Theo EVN, từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, bất chấp việc phải huy động nguồn phát điện chạy dầu với chi phí cao.
Do khô hạn, trong cả năm 2019, tập đoàn này sẽ phải huy động 1,56 tỉ kWh tù nguồn phát điện chạy dầu với chi phí khoảng 5.000 đồng/kWh, tương đương khoảng 7.800 tỉ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 20 ngày đầu tháng 10, EVN đã phải huy động tới 178 triệu kWh nguồn điện dầu.
Dự kiến trong năm 2019, EVN sẽ phải huy động 1,56 tỉ kWh từ nguồn phát điện chạy dầu, với chi phí khoảng 5.000 đồng/kWh, để bù đắp lượng điện thiếu hụt. (Ảnh: Reuters).
Tổng sản lượng điện sản xuất và mua trong năm 2019 ước đạt 226,4 tỉ kWh, trong đó lượng điện thương phẩm đạt 211,4 tỉ kWh, tăng 9,9% so với cùng kì năm ngoái. Đặc biệt, điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt 5,54 tỉ kWh, riêng điện mặt trời đạt gần 4,6 tỉ kWh.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguồn điện năm nay bắt đầu gặp khó. "Nguồn dự phòng cạn kiệt trong khi tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện vẫn 10%/năm", ông Hải nói.
Và dự báo đến năm 2020 thì tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra.
Hiện tại, riêng EVN nắm giữ 60% sản lượng điện sản xuất của cả nước, 40% còn lại đến từ các công ty khác như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị khác.
Mực nước chết trên nhiều hồ thủy điện là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung năng lượng. (Ảnh: EVN).
Đến hết tháng 9, thời tiết khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều hồ thủy điện trên cả nước, lượng nước về vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt, trên lưu vực sông Đà, lượng nước về các hồ chứa lớn ở phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) và nhiều hồ thủy điện tại khu vực Nam Trung Bộ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ riêng một số hồ chứa ở các lưu vực Tây Nguyên và Nam Bộ (như hồ Sêrêpôk, Trị An..) phải xả điều tiết để đảm bảo mực nước giới hạn theo quy định.
Tính đến hết đầu tháng 10/2019, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kì năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỉ m3, thấp hơn cùng kì năm 2018 khoảng 7,67 tỉ m3, tương đương gần 2 tỉ kWh điện.
Dự báo, tập đoàn này còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ba tháng cuối năm, với nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong khi hệ thống điện dự phòng gần như không có, các nhà máy nhiệt điện đã chạy hết công suất, nguồn khí trong nước đã suy giảm và các nguồn điện dầu có chi phí tốn kém.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters, Bộ Công Thương cho biết đến năm 2021, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, do nhu cầu vượt quá công suất xây dựng các nhà máy điện mới.
Bộ Công Thương cho biết nhu cầu điện của Việt Nam sẽ vượt mức 6,6 tỉ kWh vào năm 2021, và tăng lên 15 tỉ kWh vào năm 2023, tương đương với mức tăng khoảng 5% nhu cầu điện được dự báo trước đó.
Theo tính toán, Việt Nam sẽ cần trung bình khoảng 6,7 tỉ USD mỗi năm, để mở rộng công suất phát điện hàng năm thêm 10% từ năm 2016-2030. (Ảnh: VnEconomy).
"Ngoài sự thiếu hụt, nhiều dự án năng lượng ở Việt Nam đang phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài", Đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 47 trong số 62 dự án sản xuất điện công suất từ 200 MW trở lên đang phải đối mặt với sự chậm trễ, thường chậm từ 1-2 năm so với kế hoạch.
Theo tính toán, Việt Nam sẽ cần trung bình khoảng 6,7 tỉ USD mỗi năm, để mở rộng công suất phát điện hàng năm thêm 10% từ năm 2016-2030. Năm ngoái, Ngân hàng thế giới cho biết khoảng năm 2030, Việt Nam cần đầu tư tới 150 tỉ USD cho ngành điện, gấp đôi so với mức 80 tỉ USD trong năm 2010, để đáp ứng nhu cầu điện tiêu thụ khoảng từ 48.600 MW hiện nay lên 60.000 MW vào năm 2020, và 129.500 MW vào năm 2030, theo dữ liệu của Chính phủ.