Họa sĩ Nguyễn Diệu Thúy cùng chồng có ý tưởng biến những ve chai phế phẩm thành đồ dùng và vật phẩm trang trí. |
Nếu không nói ra, có lẽ chẳng mấy ai biết những chiếc đèn, bình hoa và cốc thủy tinh đẹp như một tác phẩm nghệ thuật này lại chính là những chiếc ve chai cũ kĩ, vô dụng, vứt chỏng chơ ở bãi rác thải. Dưới bàn tay của vợ chồng họa sĩ Đinh Thiên Tâm – Nguyễn Diệu Thúy (Ngọc Hà, Hà Nội), những chiếc ve chai may mắn được trao cho một thân phận mới, khác xa thân phận hẩm hiu trước đó.
Hành trình “hồi sinh” của những chiếc ve chai bắt đầu từ công đoạn được vợ chồng họa sĩ Thiên Tâm – Diệu Thúy thu mua về, tiếp theo là cắt gọt, sau đó lên ý tưởng và cuối cùng là tô vẽ hoàn toàn bằng thủ công. Ngoài những vật dụng quen thuộc như đèn, lọ hoa, khay đựng nến, cốc thủy tinh, những chiếc ve chai còn được biến hóa thành vật dụng trang trí, trưng bày, làm thỏa mãn những người yêu nghệ thuật sắp đặt.
Dưới bàn tay của vợ chồng họa sĩ Đinh Thiên Tâm – Nguyễn Diệu Thúy (Ngọc Hà, Hà Nội), những chiếc ve chai may mắn được trao cho một thân phận mới, |
Từ vật vô dụng, bị coi là phế thải, những chiếc ve chai bỗng trở thành vật phẩm xa xỉ. Xa xỉ ở đây không nằm ở giá tiền của sản phẩm, mà nằm ở giá trị tinh thần. Độ tinh xảo và độc bản, tính thẩm mỹ và sự kỳ công trong quá trình tô vẽ mới làm nên giá trị xa xỉ. Ẩn đằng sau “tác phẩm nghệ thuật” vốn có xuất thân không mấy cao sang này luôn là những câu chuyện về cái đẹp. Mà có lẽ người ngoài cuộc nói sẽ không hay. Hãy cùng nghe chính người “hồi sinh” những chiếc ve chai kể về câu chuyện và mối lương duyên giữa họ.
- Vẫn biết người họa sĩ nhìn sự vật hiện tượng khác với con mắt của người thường, nhưng từ những chiếc ve chai, bình thủy tinh cũ kĩ, xấu xí mà anh chị vẫn có thể biến hóa nó nên thơ và đẹp đẽ như vậy? Chị có thể cho biết hoàn cảnh nào khiến anh chị nảy ra ý tưởng độc đáo này?
- Mọi thứ diễn ra rất tình cờ và tự nhiên. Vào giữa năm 2013, chồng mình lên mạng và vô tình nhìn thấy những vật phẩm, đồ lưu niệm bằng thủy tinh rất tinh xảo. Khi biết chúng được chế tác từ những chiếc bình thủy tinh phế thải thì khá bất ngờ. Sau đó hai vợ chồng cùng tìm hiểu, thì biết được rằng đây ngành nghề này không phải là mới ở các nước phương Tây. Trái lại rất phổ biến bởi họ tái chế phế phẩm giỏi và chuyên nghiệp. Hai vợ chồng bàn bạc rồi quyết định hiện thực hóa ý tưởng này.
Không ai nghĩ những chiếc bình cắm hoa độc đáo này lại có xuất thân từ nguyên liệu ve chai. |
- Chị có thể nói rõ hơn về quá trình làm ra những vật phẩm đầu tiên?
- Hai vợ chồng bắt đầu bằng việc thu mua những chai thủy tinh cũ để đem về cắt gọt. Nhưng chỉ thu mua những chai thủy tinh chất lượng tốt như vỏ chai nhập ngoại, vì khi đó cắt gọt sẽ không bị vỡ, vẽ màu lên cũng ăn, sáng và sang hơn. Hơn nữa với những vật dụng như cốc nước thì cũng cần dùng loại thủy tinh chất lượng tốt để không ảnh hưởng sức khỏe.
