Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng
Một sàn vàng "ảo" bị bắt giữ với số tiền hàng ngàn tỉ. |
Tính từ tháng 9/2014 đến nay, đã có 8 sàn vàng “ảo” bị đánh “sập”, bao gồm VGX, Khải Thái, 24 Gold Duệ Bác, HGI, BBG, HLG, IMMS và Thiên Việt. Do tính chất phức tạp nên các vụ án trên vẫn chưa đi đến hồi kết. Tuy vậy, ước lượng ban đầu của cơ quan điều tra số tiền các sàn đã chiếm đoạt của nhà đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Không dừng lại ở đó, nhiều sàn còn cấu kết với những sàn “ngoại” để chuyển tiền ra nước ngoài, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Khi các sàn vàng “ảo” bị đánh “sập” chỉ một số ít khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra. Đa số, những người tham gia vào vàng “ảo” không dám phản ánh vì sợ liên luỵ. Do vậy, cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đòi được tiền khi sàn “sập”. Nhiều người còn bị cơ quan chức năng mời lên “giải trình” và đứng trước nguy cơ bị phạt hành chính. Những người từng giữ các vị trí “cao cấp” như đại điện sàn, trưởng nhóm có thể bị khởi tố.
Anh N.A. (nhà đầu tư vàng “ảo”) cho biết: “Tôi tham gia vào vàng tài khoản từ năm 2009, lúc đầu “sàn cái” làm việc khá sòng phẳng. Dù các sàn đều thu phí cao nhưng giá trị lợi nhuận hấp dẫn nên ngày càng nhiều người đầu tư vào hình thức kinh doanh này. Tuy vậy, tới năm 2010, khi nhà nước cấm hoạt động vàng tài khoản thì cũng từ đây các sàn biến tướng để hoạt động “chui”. Lúc này, các sàn tung ra rất nhiều “chiêu” để thao túng giá, thao túng phần mềm giao dịch, nên điều dễ hiểu là 99% nhà đầu tư tham gia sàn đều “cháy” tài khoản.
Tuy nhiên do tỷ lệ đòn bẩy cao, kích thích tâm lý may rủi, nên nhà đầu tư vẫn nhắm mắt lao vào các sàn vàng chui như những con nghiện cờ bạc. Thời gian gần đây, nhiều sàn bị triệt phá khiến càng sàn càng hoạt động tinh vi hơn. Nhận thấy có quá nhiều người bị lừa đảo trắng trợn nên tôi đã gửi đơn đến công an đề phản ánh. Từ đó đến nay, tôi thường xuyên bị mời lên làm giải trình về việc tham gia vàng tài khoản khiến cuộc sống bị đảo lộn. Lúc đầu tham gia hình thức này tôi cũng chỉ nghĩ nếu bị phát hiện chỉ bị nhắc nhở nhưng nay nghe nói có thể bị khởi tố nên tôi khá lo lắng”.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối Ngân hàng nhà nước cho biết: “Việc kinh doanh sàn vàng trong thời gian vừa qua không tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà chủ yếu gây bất ổn thị trường. Tham gia vào sàn vàng “ảo”, người chơi không những vi phạm pháp luật mà còn phải đối mặt với những rủi ro lớn. Do đó, nhà đâu tư cũng hoàn toàn có thể bị xem xét trách nhiệm trước pháp luật. Những người tham gia điều hành sàn vàng “ảo” dù cố ý hay vô tình cũng có thể bị khởi tố để phục vụ điều tra”.
Sàn cái "bốc hơi" người chơi điêu đứng
Việc quản lý sàn vàng “ảo” vẫn là bài toán khó. |
Anh Quỳnh Như (một nhà đầu tư forex) cho hay: “Cách đây một năm, nghe nhiều người môi giới ca ngợi sàn vàng làm ăn nhanh giàu nên tôi đã mở tài khoản đầu tư vào đây. Từ đầu năm 2016, sau khi thấy kinh doanh có lãi tôi đã nhiều lần thực hiện lệnh rút tiền mà không được. Lên công ty hỏi thì được hướng dẫn phải rút tiền qua ngân hàng và gửi giấy tờ sang nước ngoài để duyệt.
Tuy vậy, gần 6 tháng làm đủ các thủ tục vẫn chưa được giải quyết, xót tiền nên tôi và nhiều người đã hùn tiền cử một vài cá nhân sang tận nước ngoài để đòi tiền nhưng phải tay không ra về. Cách đây hơn một tháng, qua thông tin từ nước ngoài, tôi mới biết sàn này đã bị sập.
Tuy nhiên, tại Việt Nam các sàn trên vẫn ngang nhiên hoạt động để lôi kéo khách hàng. Nhìn chung, các sàn “chui” bây giờ đều rất “vô cảm” với khách hàng nên người chơi không thể làm gì khác ngoài ôm cục tức rồi bỏ qua”.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thi (Công ty luật Nguyễn Hiền, TP HCM) cho biết: “Khi kinh doanh vàng trên tài khoản, người chơi không được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp người chơi có ký các hợp đồng ủy thác, ranh giới hợp pháp cũng rất khó xác định. Điều quan trọng là, dù cơ quan chức năng có vào cuộc thì cũng rất khó thu hồi được tiền cho người chơi”.
Để giải quyết tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã kiến nghị Chính Phủ cho mở sàn vàng chính thống để để quản lý thị trường vàng tốt hơn. Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, các ngân hàng và cho ký quỹ với tỷ lệ cao để tránh rủi ro. Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng. Hơn nữa, việc này cũng sẽ hạn chế được sự bùng nổ của các sàn vàng chui. Đồng thời, việc cho mở lại điểm giao dịch vàng tập trung sẽ làm tăng thu cho ngân sách. Mặc dù hiện nay sàn vàng bị cấm, nhưng thực tế nhu cầu của nhà đầu tư vẫn rất lớn và họ bất chấp rủi ro, thậm chí bất chấp quy định hiện hành để “đánh lậu”.
Sau khi nhận được đề xuất trên, Ngân hàng nhà nước vẫn chưa có động thái tích cực trong việc mở sàn vàng. Đồng thời, vẫn khuyến cáo người dân không nên tham gia vào bất cứ giao dịch nào để tránh tình trạng lũng đoạn kinh tế tài chính.