Ngày 1/6, điều gì làm con bạn hạnh phúc?

Thứ làm nên hạnh phúc “dài hạn” của trẻ luôn luôn là được bố mẹ quan tâm và thấu hiểu. Và để quan tâm, thấu hiểu con, thì xin bố mẹ làm ơn ghi nhớ 9 quyền bất di bất dịch sau của con.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, bố mẹ nào cũng đều nghĩ mua quà gì cho con từ trước đó vài tuần. Có bố mẹ mua cho con đồ chơi, mua cho con sách truyện, cũng có bố mẹ tặng con hẳn một chuyến dã ngoại đây đó. Nhưng chắc chắn đó chỉ là những niềm vui “ngắn hạn”. Thứ làm nên hạnh phúc “dài hạn” của trẻ luôn luôn là được bố mẹ quan tâm và thấu hiểu. Và để quan tâm, thấu hiểu con, thì xin bố mẹ làm ơn ghi nhớ 9 quyền bất di bất dịch sau của con.

ngay 16 dieu gi lam con ban hanh phuc
Xin bố mẹ làm ơn ghi nhớ 9 quyền bất di bất dịch sau của con. (Ảnh: Parenting)

1. Quyền được đặt câu hỏi

Trẻ nhỏ luôn tò mò về vạn vật xung quanh. Một khi đã tò mò thì trẻ hỏi liên tục, từ vấn đề đơn giản đến phức tạp. Trẻ có thể đưa ra những câu hỏi cực kỳ ngô nghê hoặc có khi cũng hỏi những câu hóc búa khiến bố mẹ nghĩ mãi cũng không thể giải đáp. Bố mẹ đôi khi sẽ cảm thấy phát mệt vì con hỏi suốt ngày. Nhưng hãy mừng vì điều đó, con biết thắc mắc, đưa ra câu hỏi nghĩa là con đang hứng thú và muốn khám phá những điều mới lạ. Đừng dập tắt sự hào hứng của con bằng câu nói: “Bố/mẹ không biết”, “Con tự nghĩ đi”, “Con nhiều chuyện quá đấy”.

2. Quyền được khóc

Kịch bản thường thấy ở mọi gia đình sẽ là, khi con khóc, lập tức bố mẹ sẽ bắt con phải nín ngay tức khắc. Khóc là phản ứng tự nhiên khi con khó chịu, ức chế, tức giận, hay không hài lòng vì điều gì đó. Đây cũng là cách giải tỏa tâm lý rất dễ hiểu của trẻ. Thế nhưng, không ít ông bố bà mẹ bắt con nín khóc, thậm chí còn chê bai con khi con khóc nhè, coi việc khóc là việc không nên, đáng xấu hổ. Trong trường hợp con khóc, hãy để con khóc thoải mái, hoặc bố mẹ cũng có thể đến và ôm vỗ về con. Tất nhiên cần phân biệt con khóc do con cảm thấy bị tổn thương với khóc ăn vạ. Với trường hợp con khóc ăn vạ, bố mẹ hoàn toàn có thể coi đó là điều bình thường, còn khi con đang cảm thấy tổn thương thật sự, đừng lờ đi cảm xúc của con.

ngay 16 dieu gi lam con ban hanh phuc
Đừng bắt con nín khóc. (Ảnh: Dailymail)

3. Quyền được ích kỷ

Con cũng có quyền được ích kỷ, y như người lớn chúng ta. Đừng ra lệnh cho con phải chia sẻ đồ chơi với bạn hay phải nhường nhịn em nhỏ. Trẻ sẽ chẳng bao giờ làm theo, có khi còn phản ứng tiêu cực hơn. Thay vì ra lệnh, hãy đưa ra gợi ý cho con. Những câu gợi ý kiểu như “Hay là con cho bạn mượn quả bóng nhé” sẽ có tác dụng tích cực hơn. Ngoài ra cũng cần nhớ không chê bai khi trẻ ích kỷ, keo kiệt.

4. Quyền được nói không

“Con không được nói không với bố/mẹ”, “Con phải làm theo ý bố mẹ”, “Con không có quyền từ chối”…đây là những câu nói xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân của trẻ. Trẻ có quyền được nói không, được từ chối khi con không muốn. Ngay cả khi con không muốn đi học, con không muốn về quê thăm ông bà, con không thích đi chơi nhà họ hàng, bố mẹ đều cần tôn trọng ý kiến của con. Khi con không muốn làm điều gì đó, đừng cáu gắt và bắt con làm theo, thay vào đó nên giải thích cho con hiểu rằng đôi khi có những việc con không muốn làm nhưng vẫn phải làm. Hãy tỏ ra cảm thông với con khi con khó chịu và bực bội.

ngay 16 dieu gi lam con ban hanh phuc
Bắt trẻ phải giữ yên lặng quả là một thử thách với trẻ. (Ảnh: Campaign Asia)

5. Quyền được ồn ào

Bắt con yên lặng, ngồi chơi ngoan ngoãn, trật tự thì chỉ có một cách duy nhất, đó là ném cho con cái iPad hay điện thoại thông minh mà thôi. Bạn thử tưởng tượng mà xem, một gia đình có trẻ nhỏ nhưng lại im ắng thì sẽ bất thường đến thế nào. Con nghịch cho là mừng, con ồn ào cho là may mắn. Đừng phàn nàn hay bắt con phải chơi mà không phát ra tiếng ồn.

