Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa vừa chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nghe báo cáo trực tuyến về phương án thiết kế dự án Đường tỉnh 926B kết nối tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp.
Cụ thể, dự án Đường tỉnh 926B là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.
Tuyến đường đi qua địa phận các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang và huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Điểm đầu dự án giao với Đường tỉnh 931B tại thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A; điểm cuối giao với tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp thuộc xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Theo phương án do đơn vị tư vấn đưa ra, toàn tuyến có chiều dài hơn 30 km, dự kiến có 23 cầu, 17 cống ngang đường; chiều rộng mặt đường 7 m. Dọc hai bên tuyến đường dự kiến trồng các loại cây dầu, sao, khoảng cách trung bình 10 m/cây.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cơ bản thống nhất về phương án tuyến do đơn vị tư vấn đề xuất và các sở, ngành cho ý kiến; thống nhất chiều dài toàn tuyến là 30,342 km, 23 cầu, 17 cống hợp, 5 cống thông thuyền, 86 cống đường kính 1.000-1.500.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổng hợp ý kiến đóng góp của đại biểu cũng như trên cơ sở phương án tuyến được thông qua tại cuộc họp khẩn trương hoàn chỉnh phương án tuyến và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 5/9.
Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, địa phương phấn đấu hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng các dự án đã có chủ trương đầu tư như: dự án Đường tỉnh 931 đoạn từ thị trấn Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Dẹt; đường tỉnh 926B tỉnh Hậu Giang kết nối tuyến Quản lộ Phụng Hiệp với tỉnh Sóc Trăng; đường nối thị trấn Ngã Sáu đến Nam sông Hậu 3B; ba dự án đường ô tô về trung tâm xã Vĩnh Viễn A, Phú Hữu, Phú Tân; đường tỉnh 927 đoạn từ xã Phương Bình đến thị trấn Cây Dương.
Đồng thời, tỉnh dự kiến đầu tư 10 công trình trọng điểm về đường bộ, với tổng kinh phí hơn 10.700 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, kêu gọi đầu tư BOT các dự án giao thông đi qua đô thị, có khả năng khai thác quỹ đất, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.