Sau khi thu mua về thì chồng làm nhiệm vụ rửa bình, cắt gọt theo dáng ưng ý, mài bóng, còn mình lên ý tưởng và vẽ màu lên. Ra thành phẩm, mình đem biếu tặng bạn bè, người thân và đều nhận được phản ứng tích cực. Lúc đầu đơn thuần làm chỉ vì muốn thử, muốn trải nghiệm cái mới và vì đam mê của bản thân. Nhưng sau đó nhận thấy mọi người cũng thích thú sản phẩm độc đáo này, bọn mình quyết định đầu tư nghiêm túc vào nó.
Chiếc máy cắt bình, chai thủy tinh do chồng chị Thúy tự chế. |
Sau khi cắt gọt và mài bóng, những chiếc ve chai được vẽ màu rất nghệ thuật. |
- Những khó khăn ban đầu mà anh chị gặp phải trong quá trình gây dựng “Ve chai”?
Mới đầu hai vợ chồng cũng gặp khó khăn khi cạnh tranh với những mặt hàng có cùng công dụng nhưng giá thành rẻ hơn. Đồ handmade, thủ công vốn chế tác rất cầu kì, tỉ mỉ, mất công mất sức nên giá thành có nhỉnh hơn. Tuy nhiên đó cũng là điều xứng đáng thôi bởi nó độc đáo, chất lượng và mang tính thẩm mỹ cao. Với những người hiểu về nghệ thuật và họ có gu, thì họ lại rất yêu thích và muốn tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm vẽ tay hoàn toàn thủ công này.
- Anh chị có cho rằng đó là những sản phẩm kén người mua và làm thế nào để anh chị phổ biến, giới thiệu chúng đến khách hàng?
Hai vợ chồng mình thực sự không nghĩ nhiều đến thế. Như đã nói chúng mình thực hiện ý tưởng này vì thích, vì đam mê. Hầu hết khách hàng đều tự tìm đến. Họ là những người có nhu cầu, muốn mua để biếu tặng, sử dụng và cả trang trí cho không gian nội thất gia đình.
Là dân thuần nghệ thuật, nên mình cũng chưa nhạy bén trong việc quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Cái này chắc chắn mình còn phải học hỏi thêm.
Những chiếc chai sau khi được cắt gọt và mài bóng trở nên hữu dụng như thế này. |
- Điểm nổi bật của những bình, lọ hoa, cốc thủy tinh và những vật phẩm trưng bày là gì?
“Tốt gỗ tốt cả nước sơn” là câu trả lời chính xác nhất. Đẹp cả nội dung lẫn hình thức. Do khâu lựa chọn ve chai kỹ lưỡng, mà chất lượng thủy tinh luôn đảm bảo. Với những chai kém chất lượng, sau khi tô vẽ một thời gian màu sẽ bợt dần và nhìn giả. Ngược lại, chai thủy tinh chất lượng, màu sẽ càng bền theo thời gian, dùng càng nhiều càng bóng.
- Chị dựa vào đâu mà tin rằng sẽ phát triển và giới thiệu rộng rãi đến mọi người về những sản phẩm xuất thân từ ve chai này?
Sản phẩm từ ve chai góp một phần tiếng nói vào bảo vệ môi trường sống. Hơn nữa việc tái chế vỏ chai rượu ngoại cũng hạn chế phần nào tình trạng thu gom chúng để phục vụ vào mục đích không chính đáng. Và quan trọng nhất, những chiếc ve chai mang thông điệp về cái đẹp, mà ở bất cứ xã hội nào đều cần có.
- Những dự định để phát triển thêm thương hiệu “Ve chai” là gì?
Hai vợ chồng vẫn ấp ủ dự định dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng trong thời gian gần nhất có thể thực hiện dự định này.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ rất thú vị!
Một số hình ảnh đẹp về những "tác phẩm nghệ thuật" xuất thân từ nguyên liệu ve chai: