Hồ thủy lợi La Bách có dung tích 2,2 triệu m3 nước đang bị rò rỉ. Ảnh: Trần Trung |
Công trình hồ chứa nước Buôn La Bách do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư. Công trình được chính thức bàn giao và đưa vào vận hành khai thác năm 2013, với tổng mức đầu tư gần 24,6 tỉ đồng.
Hồ có hai hạng mục chính gồm hồ chứa có dung tích hữu ích 2,2 triệu m3 nước, hệ thống kênh tưới chính dài gần 1,2km; có nhiệm vụ tưới cho khoảng 200 ha lúa, mía; đồng thời cấp nước sinh hoạt cho người dân cho thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù hiện đang là mùa khô, mực nước trong hồ đã xuống thấp, nhưng nhiều đoạn tình trạng nước thấm qua thân đập là rất mạnh, có nơi nước chảy thành dòng.
Bên cạnh đó, đất dưới chân đập có nơi đã có dấu hiệu lún sâu, kèm theo hiện tượng sạt chân đập theo thiết kế ban đầu từ 40 - 50 cm.
Nhiều đoạn đã bị sụt lún, đất mềm nhũn. Ảnh: Trần Trung |
Theo một nhân viên bảo vệ tại hồ cho biết: “Tình trạng nước rò rỉ qua thân đập như trên đã xảy ra rất lâu, nhưng trước đây thì chỉ thấm chứ không chảy thành dòng như hiện tại…”.
Trả lời báo chí, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói: “Khi đưa vào khánh thành vào năm 2014 thì đã có tình trạng rỉ nước, nhưng ở mức độ thấp. Đến đợt mưa lũ 2016 thì tình trạng trên xảy ra nặng hơn. Chúng tôi đã báo cáo với UBND tỉnh nhưng vẫn chưa cho người xử lý”.
Ông Toại cũng cho biết thêm, đa số người dân ở đây đều rất vui mừng khi có con đập, vì nhờ có đập thủy lợi này mà người dân chủ động được nguồn nước và năng suất hoa màu tăng lên rõ rệt.
"Tuy nhiên, trước tình hình thân đập có sự cố thấm nhiều như vậy họ cũng rất lo lắng. Đại diện người dân tôi mong cấp trên cố gắng có phương pháp xử lý ngay," lãnh đạo huyện Sông Hinh nói.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đi kiểm tra hồ Buôn La Bách. Ảnh: Trần Trung |
Khi được đề cập đến vấn đề chẳng may mất an toàn hồ đập, ông Toại khẳng định hồ chứa nước nếu có vấn đề gì thì cũng chỉ ảnh hưởng đến hoa màu, chứ về nhà cửa, con người đều ở trên cao thì sẽ không ảnh hưởng gì (?).
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì nhà các hộ dân dưới thân đập chỉ cách khoảng hơn 1km. Đặc biệt, khu vực cách chân đập vài trăm mét có rất nhiều ruộng nương của người dân. Trên các thửa ruộng này thường xuyên có nhiều người dân hoạt động trồng trọt, chăm sóc hoa màu. Nếu sự cố xảy ra thì chưa biết hậu quả sẽ nghiêm trọng tới mức nào.
Để đánh giá chính xác mức độ hư hại của thân đập, chiều ngày 26/6, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc trực tiếp tại thân đập và kết luận:
“Qua kiểm tra thực tế, thì lượng nước rò rỉ qua thân đập là rất lớn, nhưng vẫn có thể khắc phục. Việc cấp tốc bây giờ là phải khắc phục ngay, nếu để kéo dài đến mùa mưa mà vẫn chưa khắc phục xong thì việc xảy ra sự cố đáng tiếc thì hoàn toàn có khả năng xảy ra."
Nước thấm qua thân đập chảy thành dòng. Ảnh: Trần Trung |
Cũng theo ông Thế, còn khoảng 2 tháng nữa là đến mùa mưa, tỉnh Phú Yên sẽ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để sở phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn (chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Buôn La Bách) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá lại tính ổn định công trình, cũng như khắc phục ngay các tình trạng trên một cách cấp tốc.
Các nhà máy thủy điện phải tăng cường cảnh báo khi vận hành
Các đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện cần tăng cường công tác cảnh báo cho người dân vùng hạ du khi ... |