Hàng loạt vấn đề nóng ngành GTVT đang chờ trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có tiếp tục xin lỗi, nhận trách nhiệm?

Hôm nay, 5/6, Bộ trưởng GTVT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có rất nhiều vấn đề nóng của ngành Giao thông đang chờ câu trả lời từ ông Nguyễn Văn Thể.

Sáng 4/6/2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề nóng của ngành này. Hôm nay, 5/6, Bộ trưởng Thể tiếp tục đăng đàn lần 2.

Tại kì họp trước, Bộ trưởng GTVT đã trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Hàng loạt vấn đề nóng ngành GTVT đang chờ trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có tiếp tục xin lỗi, nhận trách nhiệm? - Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Quốc hội).

Bộ trưởng Thể nhiều lần xin lỗi, nhận trách nhiệm

Còn nhớ, tại lần trả lời chất vấn ngày 4/6/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhiều lần xin lỗi, nhận trách nhiệm về những yếu kém của ngành.

"Trong báo cáo với Quốc hội, chúng tôi cũng xin lỗi các đại biểu Quốc hội, chúng tôi không dành nhiều đoạn để nói về đường sắt", đây là lần Bộ trưởng Thể xin lỗi về việc báo cáo của Bộ GTVT chỉ có 3 dòng nói về giao thông đường sắt, chỉ nói về hai ý định hướng.

Sau khi xin lỗi đại biểu, Bộ trưởng GTVT tiếp tục xin lỗi người dân: "Thật ra đường sắt trong mấy ngày vừa qua, đặc biệt là khi có xảy ra nhiều tai nạn thì bản thân lãnh đạo bộ và các đơn vị cũng đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và chúng tôi cũng thành thật xin lỗi người dân, những người bị tai nạn giao thông, liên quan đến đường sắt".

Ngoài xin lỗi, Bộ trưởng GTVT cũng nhiều lần nhận trách nhiệm. Cụ thể, khi trả lời chất vấn về việc cốt nền một số tuyến đường nâng cấp cao hơn cốt nhà, ảnh hưởng đến người dân, Bộ trưởng Thể nói:

Về trách nhiệm Bộ GTVT tôi xin nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân vì chưa có giải pháp đảm bảo hài hòa nhất.

Về chính quyền địa phương tôi nghĩ nên có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành và Bộ GTVT để rà soát thực hiện cho tốt".

Tôi cũng xin nhận trách nhiệm chưa kịp thời chỉ đạo và bố trí nguồn vốn để sửa chữa một cách tốt nhất".

Đối với việc đại biểu chất vấn về việc sửa chữa, nâng cấp QL, sau khi giải trình, Bộ trưởng Thể cũng nhận trách nhiệm: "Tôi cũng xin nhận trách nhiệm chưa kịp thời chỉ đạo và bố trí nguồn vốn để sửa chữa một cách tốt nhất".

Hàng loạt vấn đề nóng ngành GTVT đang chờ trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có tiếp tục xin lỗi, nhận trách nhiệm? - Ảnh 2.

BOT vẫn đang là vấn đề nóng của ngành GTVT. (Ảnh: Di Linh).

Thu giá, thu phí hay thu tiền?

Tại phiên chất vấn lần trước, Bộ trưởng GTVT cho biết đã chỉ đạo rà soát và hiện nay đang trình với Chính phủ để chúng ta thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với luật và các yêu cầu.

"Chúng tôi rất cám ơn dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đã hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo với Chính phủ để có một tên mới phù hợp với thực tiễn", Bộ trưởng Thể nói.

Được biết, đây là thời điểm trạm thu phí được Bộ GTVT đổi thành "thu giá". Cái tên "thu giá" đã gây nhiều tranh luận trái chiều cả đối với người dân và chuyên gia. Thậm chí, làm theo chỉ đạo, một số trạm thu phí cũng đổi tên thành "thu giá".

Tuy nhiên, tại phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí không cần phải nghiên cứu và trình.

"Tôi thấy cứ trở về tên cũ là được. Bây giờ đợi trình Chính phủ rất lâu. Tên đúng như tên cũ thì cứ lấy lại thôi", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đầu tháng 5/2019 vừa qua, dư luận lại xôn xao trước thông tin Bộ GTVT có thể đổi tên trạm thu phí thành "trạm thu tiền".

Được biết, cái tên "thu tiền" được nhắc đến trong dự thảo Thông tư Qui định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đang được Bộ GTVT xin ý kiến.

Theo giải thích của Bộ GTVT trong dự thảo thông tư nêu trên, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ. Như vậy, chủ thể thu tiền này không thay đổi.