6. Quyền được sợ hãi

“Nhát như thỏ đế, có gì đâu mà sợ” – xin đừng nói với con những câu kiểu như thế. Một là, con sẽ cảm thấy bố mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con. Hai là, con càng sợ hãi hơn. Ba là, con cảm thấy mình tồi tệ, yếu kém.

Bố mẹ cần hiểu rằng Ở từng giai đoạn độ tuổi, trẻ đều có những nỗi sợ hãi và lo lắng nhất định. Ví dụ trẻ sơ sinh thì sợ âm thanh, tiếng ồn lớn. Trẻ 1 tuổi sợ bố mẹ bỏ đi, sợ bị tách khỏi bố mẹ. Trẻ 2 tuổi sợ con vật, đồ vật lớn. Trẻ 3-4 tuổi hay nằm mơ và sợ những con quái vật xuất hiện trong giấc mơ. Trẻ 5-6 tuổi sợ phải ngủ một mình...

ngay 16 dieu gi lam con ban hanh phuc
Sợ hãi cũng là quyền chính đáng, cần được tôn trọng của trẻ. (Ảnh: Parenting)

Nói vậy để hiểu trẻ có những nỗi sợ chính đáng. Bố mẹ không nên chỉ trích, cấm đoán trẻ không được sợ mà cần giúp trẻ đối phó với nỗi sợ. Khi trẻ sợ hãi, trẻ sẽ khóc để tự trấn an mình. Khi đó đừng cấm con khóc bởi khóc sẽ giúp trẻ bớt sợ hơn. Trẻ khóc nghĩa là trẻ đang bộc lộ và thể hiện được rằng mình đang sợ. Một khi đã bộc lộ được trẻ sẽ dần học cách vượt qua nỗi sợ hoặc ít ra cũng tạm quên đi nỗi sợ.

7. Quyền có bí mật riêng

Khi trẻ lớn hơn, trẻ sẽ có bí mật riêng và không phải lúc nào trẻ cũng muốn kể với bố mẹ. Nếu bố mẹ cứ gặng hỏi, hoặc phản ứng tiêu cực khi biết con có bí mật riêng, thì con sẽ càng giữ bí mật đó cho riêng mình. Thậm chí con sẽ tự “xây” nên bức tường ngăn cách với bố mẹ. Đây sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm. Vì thế với trẻ lớn, cần khéo léo trong cách nói chuyện với con. Trao quyền tự do cho con và tin tưởng con tuyệt đối. Nói với con rằng “Nếu con thấy thoải mái thì hãy nói với bố mẹ”, con sẽ suy nghĩ và sớm nói ra bí mật với bố mẹ thôi.

ngay 16 dieu gi lam con ban hanh phuc
Hãy để con thoải mái với việc có bí mật riêng. (Ảnh: Parenting)

8. Quyền được tức giận và ghen tỵ

Con có quyền được có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tỵ. Hãy để con thoải mái bộc lộ những cảm xúc đó. Nếu cứ chê bai con, không cho phép con được là “đứa trẻ xấu” thì nguy cơ con gặp các rối loạn hành vi sau này là rất cao.

9. Quyền được phạm lỗi

Thật nực cười khi nhiều bố mẹ không cho phép hay không chấp nhận con được mắc lỗi. Khi con còn nhỏ thì không được làm đổ vỡ, không được bày bừa mọi thứ lung tung, ăn không được phép rơi vãi. Con lớn hơn thì không được phép bị điểm kém, không được phép thua bạn thua bè. Bố mẹ có thể thất bại, nhưng con thì không được. Điều này vô tình tạo áp lực cho trẻ, trẻ luôn cảm thấy phải hoàn hảo trong mắt bố mẹ. Từ đó dẫn đến những hệ quả tiêu cực như trẻ thường xuyên bị căng thẳng, trẻ trở nên dối trá, không dám nói thật với bố mẹ khi mắc lỗi, hoặc trẻ giả vờ là hoàn hảo trước mặt bố mẹ. Bởi thế nếu thương con, thì hãy thương cả khi con phạm sai lầm hay thất bại.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.