Một trong những thách thức lớn nhất trong nuôi dạy trẻ và đời sống gia đình chính là đời sống cảm xúc, đặc biệt là những cơn giận, sự buồn bực, ghen tị, kèm theo nước mắt. Tôi đã viết nhiều về đề tài này, nhưng càng trải nghiệm nó, tôi càng thấy như mình mới bóc được thêm chút vỏ ở ngoài, càng ngày càng tiến sâu hơn một chút vào trong.
Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tiếng khóc của các con tôi cũng lắm lúc khiến tôi khó chịu, nhất là tiếng khóc gào của đứa lớn.
Tôi đã và đang tập vài năm nay. Với nhiều phụ huynh, họ hỏi về cách thức, nhưng lại không tập theo. Việc cứ liên tục hỏi và suy ngẫm về cách xử lý cảm xúc sẽ không làm bạn giỏi hơn hay hiểu nó hơn. Bạn phải làm. Làm sẽ hiểu, thậm chí không cần ai phải dạy thêm. Đây là một kỹ năng quan trọng, phải tập mới có, chứ không phải sinh ra đã giỏi.
Trẻ con cần có quyền khóc, và tự đối mặt với cảm xúc của chúng. |
Người lớn thường thất bại trong xử lý cảm xúc với trẻ nhỏ bởi vì…
- Người lớn cho rằng cảm xúc đó xấu, không nên xảy ra (chống đối sự việc).
- Người lớn phản ứng mạnh, mắng mỏ đứa trẻ (Nín! Khóc là hư nhé) hoặc dỗ bằng cách thuyết phục (bình tĩnh, có gì phải buồn?). Thực chất, trong lúc đó, người lớn bị chính phản ứng của họ với cảm xúc của đứa trẻ chi phối.
Đứa trẻ do đó cảm thấy bị phủ nhận, cảm thấy không ai hiểu nó. Nó tiếp tục khóc to hơn nữa, dai dẳng hơn nữa. Trừ khi người lớn cho nó thứ nó thích, nó sẽ nín khá nhanh, nhưng cách này lại rất có hại cho đứa trẻ. Về lâu về dài, nó không có cơ hội được tập để xử lý chính cảm xúc của mình, rồi sinh ra dựa dẫm vào cái gì đó để khiến nó tam quên đi cảm xúc.
Khi cách thức xử lý của người lớn không giúp được trẻ, người lớn thường bực hơn nữa. Có người bắt đầu mắng là con hư, có người đánh con luôn. Tất cả chỉ để khiến nó ngừng khóc – bởi vì họ không hiểu bản chất của cảm xúc. Chính vì sai lầm này, người lớn làm hỏng dần mối quan hệ với trẻ. Đứa trẻ rút lui dần, không dám là mình trước mặt người lớn nữa. Nó cảm thấy mất an toàn và biết rằng nó không được chấp nhận.
Cảm xúc tiêu cực mà tạm bị quên đi (lảng tránh) hay đè nén (phủ nhận, giả vờ nó không có) thì lâu dài đều tích tụ, và biến thành vấn đề lớn ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi.
Cảm xúc đến rồi sẽ đi nếu không bị níu giữ. Khi phủ nhận nó, thực ra ta lại đang đóng mình, không để cho nó đi. Vì vậy, mà nó sẽ bị tích tụ ở đâu đó, thầm lặng núp trong bóng tối, chờ lúc khác để trồi lên.
Trẻ con cần cơ hội để học cách giải quyết cảm xúc. Và chúng luôn giải quyết tốt hơn người lớn rất nhiều. |
Trẻ con cần có quyền khóc, và tự đối mặt với cảm xúc của chúng
Tôi đưa ra ví dụ đơn giản như khi tôi chứng kiến hai đứa con của tôi:
Đứa lớn (5 tuổi) đang chơi với quả trứng đồ chơi. Nó thả quả trứng ra. Đứa bé (2 tuổi) thích thú cầm lên. Đứa lớn giãy nảy, khóc to.
Phản ứng phổ biến ở các gia đình có lẽ là mắng mỏ đứa lớn, bắt nó phải nhường vì nó là anh hay chị, bảo nó là nó sai, đừng có đòi hỏi nữa, hay phải giữ bình tĩnh. Tất cả những cách đó sẽ khiến đứa trẻ càng bực. Nó đã bực vì không có thứ nó muốn, nay lại bực hơn vì người lớn không chấp nhận cảm xúc của nó, đã thế còn trách móc nó. Đương nhiên nó sẽ la khóc hơn nữa.
