Tại buổi làm việc với Bộ Y tế sáng nay về công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng đã mời đại diện nhiều hiệp hội, ngành hàng đến dự để trực tiếp lắng nghe các vướng mắc. Tuy nhiên, Hiệp hội DN Dược Việt Nam không có mặt.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trách Hiệp hội DN Dược Việt Nam run không dám đến dự
“Tôi rất trách Hiệp hội Dược, điện giấy mời nhưng run không dám dự. Vậy thôi đừng đại diện cho hội nữa, sinh ra hội không có giá trị, không có tác dụng.
Người ta đến đây phản ánh những cái trung thực nhất của DN khối đó, đàng hoàng, minh bạch với nhau, có gì phải né tránh. Không dám dự có 2 nghĩa, trong đó có ngại va chạm”, Bộ trưởng Dũng nói.
Không tiền 45 ngày, dịch vụ chỉ 5 ngày
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thuỷ sản (nay gộp thành Bộ NN&PNT), đại diện Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho biết, trong cuộc họp với các DN ngày 19/9, Bộ Y tế đã sửa một số yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt là tình trạng đăng ký qua cơ chế 1 cửa.
“Đăng ký qua internet trung bình mất 40-45 ngày, nhưng có khi không nhận được trả lời nên nhiều DN mất tiền làm qua dịch vụ, chỉ 5-10 ngày là xong, mỗi bộ 5-10 triệu đồng”, bà Minh nêu.
Bà kiến nghị không nhất thiết thu hết đầu mối về Bộ Y tế mà chuyển giao cho các Chi cục địa phương hoặc các cửa khẩu để thủ tục cấp phép được nhanh chóng hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh
Bà Minh cũng chia sẻ nhiều băn khoăn của DN về quy định bao gói. Một số sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng quốc tế, có chứng nhận quốc tế nhưng về đây vẫn phải kiểm tra chứng nhận hợp quy. Hoặc mỗi lần nhà sản xuất thay đổi một chi tiết trên sản phẩm lại phải thay đổi bộ hồ sơ riêng.
“Đã hội nhập sao phải làm việc đó? Có sản phẩm có chứng nhận hữu cơ, Bộ Y tế lại vẫn đòi kiểm tra kim loại nặng”, bà Minh cho rằng với những trường hợp này nên cho thông quan luôn.
Với kinh nghiệm làm quản lý trong lĩnh vực thuỷ sản nhiều năm, bà Minh cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay.
“Giờ hậu kiểm chỉ lấy vài gam mẫu nên DN dễ dàng đối phó, như công ty rượu HN đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn làm chết 5 người. Nếu muốn kiểm tra ATTP thì phải làm như thông lệ quốc tế là kiểm tra cả quá trình bên cạnh hậu kiểm”, bà Minh đề xuất.
Trường hợp không có người làm hậu kiểm, bà Minh gợi ý có thể tiến hành xã hội hoá các phòng thí nghiệm tư nhân, mời các labo này đến lấy mẫu.
1 thủ tục nhưng nhiều thủ tục con, cháu
Giải trình các thắc mắc của DN, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ATTP khẳng định, không phải Bộ Y tế ôm hết, mà giờ có tới 15 đơn vị của 3 Bộ rải khắp 3 miền.
Riêng các nội dung hàng tạm nhập tái xuất, hàng bán tại cửa hàng miễn thuế.... Bộ đã đưa vào Nghị định 167 không phải kiểm tra chuyên ngành nữa.
Ông Phong nhấn mạnh, sắp tới khi sửa đổi NĐ38 hướng dẫn thi hành luật ATTP, sẽ tạo điều kiện cho DN nếu 3 lần kiểm tra chất lượng đạt chuẩn thì sẽ miễn các lần kế tiếp. Khi đó số lượng kiểm tra chuyên ngành có thể giảm hơn 90%.
Tuy nhiên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung phản ánh vẫn còn nhiều DN phàn nàn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATTP.
Bộ trưởng Y tế chia sẻ ngành chịu áp lực rất lớn do là cơ quan gác cổng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân
“1 thủ tục hành chính có nhiều loại hồ sơ không cần thiết, không gắn với mục tiêu. Ta nói 1 thủ tục, nhưng trong 1 thủ tục ấy có hơn 10 thủ tục con, nhiều thủ tục cháu. Nếu quy định không rõ ràng thì càng xuống dưới càng tuỳ tiện”, ông Cung nói.
Với kinh nghiệm 30 năm qua, ông cho biết DN chỉ cần sai 1 dấu phẩy, 1 chữ viết hoa cũng phải sửa cả bộ hồ sơ. Do đó phải có quy định rõ ràng, đi vào chi tiết vì công chức xử lý hồ sơ có hàng nghin cách gây khó khăn cho DN.
“Bộ Y tế nên lắng nghe DN nhiều hơn, đừng vội phản ứng việc đó không có, việc đó chưa nghe. Có thì người ta mới phản ánh, nếu có thái độ dị ứng với phản ánh của DN thì sẽ có khoảng cách rất xa giữa DN và cơ quan quản lý”, ông Cung phân tích.
Trong khi đó Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng Bộ Y tế cần xem xét lại quy trình xét duyệt hồ sơ.
“Thực tế trong vụ VN Pharma, đã có những lỗ hổng trong việc thẩm định hồ sơ, Bộ Y tế đã kiểm tra hồ sơ rất chặt nhưng sau này vẫn phát hiện hồ sơ giả mạo”, ông Thừa nêu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng tình phải tạo điều kiện cho DN, đồng ý phải giảm bớt thủ tục, hồ sơ, thời gian, chi phí... Tuy nhiên, nếu DN sai thì DN vẫn phải chịu trách nhiệm, vì thực tế có những DN làm rất kém, hướng dẫn bao nhiêu lần vẫn không nắm rõ luật.
Bà đề nghị Cục ATTP phải quy định rõ đủ giấy thì cấp, nếu không đủ hẹn bao nhiêu ngày, sau bao nhiêu ngày phải giải quyết xong. Công khai minh bạch tất cả.
Về NĐ38, Bộ trưởng Tiến cho biết vẫn chưa sửa được nhiều và cũng khó để thoả mãn được tất cả các bên.
Bà yêu cầu sửa đổi theo hướng cái nào kiểm tra bằng hồ sơ không làm được thì hậu kiểm, để DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm, dù hậu kiểm hiện nay không dễ khi lực lượng thanh tra vừa thiếu vừa yếu.
“Bộ Y tế cũng phải chịu áp lực rất lớn khi là người gác cổng bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Tuy nhiên có những cái phải phối hợp với các ngành khác, có những cái nếu du nhập sẽ phát triển rất tốt nhưng có thể phải bỏ số tiền rất lớn để cứu dân, cứu sức khoẻ nên phải cân nhắc”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Kết luận lại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế tới đây cần làm quyết liệt hơn nữa, bởi các thủ tục đã “ăn sâu” rất lâu rồi.
Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần quản lý nhưng phải tạo cơ chế cho DN phát triển, nguyên tắc phải minh bạch, công khai, không có lợi ích nhóm....