Hãy trả lại sự 'rung động' cho điểm 10

42/43 học sinh giỏi (HSG) trong một lớp, 933 học sinh dự xét tuyển vòng 1 vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, phần lớn đều có học bạ “đẹp như mơ” với toàn điểm 10. Trong bảng danh sách, tìm mỏi mắt mới có học sinh được 9 điểm. Từ bao giờ, những HSG “toàn diện” dường như đều đồng loạt… “giỏi”?
Hãy trả lại sự rung động cho điểm 10 - Ảnh 1.

Mùa giấy khen học sinh giỏi. (Ảnh minh họa).

Mộng mị… ảo

Cứ mỗi dịp tổng kết năm học, câu chuyện lạm phát điểm 10, học sinh giỏi lại trở thành đề tài sôi động. Cùng với đó, tâm thư của một học sinh tiểu học tại Hà Nội đang gây xôn xao dư luận vì nhắc đến áp lực “phải được điểm 9, 10” của bố mẹ. Trong thư, cậu bé nói bố mẹ không chỉ cho con biết đam mê của con mà chỉ nói phải thật tốt, kiếm ra nhiều tiền. Cậu bé cũng bày tỏ áp lực điểm 9, 10 đè nặng. Vì khi chỉ đạt điểm 7, 8 trở xuống thì sẽ bị bố mẹ đánh.

Điều đó khiến cậu “chỉ nghĩ đến cái chết”. Cậu bé bày tỏ mong ước được bố mẹ chơi cùng với mình nhiều hơn thay vì cấm rất nhiều thứ, như cấm xem tivi, cấm dùng điện thoại, cấm cả đọc sách. Điểm cao với xuất sắc làm gì khi tự tước đi sự nỗ lực của con?

Thế nên, lại có cả mùa giấy khen, mùa điểm 10 như sao trên trời. Một lớp học bình thường, không phải trường chuyên ở Vũng Tàu có 43 em, thì 2 em đạt học sinh giỏi, 1 em học sinh khá; cả lớp 43 em đều được giấy khen. Trước việc loạn học sinh giỏi hiện nay tại một số địa phương, cô Nguyễn Khánh Ly, giáo viên  Ngữ văn, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An), bày tỏ sự bức xúc khi điểm 10 bị rẻ rúng, sự cố gắng bằng thực lực của nhiều học sinh bị xem nhẹ.

Cô Khánh Ly cho rằng cách cho điểm hiện nay của nhiều giáo viên là “quy trình sản xuất điểm 10”. Khi “phóng” điểm một cách dễ dãi là thầy cô đã không trân trọng, công nhận nỗ lực của mỗi học sinh, cướp đi động lực để các em cố gắng.

Cô Khánh Ly cho biết: “Cá nhân tôi, phụ huynh có con học tiểu học và là nhà giáo, một cách thành thật và dứt khoát, luôn mong muốn con hướng đến và nỗ lực để đạt được điểm 9, 10 trong kỳ thi. Điểm 9, 10 là một trong những thước đo để đánh giá kết quả con đã đạt được sau hành trình cố gắng, chinh phục các môn học. Nó là phần thưởng, thông điệp con đã hoàn thành tốt, nỗ lực của học sinh được ghi nhận. Con không phải người hoàn hảo nhưng hoàn toàn có thể đạt được điều hoàn hảo nếu quyết tâm và chăm chỉ.

Tại sao lại không vui, không trân trọng? Ngày tôi đi học, điểm 9, 10 luôn dành cho những bạn xuất sắc. Hiện cả lớp đồng loạt được điểm 10 đồng nghĩa rằng bạn nào cũng giỏi nhất, nỗ lực và khả năng như nhau... Đó là “quy trình sản xuất” điểm 10, không phải hành trình chinh phục điểm 10. Từ lúc nào điểm 5, 6, 7 bị “tuyệt chủng” trong nấc thang đánh giá? Từ lúc nào điểm 10 là bình thường, điểm 9 kha khá và điểm 8 là yếu kém? Từ lúc nào điểm 10 bị ghét bỏ, khinh thường, nghi ngại lên án?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Trần Trung Hiếu, THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, chuyện học sinh giỏi tràn lan, thầy cô chấm điểm vô tội vạ đã là “căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục: “Vừa là giáo viên cũng vừa là phụ huynh, tôi rất không đồng tình với cách cho điểm, xếp loại, đánh giá một cách dễ dãi của nhiều thầy cô. Những giáo viên như vậy là không có tự trọng, không có trách nhiệm với những mầm non mà mình dạy dỗ. Họ dạy học sinh gian dối, không trung thực với thực lực của mình ngay từ khi còn nhỏ”.

Và nguyên nhân sâu xa, theo các thầy cô lý giải, thông thường đầu năm mọi trường áp chỉ tiêu học sinh giỏi cao chót vót về tổ chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn buộc phải ép tổ viên đăng kí chất lượng học sinh giỏi theo như vậy, dù biết là ảo (thường là 20 phần trăm trở lên), giáo viên nào không đạt chỉ tiêu thì cuối năm bị phê bình ê chề và trừ điểm thi đua, bị đưa vào diện cần được thanh tra và diện tinh giản biên chế. Học sinh giỏi đua nở là như vậy chứ không hẳn do học sinh nỗ lực. Bệnh thành tích là do huyện, thành phố áp cho các phòng giáo dục…

Khát khao của người lớn?

Còn nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng nhận định: Bây giờ, tiết học thường cũng như sơ kết học kỳ, tổng kết năm học... điểm 9, điểm 10 tưng bừng. Điểm 10 như mưa rào mùa hạ, như sao chi chít trên trời. Con cháu học giỏi xuất sắc hơn cha ông phải mừng chứ? Thì mừng! Cả tổ điểm 10, cả lớp điểm 10. Tất nhiên là giấy khen cũng cả lớp.

Trên mạng vừa rồi xuất hiện nhiều cô giáo khoe ảnh lớp học. Cô đứng cuối lớp nhìn lên, các trò mặc đồng phục ngồi ghế mỗi em cầm một tờ giấy khen giơ trước ngực với nỗi niềm đầy tự hào và hân hoan. Cắt nghĩa ra sao khi thời nay sự học lại mưa sao điểm giỏi? Sơ kết điểm giỏi, tổng kết càng nhiều điểm giỏi?

Một kết quả mưa điểm 10, nhưng lại có nhiều nguyên nhân: Điểm 10 của học sinh học giỏi thật sự? Điểm 10 của học sinh quay cóp, chép tài liệu, chép bài nhau? Điểm 10 của phụ huynh? Điểm 10 của thầy cô? Điểm 10 của bệnh thành tích ngành giáo dục?

Đành rằng theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, công bằng mà nói, học trò giỏi xuất sắc cũng có, nhưng ít, hiếm. Bằng tài năng và học hành tử tế nghiêm túc, có những em giải quyết chương trình học phổ thông không mấy khó khăn, điểm 9, điểm 10 là của các em thực sự. Song, cũng có em điểm giỏi không phải của mình, mà từ đâu đó dội xuống.

Không được điểm 9, điểm 10 thì cô giáo giận, phụ huynh tức. Em nào cũng phải gồng sức lên, quyết giành cho được điểm 9, điểm 10 bằng mọi giá. Quay cóp, chép bài. Mang tài liệu vào lớp. Khóc lóc xin cô tăng điểm... Đủ cả. Nhân cách bị lệch lạc phần nào cũng bởi cuộc chiến giành giật điểm giỏi.

Con phấn đấu đạt điểm 10, bố mẹ cũng quyết liệt giành điểm 10. Điểm 10 của bố mẹ cũng lắm nỗi bi ai. Không may, con bị điểm 7, điểm 8 về nhà bố đánh, mẹ mắng mỏ; phụ huynh nào nhẹ thì cũng lặng im làm mặt giận. Có bà mẹ chì chiết: Con người ta toàn được 9, được 10; con nhà mình thì mỏi mắt chờ trông. Đi làm nghe bạn bè khoe con cái mà mẹ tủi thân muốn khóc”.

Sợ cô giáo không bằng sợ mẹ. Cứ nhìn thấy, là mẹ kêu học đi, học đi. Có học trò được điểm 9 mà không dám về nhà vì mẹ “cuồng” điểm 10. Có học sinh than thở “Để học giỏi rất mệt. Bị bố nhắc. Mẹ ngồi bên kèm. Con phải học thêm ngoài giờ học”.

Được điểm 8, mẹ không hài lòng muốn con được điểm 9. Được điểm 9 lại muốn con được điểm 10. Giá như có thang điểm 11 thì phụ huynh cũng khao khát, bắt con mình giành bằng được.

Nhà thơ Samuel Johnson người Anh nói rằng: “Tương lai được mua bằng hiện tại”. Hiện tại hành động như thế nào thì tương lai sẽ gặt hái như thế. Điểm 9, điểm 10 ảo hay điểm 1, điểm 2 thực chất chưa nói được gì về tương lai của đứa bé. Thành công của một con người là tổng hợp nhiều yếu tố: ý chí, niềm đam mê, nền tảng kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và giao tiếp, môi trường phù hợp, may mắn..., thậm chí có người còn nói phụ nữ đẹp đã bảo đảm 50% của thành công.

Không phải học trò nào được điểm 10 thì tương lai cũng thành đạt. Chẳng phải học trò nào bị vài ba điểm kém sau này cũng trở thành người thất bại. Xin đừng lấy điểm 9, điểm 10 là kết quả nỗ lực khát khao của người lớn để làm thước đo học lực của học sinh.

Sau đây là thư của vị Hiệu trưởng một trường ở Singapore gửi cho phụ huynh trước kỳ thi, đáng để chúng ta suy ngẫm: “Kỳ thi của các con sắp bắt đầu, tôi biết các quí vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt. Nhưng hãy nhớ rằng trong các em làm bài thi sẽ có 1 em là nghệ sĩ mà không cần phải  hiểu môn Toán. Sẽ có 1 doanh nhân mà không quan tâm đến lịch sử hay Văn học Anh.

Sẽ có 1 nhạc sĩ mà điểm môn Hoá chẳng thành vấn đề. Sẽ có 1 vận động viên mà thể lực quan trọng hơn môn Vật lý... Nếu con của quí vị đạt điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi của con sự tự tin và phẩm giá của chúng: “ Không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều to lớn hơn thế nhiều”. Hãy nói với con rằng “Dù điểm số có như thế nào bố mẹ vẫn yêu con và không đánh giá con.”…

Hãy thực hiện điều này, các bậc phụ huynh sẽ thấy con mình chinh phục cả thế giới. Một bài thi hay một điểm kém không thể cướp đi giấc mơ và tài năng của các con. Và thêm một điều nữa hãy đừng nghĩ rằng các bác sĩ hay kỹ sư là những người duy nhất hạnh phúc trên cõi đời này. Với tấm lòng chân tình…

Vâng, xin hãy trả lại cho học sinh sự “ rung động”,  niềm hạnh phúc khi đạt điểm 10! Khi điểm 10  là rất nhiều nỗ lực và chăm chỉ, là sự vượt trội thật sự so với các bạn! Chứ không phải là điểm 10… “đồng phục”!...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.