Chuyện xảy ra là:
Đứa lớn ngồi ngay cạnh tôi, và khóc thẳng vào tai tôi. Tôi cũng khá cáu, nhưng tôi biết rằng tìm cách giúp con lúc chính mình cũng cáu thì mọi chuyện chỉ có thể tệ hơn. Vì vậy, tôi im lặng và quan sát chính cảm xúc của mình. Đứa lớn khóc một tí lại đòi đồ chơi của đứa bé. Đứa bé vẫn không cho. Tôi có nói ngắn gọn với đứa lớn: “Con muốn gì mà khóc mà tìm cách giằng đồ chơi thì không ai muốn đưa con cả.” Sau đó tôi không nói gì nữa. Chỉ im lặng để chấp nhận tình trạng hiện tại.
Sau chưa đến 5 phút, đứa lớn, sau khi đã được khóc thỏa và thấy mẹ vẫn ngồi đó chứ không đi đâu (biết mẹ vẫn chấp nhận mình và cho mình khóc), nó tự nín và quay ra nói rất nhẹ nhàng với đứa bé: “Em ơi, em cho chị mượn!” Những lần trước, đứa bé nhất định không buông. Nhưng khi cảm xúc của chị nó thay đổi, nó cũng thay đổi, lập tức thả trứng ra ngay và đưa cho chị.
Tôi có thể đã phản ứng khác: bực bội, mắng con, bảo nó đừng khóc, thích khóc thì ra chỗ khác mà khóc,… Và nó sẽ khóc dai dẳng hơn – điều ấy là chắc chắn.
Trẻ con cần có quyền khóc, và tự đối mặt với cảm xúc của chúng. Bạn không cần phải làm gì hay nói gì. Chỉ cần là người ở bên cạnh và quan sát bé.
Người lớn chúng ta không hiểu nên cứ khó chịu với tiếng khóc, và cho rằng khóc là không cần thiết, là xấu. |
Trẻ con cần cơ hội để học cách giải quyết cảm xúc. Và chúng luôn giải quyết tốt hơn người lớn rất nhiều: chúng không xúc phạm ai, thường không làm gì ngu ngốc để gây tổn thương ai (trường hợp nào trẻ đánh ai thì cần được ngăn lại), chỉ khóc to và rất to, có thể lăn cả ra nhà, và rồi tất cả sẽ như thế chưa từng xảy ra.
Người lớn chúng ta không hiểu nên cứ khó chịu với tiếng khóc, và cho rằng khóc là không cần thiết, là xấu. Vì vậy, lớn dần lên, trẻ con bắt đầu tích tụ cảm xúc tiêu cực. Khi đã thành người lớn, thì sự tích tụ đó đã rất lớn. Nó chẳng khác một con quái vật chỉ chờ sẵn cơ hội để nhảy ra.
Nên tập cùng con càng sớm càng tốt.
Khóc là lành mạnh, khóc là cần thiết. Hãy chấp nhận tiếng khóc của đứa trẻ cũng như bạn chấp nhận tiếng cười của nó. |
Khi đứa trẻ khóc, người lớn cần nhớ
- Khóc là lành mạnh, khóc là cần thiết. Hãy chấp nhận tiếng khóc của đứa trẻ cũng như bạn chấp nhận tiếng cười của nó mà không phán xét đó là xấu hay tốt.
- Hãy là người quan sát, đừng tham gia để khuếch tán cơn giận của trẻ hay của chính mình.
- Mô tả lại với trẻ nhỏ: Con đang cảm thấy buồn/giận/…
- Chấp nhận con, và chấp nhận chính phản ứng của mình. Tuyệt đối không hành động hay nói gì khi đang cáu lại con.
- Khi bạn trong như một tấm gương (tức hoàn toàn không phản ứng, chỉ quan sát), thì con bạn khi ở cạnh bạn sẽ tự quay về trạng thái cân bằng của nó rất nhanh. Bạn không cần phải làm gì hơn thế. Không có gì phải giải quyết.
Hãy để cho trẻ thể hiện cảm xúc. Hãy giúp trẻ xử lý cảm xúc đúng cách, bất kể nguyên nhân của cảm xúc là gì. Vì hạnh phúc gia đình, vì tình thương yêu dành cho trẻ, vì đời sống cảm xúc của trẻ, vì sức khỏe của trẻ, và tất cả những lợi ích lâu dài về sau khi trẻ biết tự xử lý cảm xúc của chính mình một cách lành mạnh.
Cách này không áp dụng cho trẻ sơ sinh đang khóc vì đói hay đòi thay bỉm hay khó chịu. Trẻ nhỏ ở độ tuổi đó cần cha mẹ vỗ về ngay, tuyệt đối không kệ để con tự khóc.