Phi thuyền Cassini thám hiểm quanh Sao Thổ. Ảnh minh họa |
Phi thuyền Cassini-Huygens được đặt theo tên Giovanni Domenico Cassini, nhà toán học và thiên văn học người Italia và Christiaan Huygens, nhà toán học, thiên văn học và vật lý người Hà Lan. Ông Cassini là người đầu tiên nhận ra sự phân chia các vành đai Sao Thổ vào năm 1675 và giờ đây, 300 năm sau, một phi thuyền không gian mang tên ông đang quay quanh hành tinh này.
Phi thuyền Cassini do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA thiết kế và chế tạo. Nó được coi là một trong những dự án đầu tư nghiên cứu không gian xa hoa nhất trong lịch sử của NASA, với chi phí là 3,26 tỷ USD.
Tàu vũ trụ Cassini được phóng lên vũ trụ vào ngày 15/10/1997 và tới quỹ đạo Sao Thổ vào tháng 7/2004 và từ đó bay quanh hành tinh này và các vệ tinh của nó. Cassini là tàu thám hiểm đầu tiên bay quanh Sao Thổ và là con tàu thứ 4 viếng thăm Sao Thổ.
Sau 13 năm quanh quanh Sao Thổ, phi thuyền Cassini sắp cạn nhiên liệu và NASA chuẩn bị cho tàu Cassini đâm xuống bề mặt Sao Thổ vào tháng 9. Tuy nhiên, trong tuần này, tàu đã gửi về trái đất hình ảnh tuyệt đẹp của hành tinh này, vốn được quan sát qua các vành đai của Sao Thổ.
Những màn trình diễn cuối cùng
Việc "ngụp, lặn" giữa các vành đai Sao Thổ bắt đầu vào ngày 26/4 và tàu vũ trụ Cassini sẽ chụp bất cứ thứ gì mà nó thấy khi di chuyển qua các vành đai của hành tinh khổng lồ. Ngày 26/4 là lần đầu tiên trong khoảng 22 lần con tàu bay qua khu vực này trước khi bước vào giai đoạn cuối và hoàn tất nhiệm vụ.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện 22 lần bay qua khu vực độc nhất mà chưa có tàu vũ trụ nào từng đi qua”, Mirror dẫn lời ông Thomas Zurbuchen thuộc Ban điều hành Nhiệm vụ Khoa học phát biểu từ trụ sở của NASA ở Washington DC.
Theo ông Thomas, những gì thấy được từ quỹ đạo cuối cùng của tàu Cassini sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về các hành tinh khổng lồ, và quá trình hình thành, phát triển của hệ thống hành tinh khắp mọi nơi. “Đây thực sự là lần thám hiểm thú vị tới phút chót”, ông nói.
Một khi phi thuyền vượt qua khoảng cách đã 2.400 km, nó sẽ chuyển sang quỹ đạo cuối cùng, đưa nó gần tới Mặt trăng Titan khổng lồ của Sao Thổ. Sau đó, trọng lực của Titan sẽ bẻ cong chuyến bay của tàu Cassini và khiến quỹ đạo của nó thu lại cho tới khi tới vị trí giữa hành tinh này và các cạnh bên trong vành đai của nó.
Cassini đã khám phá ra điều gì?
Hình ảnh màu tự nhiên tuyệt đẹp chụp Sao Thổ cùng vành đai của nó, phía sau làTrái Đất (Earth), Sao Hỏa (Mars) và Sao Kim (Venus). Ảnh: NASA |
Năm 2013, tàu Cassini đã chụp được những hình ảnh có độ phân giải cao về Sao Thổ dưới tia sáng của Mặt Trời.
Đây là lần đầu tiên các mặt trăng và vành đai của Sao Thổ, Trái Đất, Sao Kim và Sao Hỏa xuất hiện trong cùng một lần chụp. 141 hình ảnh góc rộng được kết hợp lại với nhau nhằm tạo nên bức ảnh toàn cảnh về Sao Thổ, quét qua 651.591 km với màu tự nhiên tuyệt đẹp.
Một trong những khám phá thú vị nhất được tiết lộ đầu tháng này khi tàu Cassini xác nhận khí hydro tồn tại trên mặt trăng Enceladus của Sao Thổ. NASA đã cung cấp những chứng cứ đầu tiên ghi nhận qua tàu thăm dò Cassini cho thấy có phản ứng hóa học cần thiết xảy ra dưới sâu lớp băng đá bao phủ Enceladus để tạo ra một môi trường cho phép vi sinh vật tồn tại. Theo các chuyên gia, phát hiện này là “mảnh ghép cuối cùng” trong bức tranh toàn cảnh có thể chứng minh có tồn tại sự sống trên Enceladus.
Cassini hoạt động quá xa Mặt Trời để nhận năng lượng từ Mặt Trời. Thay vào đó, tàu vũ trụ sử dụng máy phát điện nhiệt lượng đồng vị phóng xạ (RTG). Dù RTG vẫn có năng lượng khi Cassini ngừng hoạt động, nó không đủ sức cung cấp cho các quỹ đạo khác của hành tinh to lớn này. Thay vào đó, Cassini sẽ được điều hướng lao thẳng vào bề mặt Sao Thổ vào ngày 15/9, kết thúc kịch tính sứ mệnh lịch sử.
Cassini vẫn giữ ăng-ten hướng về phía Trái Đất càng lâu càng tốt cùng những dữ liệu quan trọng và hình ảnh khi nó di chuyển qua những đám mây.
Theo Linda Spilker, nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA, Cassini sẽ thực hiện một số quan sát đặc biệt nhất vào cuối hành trình dài.
Phát hiện 7 hành tinh to bằng trái đất có thể có sự sống | |
Phát hiện tiểu hành tinh có thể va vào Trái Đất |