Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện nội dung được chia sẻ bởi nickname G.H tố giáo viên chủ nhiệm, trường THPT Dân Lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) có cách giáo dục hà khắc. Chị G.H là cựu phụ huynh có con theo học tại trường này.
Bài viết đã nhanh chóng tạo hiệu ứng xã hội khi nhận được 4.000 lượt thích (like) trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Theo đó nội dung được chia sẻ như với tựa đề: “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh – chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” kèm theo đó là nội dung như một bức tâm thư của phụ huynh với những nhận xét không tốt đẹp về ngôi trường này.
Trong bài viết của mình, chị G.H nhấn mạnh, vào ngày 26/6, chị đã viết tâm thư gửi cô hiệu phó của trường là cô Văn Thùy Dương với mong muốn: “Cô thử thay đổi giáo viên chủ nhiệm xem có tốt hơn không?”
Lý do phụ huynh nêu ra là cô Nguyễn Minh T. có cách giáo dục hà khắc, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh.
“Sau hai học kỳ trải nghiệm ở trường mới, từ tâm trạng háo hức, con thường về nhà với sự buồn bã, lo âu. Cô chủ nhiệm tự “khoe” là người nghiêm khắc nên được trường “ưu ái” để trị những lớp có học sinh chưa ngoan. Phụ huynh trong lớp lần lượt trong lớp trở thành tội đồ khi bố mẹ liên tục bị mời lên, còn các con liên tục phải viết kiểm điểm và chịu mọi hình thức phạt của nhà trường”, đó là một phần trong bức tâm thư chị G.H viết.
Đồng thời vị phụ huynh này cho hay, bản thân chị đã dự 3 cuộc họp phụ huynh của lớp và chưa bao giờ chứng kiến một nụ cười trên môi cô giáo chủ nhiệm. Thêm nữa, cô T. là giáo viên của một trường công lập (trường Nguyễn Trãi, quận Ba Đình). Phụ huynh đặt câu hỏi: “Vậy giáo viên trường Lương Thế Vinh chỉ là tay ngang? Rất nhiều phụ huynh đã ngỡ ngàng vì ngôi trường dân lập đầu tiên của Hà Nội sau gần 30 năm vẫn chưa tự chủ được nguồn giáo viên”.
Và chị G. H có nguyện vọng mong muốn được cô hiệu phó Văn Thùy Dương đổi giáo viên chủ nhiệm.
Bà Văn Thùy Dương - Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh |
“Chúng tôi cứ đề đạt nguyện vọng như vậy, nếu cô không giải quyết được thì coi như chúng tôi chưa gửi bức thư này và chỗ người lớn, chúng ta không nên để ảnh hưởng đến con trẻ. Cha mẹ cũng vì yêu chúng mà làm vậy”, phụ huynh viết.
Khoảng một tuần sau khi gửi lá thư trên qua bưu điện, phụ huynh có cuộc hẹn với cô hiệu phó. Với suy nghĩ, sẽ có một cuộc gặp riêng để trải lòng, thì phụ huynh này bất ngờ trong phòng cũng đã có 3 phụ huynh khác ngồi sẵn.
Theo lời kể của phụ huynh, cô Văn Thùy Dương nói: “Nếu tiếp tục học ở môi trường này thì phụ huynh coi như ngậm đắng nuốt cay, chúng tôi không bắt buộc con chị phải học ở đây. Chị hoàn toàn có thể chuyển cho con sang môi trường khác”.
Ngay sau đó, ba phụ huynh lên tiếng: “Tôi không muốn thay giáo viên chủ nhiệm. Cứ phải nghiêm khắc như vậy thì con chúng tôi mới ngoan. Ai đề nghị thay cô chủ nhiệm thì đó là ý kiến cá nhân?”
Không những thế, ngày hôm sau một cô giáo khác lên lớp lấy ý kiến học sinh nhận xét và ở cuối ghi rõ: “Phụ huynh của em T.N.V đề nghị thay giáo viên chủ nhiệm, các con có đồng ý không?”
“Lúc đó, con tôi – một đứa trẻ mới lớn, thực sự sốc, không nghĩ rằng: những người lớn tuổi mang danh nhà giáo lại có thể dồn nó vào chân tường như vậy chỉ vì bố mẹ nó dám lên tiếng cho những bất công của con và các bạn trong lớp”, phụ huynh nói.
Kết quả kiểm tra phiếu nhận xét thì có 13/37 học sinh đồng ý đổi giáo viên chủ nhiệm, hoặc để phiếu trắng. Ngay sau đó, gia đình làm hồ sơ chuyển trường cho học cho con. Ngoài việc tố cáo cách hành xử của cô giáo, phụ huynh G.H chia sẻ hàng loạt thông tin về trường Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Thứ nhất, năm học mới bắt đầu từ ngày 3/7 nên đến ngày khai giảng mùng 5/9, các con không còn háo hức.
Thứ hai, theo lời học sinh, giáo viên thường quát nạt con cứ lơ mơ là đuổi học, bản kiểm điểm nhiều, cha mẹ liên tục được mời lên trường.
Ngoài ra, con liên tục viết bản kiểm điểm hoặc mời bố mẹ đến gặp cô giáo vì các lỗi như: Nói chuyện trong lớp, thiếu bài tập về nhà, đi muộn, đổi chỗ, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài trên lớp đầy đủ, quần áo đầu tóc không ngay ngắn... theo cách rửa bát, đi cắt cỏ…
Thứ ba, trường dạy thêm công khai ngay tại trường dưới hình thức học tăng cường.
Thứ tư, lượng bài tập về nhà thì cứ phải tính ở 2 con số. Thầy dạy Vật lý giao 28 bài tập về nhà. Học sinh hoàn thành 18 bài và hình thức phạt là chép lại 5 lần các bài tập còn thiếu. Thầy dạy Toán giao 50 bài tập về nhà. Như vậy, ngoài giờ lên lớp, học sinh cứ lăn ra mà làm bài tập, chẳng cần ăn, ngủ.
Ngoài ra, phụ huynh này cũng viết rằng, trong môi trường Lương Thế Vinh mọi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, học phí thu không như thông báo của nhà trường.
Trao đổi với phóng viên, bà Văn Thùy Dương – Hiệu phó Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh xác nhận việc đầu năm học vừa qua nhà trường có nhận được tâm thư của một phụ huynh có nội dung như chia sẻ trên mạng xã hội với mong muốn lớn nhất là “thử thay đổi giáo viên chủ nhiệm”.
Bà Thuỳ Dương đã mời ban phụ huynh lớp, cộng với một số phụ huynh có con hay bị kỷ luật để kiểm chứng thông tin. Sau khi đối thoại với phụ huynh sẽ là trưng cầu ý kiến học sinh. Đồng thời bà Dương cũng trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm được nhắc tên trong tâm thư. Bản thân bà Dương cho rằng, đây là việc làm trình tự.
“Cô T. là giáo viên chủ nhiệm tốt với 7 năm công tác tại trường. Chỉ một năm lớp 10 làm chủ nhiệm, cô T. đã đưa học sinh vào guồng. Sự nghiêm khắc để rèn giũa học sinh, từ đó có thể thấy thành quả là các con học tốt, ý thức tốt.
Bản thân tôi có hỏi học sinh có muốn đổi cô giáo chủ nhiệm không thì các con nói là không đổi. Ngay sau khi biết có tâm thư, cô Thu đã rất sốc và muốn xin nghỉ việc”, bà Dương nói.
Về phía phụ huynh, bà Dương có trao đổi với phụ huynh đã gửi bức tâm thư trên tới trường và chia sẻ, nếu cháu gặp áp lực, gia đình có thể chuyển lớp cho cháu. Tuy nhiên, thay vì chuyển lớp, phụ huynh đã chuyển trường cho con và đưa thông tin ra dư luận như hiện tại. Và phía nhà trường cũng đã đồng ý cho học sinh chuyển trường vì không thể ép phụ huynh đồng quan điểm với nhà trường.
Trước hàng loạt tố cáo của phụ huynh về việc giáo viên chủ nhiệm “tay ngang” hay học thêm, đi học sớm, lò luyện thi, tăng học phí… bà Văn Thùy Dương cho biết:
“Quan điểm về giáo viên của nhà trường là chia ra bao niêu % giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng, phổ thông và đại học để từ đó, giáo viên đến từ nhiều trường khác nhau sẽ cho học sinh góc nhìn nhận bên ngoài, rằng các con đang đứng ở vị trí nào so với trường các bạn để điều chỉnh. Đây là cách điều hành và quan điểm giáo dục của nhà trường.
Còn về việc đi học thêm, tại sao lại không để cho giáo viên phụ đạo học sinh còn kém?”
Trước tố cáo bài tập về nhà lên tới 28-50 bài cho mỗi môn, bà Dương nói, bản thân chưa kiểm chứng lại thông tin này, nhưng mỗi bài tập giúp rèn luyện thói quen, kỹ năng khác nhau. Có những bài tập chỉ để rèn phản xạ, làm rất nhanh trong thời gian rất ngắn.
“Về việc tăng học phí từ 1,6 triệu đồng lên đến 1,8 triệu đồng ở năm học sau chỉ là một khoản tăng 10% để nhà trường tăng lương cho giáo viên. Còn các khoản dịch vụ khác như xe ô tô, ăn… học sinh có sử dụng thì có đóng”, bà Dương nhấn mạnh.
Trước thông tin trường Lương Thế Vinh bây giờ như lò luyện thi khối A, bà Văn Thùy Dương phủ nhận thông tin này. Đồng thời bà Dương cho hay, ngoài việc học, học sinh có rất nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị để làm từ thiện, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, các câu lạc bộ nghệ thuật.
Về việc học sinh đi học từ tháng 7, nhà trường cho các em học sớm để những sự cố trong năm như bão lũ, thời tiết lạnh giá, học sinh nghỉ học sẽ không phải “vắt cổ lên chạy”. Ngoài ra, ở cấp 2, từ tháng 7 học sinh đến trường tham gia các CLB như Toán, Ngữ văn, Võ thuật, Piano. Còn ở cấp 3, nhà trường cho phép thầy cô mượn lớp học, cô chủ nhiệm đến quản lý. Tất cả trên tinh thần tự nguyện.
Diễn văn khai giảng vạch 'bệnh lười' và đồng phục mỗi khối 1 màu của trường 'thầy Cương' Trong lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018, các em học sinh khối 12 Trường Lương Thế Vinh đã cùng nhau khoác trên ... |