Tuyến Metro số 2 Bến Thành-Tham Lương. Ảnh: Zing |
Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Metro số 2) Bến Thành - Tham Lương.
Cụ thể, TP HCM kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2020 làm cơ sở gia hạn các Hiệp định vay của các khoản vay hiện tại để có thể tổ chức triển khai thực hiện một số hạng mục công việc, gói thầu của Dự án theo cam kết với các Nhà tài trợ.
Ngoài ra, TP HCM cũng cam kết trả toàn bộ phí cam kết phát sinh (riêng các khoản vay từ Ngân hàng ADB, TP sẽ chi trả phí cam kết và lãi suất từ nguồn vốn đối ứng của Dự án sau khi ngạch tài trợ phí cam kết, lãi của các khoản vay được sử dụng hết).
Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng, TP HCM cho biết sẽ không sử dụng một phần Khoản vay 2 của Ngân hàng ADB để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng do TP đã bố trí vốn ngân sách.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM cho biết, dự án Metro số 2 bị chậm do một số nguyên nhân chính gồm: Điều chỉnh thiết kế cơ sở do ranh giải phóng mặt bằng thay đổi; gia hạn Hiệp định vay...
TP HCM cũng cho biết, Ngân hàng ADB đã đề nghị điều chỉnh ngày đóng khoản vay cho dự án nêu trên đến ngày 31/12/2024 để phù hợp với kế hoạch thực hiện của dự án.
Do đó, ngoài việc xin gia hạn thời gian thực hiện dự án, TP HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có văn bản trình Thủ tướng chấp thuận việc tăng vốn đối ứng.
Cụ thể là điều chỉnh tăng nguồn vốn đối ứng của dự án thêm 40.738.372.000 đồng (tương đương 1.955.942 USD) cho chi phí quản lý dự án, thuế VAT cho xây lắp, thiết bị và tư vấn.
Theo TP HCM, tổng nguồn vốn vay ODA không thay đổi so với Hiệp định vay đã ký kết với nhà tài trợ và Quyết định số 4857/QĐ-UBND ngày 7/9/2013 của UBND TP về duyệt dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2.
"Hiện nay, UBND TP đã Sở GTVT thẩm định thiết kế cơ sở điều chỉnh dự án để trình phê duyệt theo quy định. Do đó, việc tăng nguồn vốn đối ứng nêu trên chỉ là giá trị khái toán dự kiến.
Giá trị chính thức sẽ được xác định dựa trên thiết kế cơ sở điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
UBND TP đảm bảo sẽ cân đối đầy đủ nguồn vốn đối ứng cho dự án", UBND TP HCM cho biết.
Ngày 7/9/2013, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 4857/QĐ-UBND về duyệt dự án đầu tư xây dựng Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.353 tỷ đồng (tương đương khoảng 65 triệu USD). Dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chru đầu tư. Nguồn vốn vay là 1.227 tỷ đồng (tương đương 58,95 triệu USD). Trong đó, vốn vay ADB là 10 triệu USD, vốn vay Quỹ công nghệ sạch (CTF) là 48,95 triệu USD. Nguồn vốn đối ứng là 6,05 triệu USD. |
Metro Bến Thành - Suối Tiên: Kiến nghị giải ngân vốn ODA, tránh nhà thầu khiếu nại Liên quan đến dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận việc ... |