Ngay sau khi thông tin xôn xao dư luận này được đưa ra, lãnh đạo Bộ GTVT đã nhanh chóng giải thích rằng: "Những trạm đó, việc đặt tên là địa danh, tên trạm nên không ai thay đổi, kể cả ban hành thông tư mới.

Thông tư là văn bản qui phạm pháp luật phải thể hiện đúng bản chất của trạm. Đó là thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ mà Luật Giá qui định".

Đối với vấn đề "thu phí, thu giá, thu tiền", nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu rằng Bộ trưởng Thể có tiếp tục xin ý kiến trong kì chất vấn này?

Hàng loạt vấn đề nóng ngành GTVT đang chờ trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có tiếp tục xin lỗi, nhận trách nhiệm? - Ảnh 3.

Người dân phản đối thu phí ở trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. (Ảnh: Di Linh).

BOT sẽ vẫn nóng nghị trường?

Trong kì chất vấn trước, BOT giao thông là vấn đề nóng được nhiều đại biểu đặt câu hỏi với tư lệnh ngành giao thông.

Được biết, trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Bộ GTVT cũng đã thông tin về bất cập BOT đang được giải quyết ra sao.

Cụ thể, Bộ GTVT thông tin về việc xử lí bất cập BOT Cai Lậy là giữ nguyên vị trí trạm, giảm phí, phân luồng giao thông...

Với trạm T2 ở Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lí; thúc đẩy xây dựng tuyến tránh TP Long Xuyên.

Về dự án Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ cho biết đã thống nhất với Thái Nguyên về vấn đề miễn giảm.

Báo cáo này của Bộ GTVT cũng nêu việc 2 trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nằm ngoài vị trí trạm và đang nghiên cứu phương án xử lí phù hợp.

Với trạm T2, tại kì chất vấn trước, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết người dân lưu thông qua trạm chỉ đi vào con đường này vài trăm mét, thậm chí chưa được 1km nhưng mà phải trả tiền bằng cả một đoạn đường.

"Xin hỏi Bộ trưởng trả tiền như thế đã có công bằng cho người dân chưa? Bộ trưởng xử lí vấn đề này như thế nào?", đại biểu Kim Bé nói.

Còn với trạm Bờ Đậu trên QL3 cũ (Thái Nguyên), đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nói cử tri tỉnh này đang hết sức bức xúc và đề nghị bỏ trạm.

Trong thời gian vừa qua, khi chưa giải quyết hoàn toàn những bất cập cũ (trạm T2, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Cai Lậy, QL5...), BOT lại tiếp tục nóng với trạm An Sương - An Lạc; Hòa Lạc - Hòa Bình, Ninh Lộc (người dân đếm xe), có thể trong kì chất vấn này, trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng GTVT không hề nhẹ nhàng.

Hàng loạt vấn đề nóng ngành GTVT đang chờ trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có tiếp tục xin lỗi, nhận trách nhiệm? - Ảnh 4.

Bao giờ đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới khai thác thương mại? (Ảnh: Di Linh).

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chờ Bộ trưởng Thể giải quyết?

Trong kì chất vấn lần này, Bộ trưởng GTVT sẽ trả lời về các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém.

Được biết, các công trình trọng điểm của ngành này chậm tiến độ, đội vốn ngoài đường bộ (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành) là hàng loạt dự án đường sắt đô thị như tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội.

Với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đã "hứa" tới lần thứ 9 là khai thác thương mại trong năm nay.

Theo Bộ GTVT, đường sắt đô thị là dự án lớn, công nghệ phức tạp và "lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam do đó chưa có kinh nghiệm quản lí thực hiện".

Bên cạnh đó, năng lực và kinh nghiệm quản lí thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế.

Tuy nhiên, giải thích này sẽ được bao nhiêu người dân đồng tình khi đã quá kì vọng vào dự án đường sắt đô thị đầu tiên này?

Taxi công nghệ, truyền thống ra sao?

Tại kì chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dự kiến trả lời về quản lí xe hợp đồng điện tử.

Được biết, "cuộc chiến taxi" đã diễn ra vài năm qua và Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được cho là sẽ kết thúc "cuộc chiến" này.

Tuy nhiên, qua tới 7 lần dự thảo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vẫn yêu cầu Bộ GTVT phải làm lại.

Và mới đây nhất, Bộ GTVT đã trình dự thảo về nghị định trên lần thứ 8. Tuy nhiên, những tranh cãi về xe hợp đồng dưới 9 chỗ, việc gắn mào, quản lí như taxi... vẫn diễn ra.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.