Facebook cá nhân của chị T. Nhàn (TP HCM) chia sẻ sự việc xảy ra với một người bạn của chị này và đang có rất nhiều fanpage khác dẫn lại. Theo lời kể của chị Nhàn, cách đây hơn 2 tuần, chị cùng bạn đến cửa hàng Phúc Long Huỳnh Thúc Kháng (quận 1, TP HCM) uống trà. Sau khi uống gần hết, chị và người bạn này mới phát hiện ra một băng keo cá nhân đã sử dụng có trong li trà vải của người bạn (vì lí do cần thiết, chị tạm thời phải giấu thông tin của người bạn).
Ngay sau đó, chị Nhàn và bạn đã báo với quản lí cửa hàng, yêu cầu đem miếng băng keo cá nhân đi xét nghiệm, và lập tức đưa bạn mình đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra.
Qua bệnh viện quận 1, bệnh viện Sài Gòn, chị Nhàn và bạn được bác sĩ đều khuyên nên chuyển qua bệnh viên Nhiệt Đới chuyên về lây nhiễm để tiến hành kiểm tra. Sau khi khám tại bệnh viện Nhiệt Đới, bác sĩ kết luận trong bệnh án: "Uống nước có băng kéo cá nhân dính máu, khả năng dính máu, kết luận phơi nhiễm HIV".
Vị khách phải vào diện theo dõi phơi nhiễm HIV sau khi uống li trà vải Phúc Long có lẫn băng keo cá nhân. (Ảnh: T. Nhàn).
Chị Nhàn chia sẻ: "Tụi mình đã rất sốc với chẩn đoán này của bác sĩ. Không ai nghĩ mình có thể bị nhiễm những bệnh đó, chỉ vì một li trà vải Phúc Long".
Bạn của chị T. Nhàn phải điều trị theo liệu trình theo dõi 28 ngày, với các loại thuốc phơi nhiễm như Lamivudin, Stemvir…
Nhàn cho biết phải uống các loại thuốc này, bạn của chị chịu nhiều tác dụng phụ, như đau đầu, buồn nôn, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng lái xe khiến công việc hầu như ngưng trệ. Chị cho biết: "Tất cả những điều này cũng không thể nói hết tâm lí sợ hãi, lo lắng, tinh thần hoảng loạn của bạn và những người thân. Sống trong lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau 3 tháng".
Khách hàng này cũng công khai thông tin thư phúc đáp của Công ty TNHH sản xuất thương mại Phúc Long. Theo đó, đại diện thương hiệu này bảy tỏ: "Rất lấy làm tiếc về sự việc không mong muốn đã xảy ra".
Theo thư trả lời của Phúc Long, vào ngày 17/10, thương hiệu này đã cung cấp dữ liệu trích xuất camera vào ngày xảy ra sự cố cho khách hàng. Cả cửa hàng và phía chị Nhàn đều không phát hiện ra điều gì bất thường.
Thương hiệu này cho biết: "Tại nơi khách hàng ngồi, camera ghi hình không quay tới. Điều này gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình xác định nguyên nhân tồn tại của miếng băng keo cá nhân".
Phúc Long cũng cho biết đã đưa miếng băng keo cá nhân đi xát nghiệm tại 3 cơ sở y tế, gồm Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Nhiệt Đới và Viện Pasteur TP HCM. Nhưng sau 10 ngày, miếng băng keo cá nhân đều được trả về, với cùng lí do "không nhận xét nghiệm những vật dụng đã mở".
Mỗi ngày, Phúc Long đón hàng nghìn lượt khách và thật hi hữu với sự cố "băng keo cá nhân tồn tại trong li trà vải của khách hàng"!. (Ảnh: Đức Huy).
Tuy nhiên, phía chị T. Nhàn cho rằng, trả lời của Phúc Long là lấp liếm: "Với tư cách người chịu ảnh hưởng trực tiếp thì bên mình hoàn toàn cần được biết điều này ngay từ đầu nếu đây là sự thật, nhưng lại nhận được một câu trả lời dối trá và lấp liếm để cho qua sự việc".
Chị cho rằng việc xét nghiệm là trên miếng băng keo cá nhân chứ không phải xét nghiệm hoá chất hay thành phần trong sản phẩm, nên lí do mà phía Phúc Long trích dẫn là vô cùng không hợp lí.
Đại diện Phúc Long cho biết: "Chúng tôi vẫn sốt sắng tìm ra nguyên nhân vì chúng tôi thấu hiểu rằng sức khỏe và tinh thần của khách hàng là điều quan trọng bậc nhất".
Thương hiệu này đã hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho phía chị Nhàn, với số tiền ban đầu 5 triệu đồng.
Còn khách hàng cho rằng tới hiện tại, Phúc Long vẫn không có bất kì câu trả lời chính xác cho sự việc xảy ra, nguyên nhân nằm ở đâu và không chịu trách nhiệm với những gì họ gặp phải. Chị Nhàn nhấn mạnh rằng hành động trên là "hoàn toàn vô trách nhiệm với khách hàng và xem thường sức khoẻ tính mạng của khách hàng".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.