm với phương tiện bay không người lái như đã từng xảy ra tại sân bay Đà Nẵng.
Nếu vậy, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo an toàn khu vực sân bay như thế nào?
Những vụ việc trên sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng ngoài trách nhiệm trực tiếp của hãng hàng không và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất của ACV thì có trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước, tức Cục Hàng không Việt Nam.
Trong ngành hàng không, để một chuyến bay an toàn thì không được để xảy ra bất kì lỗi nào, dù là lỗi rất nhỏ. Do đó, sự cố tại Melbourne hay sự cố của T'way Air tại Tân Sơn Nhất là những hồi chuông báo động cho ngành hàng không Việt Nam.
Những hồi chuông đó càng cần phải gióng lên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hạ tầng hàng không, nhân lực quản lí, giám sát an toàn hàng không đang quá tải, trong khi lại có nhiều máy bay với nhiều tuyến bay mới được bổ sung và dường như sắp có thêm những hãng hàng không mới ra đời.
Nhiều chuyên gia cảnh báo với thực trạng trên cùng hạ tầng thiếu, yếu hiện nay, cộng với năng lực điều hành không lưu, năng lực giám sát an toàn bay của ngành hàng không đang bộc lộ hạn chế, nếu không gấp rút nâng cao năng lực quản lí, giám sát thì an toàn hàng không sẽ lao dốc.
Bài học về việc cấp phép cho quá nhiều hãng hàng không trong khi hạ tầng và quản lí an toàn không đảm bảo đã từng xảy ra tại Thái Lan.
Máy bay của T'way Air (Hàn Quốc) va chạm mạnh với vật thể lạ gây móp, vỡ phần mũi.
Cách đây mấy năm, Thái Lan có tới 41 hãng hàng không, hiện chỉ còn 16 hãng và nhà chức trách đang nỗ lực giảm tiếp số hãng này. Thế nhưng năng lực về hạ tầng, nhân lực và việc quản lí giám sát an toàn không theo kịp nên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phải treo "cờ đen" buộc nước này phải cải thiện tình hình.
Các hãng hàng không Thái Lan không được phép mở rộng kinh doanh, bị cấm bay liên danh với các hãng hàng không Hoa Kỳ và bị cấm vận bay đến Đông Bắc Á, Trung Quốc, và Hoa Kỳ. Khi đó, không chỉ các hãng hàng không, ngành hàng không mà cả nền kinh tế của Thái Lan bị thiệt hại.
Giới chuyên gia đã chỉ ra lợi ích nhóm trong việc cấp phép mới cho hãng hàng không và coi nhẹ yếu tố an toàn của cơ quan quản lí hàng không Thái Lan thời điểm đó. Sau khi bị ICAO "treo cờ đen", cơ quan quản lí hàng không Thái Lan đã phải cải tổ, "thay máu". Hàng chục hãng hàng không Thái Lan bị giải thể vì không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, về an toàn bay.
Câu chuyện của ngành hàng không Thái Lan hoàn toàn có thể lặp lại đối với Việt Nam. Được biết, Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét đề xuất thành lập mới tới 4-5 hãng hàng không. Nếu cấp thêm cho 1-2 giấy phép thì rất khó từ chối những nhà đầu tư còn lại. Mà nếu ồ ạt cấp phép thì bài học Thái Lan còn đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu việc thành lập mới, hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không; năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách; khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kĩ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay…); và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.
Nếu những chỉ đạo của Thủ tướng không được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cùng các cơ quan liên quan thực thi nghiêm túc thì an toàn của khách và hãng hàng không sẽ bị đe dọa. Những sự cố hàng không và mức độ nguy hiểm sẽ không chỉ dừng ở hai vụ việc nói trên, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành hàng không và gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam.