Chưa đi học đã bị... phạt!
Khoảng 4 - 5 tháng nay, cứ vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, tại phòng đọc sách trong một chung cư ở TPHCM lại diễn ra buổi học chữ của trẻ sắp vào lớp 1. Mỗi buổi học có mức phí 100.000 đồng, kéo dài từ 8h30 đến 11h.
Sau khi ổn định lớp, chỉ bài cho các em viết, học trò chép chép, viết viết, cô giáo trẻ thường xuyên cầm điện thoại bấm bấm, lướt lướt. Chốc chốc, cô thả điện thoại xuống, nhắc nhỏ học trò. Một lúc sao, cô giáo đứng dậy kiểm tra, không ngừng la mắng yêu cầu học trò trật tự.
Một bé gái rời chỗ ngồi, chạy đi chạy lại. Cô giáo cầm vở của em, chỉ sang bàn bên cạnh: "Ty, con sang ngồi bên kia viết cho cô. Viết xong rồi viết thêm một trang nữa".
Bé học trò buồn xo, cầm vở rồi sang chiếc bàn khác, tách biệt với các bạn còn lại ngồi chép phạt.
Nhiều lớp học chữ được giáo viên tổ chức tạm bợ, không có bàn ghế ngồi theo quy chuẩn (Ảnh mang tính minh họa) |
Trong khi Ty đang ngồi chép phạt ngay bên cạnh thì cô giáo chuyển qua dạy Toán, tập đếm, viết ngược từ 10 đến 1 và các phép cộng trừ. Cô giáo vừa giảng, vừa chỉ, vừa hỏi và vừa... la hét. Buổi học đó kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, chỉ nghỉ tầm 10 phút giữa buổi. Nhiều em chép bài chưa xong thì phải chép luôn cả giờ nghỉ.
Anh Nguyễn Quốc Đạt, nhà ở P.4, Q. Bình Tân cho biết, vợ chồng anh đã cãi nhau nảy lửa chuyện con đi học chữ trước lớp 1. Vợ anh nghe lời bạn bè giới thiệu, gửi con đến nhà cô giáo luyện chữ có tiếng, tuần 3 buổi. Đúng là đi học mấy tuần, con anh đã viết và đọc được các chữ ghép cơ bản nhưng đổi lại cháu sợ hãi vô cùng, hôm nào mở mắt ra cũng hỏi: "Hôm nay con phải đi học không?".
Anh Đạt cho biết, cô giáo công khai nói với gia đình, cô sẽ dùng thước gõ vào tay trẻ khi trẻ viết sai, viết không thẳng hàng. Anh Đạt lắc đầu nhưng vợ anh lại đồng tình vì cho rằng giờ cô không rèn, vào lớp 1 sĩ số đông, không ai kèm cặp lại càng khổ nữa. Nhiều khi đi học về, con anh có hẳn vết lằn trên tay, anh lo lắng rồi đây con biết được chữ thì có khi lại phải quay sang đi chữa bệnh sợ học cho con. Dù vậy, nói thế nào vợ anh cũng không chịu.
Nguy hại học chữ phản khoa học
Anh Đạt kể, mỗi tuần con anh học 3 buổi nhưng cô giáo dạy nhiều ca, nên lịch rất kín. Chưa kể, cô giáo tổ chức tại nhà nên cũng rất bị động. Có hôm anh chở con đến nơi mới nhận được thông báo, cô có việc gấp nên nghỉ dạy. Lịch học 9h30 nhưng có hôm phải ngồi chờ đến 10h30 vì cô dạy trễ, nên ca trước kết thúc trễ.
Chung tình cảnh như vậy, chị Đặng Ngọc Sinh, nhà ở Bình Thạnh cho biết, hai mẹ con chị cùng bơ phờ vì chuyện học chữ. Chị đăng ký cho con học tại một nhóm lớp của một khu chung cư, tổ chức ở phòng cộng đồng. Cô giáo đã kín lịch nên chỉ tổ chức dạy được vào giờ 10h30 đến 12h30. Thế nên, đúng giờ trưa, khi mọi người nghỉ ngơi thì... các cháu ngồi học, vừa học vừa ngáp ngắn, ngáp dài.
Nhiều đứa trẻ bị đày đọa về tinh thần lẫn thể chất vì ép học chữ trước |
"Cháu học vào 2 buổi cuối tuần nữa nên nhà tôi đảo lộn sinh hoạt. Có hôm, đến giờ học cô giáo thông báo có việc bận nên các cháu ngồi chờ đến hơn 11h mới học, 1h chiều mới kết thúc", chị Sinh kể.
Cho dù biết rằng con đang khổ sở vì việc học nhưng chị Sinh vẫn khăng khăng, con cần phải biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Và chị rất tự hào là con mình đã học gần xong chương trình lớp 1 dù chưa vào lớp 1.
Việc tổ chức dạy chữ trước lớp 1 thường theo diện tự phát, giáo viên tự đứng ra tổ chức rồi tìm người học. Hoặc nhiều gia đình cùng gửi gắm một cô giáo nào đó gần nhà. Hầu như các ngõ ngách đều có các lớp học chữ trước. Ở nhiều lớp học, không thiếu hình ảnh các em nhỏ nằm bẹp ngay giữa nền nhà để viết hoặc ngồi bệt giữa nền nhà, lấy chiếc ghế ngồi làm bàn viết.
Đó mới chỉ là chuyện học chữ từ cô giáo, không ít trẻ còn bị "hành xác" trực tiếp từ bố mẹ vì việc học chữ. Nhiều phụ huynh kèm cặp cho con ở nhà thì quát mắng, chì chiết, chê bai... khi bắt con phải luyện đúng như khuôn mẫu, đúng số lượng bài vở giáo viên giao hoặc tự đặt ra. Rất nhiều trẻ nhỏ thay vì vui chơi, chạy nhảy, nghe bố mẹ kể chuyện, đọc sách, làm quen và rèn các kỹ năng cơ bản... thì dốc hết sức lực, thời gian cho việc học chữ, học Toán - việc mà vào lớp1 các em sẽ được học.
Học chữ trước khi vào lớp 1 đã là phản khoa học, học chữ sai cách, biến việc học thành "hành xác" con trẻ lại càng nguy hại. Trong khi việc dạy chữ sai cách diễn ra ở nhiều nơi, nhưng không có nhiều phụ huynh quan tâm đến điều này mà chỉ cần con mình biết đọc, biết viết, biết trước chương trình.
Trong nhiều lần chia sẻ với phụ huynh ở THCM về vấn đề chuẩn bị vào lớp 1, TS Trần Lan Hương, chuyên gia nghiên cứu trẻ em của Bộ GD-ĐT, luôn cảnh báo, trẻ không hào hứng và chưa “chín” về các kỹ năng như phát triển cơ tay nhỏ, khả năng tập trung… mà bị ép học thì các con chữ, chữ số sẽ trở thành nỗi sợ hãi của trẻ. Điều này làm mất hứng thú học tập và thật sự không có lợi cho việc học tập lâu dài của trẻ.
Mẹ của 'cô bé triệu view' Bảo An kể chuyện con vào lớp 1: 'Có những sự cố nghĩ lại vẫn hãi hùng!'
Mẹ của ca sĩ nhí Bảo An đã có những chia sẻ về quãng thời gian khi con vào lớp 1, đồng thời chị cũng ... |
Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, tôi kì vọng chọn trường cho con như thế nào?
Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, tôi có những kỳ vọng nhất định với hệ thống trường học, cụ thể là trường tiểu học ở ... |
Sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh thì giáo viên phải dạy làm sao đây?
Làm sao để thầy cô đảm nhận tròn vai một người thầy với hơn 60 học sinh/ lớp, có lẽ đây thực sự là một ... |