Bộ Công Thương tính tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào trước nguy cơ thiếu điện

Với nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương dự tính sẽ tăng nhập khẩu điện, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Sáng ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp về các dự án điện trọng điểm quốc gia.

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong năm. Theo đó, nhu cầu điện đến năm 2020 về cơ bản được đáp ứng, tuy nhiên, những năm sau vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro thiếu hụt điện than, khí (với nhiệt điện), thiếu nước (với thủy điện) hay phụ tải tăng cao.

Căn cứ theo quy hoạch VII điều chỉnh của Bộ Công Thương đến năm 2020, tổng công suất đạt 21.650 MW. Nhu cầu điện đến năm 2020 cũng sẽ tăng với tốc độ trung bình là 8,6%. Nguồn điện dầu sẽ được huy động với khối lượng lớn bù đắp cho nhiều dự án chậm tiến độ. 

1_cgah

Nguy cơ thiếu điện giai đoạn năm 2021 đến 2025 được đánh giá là khá cao. (Ảnh: VOV).

Ông Kim cho biết, hầu như chỉ có các dự án của EVN đảm bảo tiến độ, PVN và TKV vẫn chưa đảm bảo, điều này tạo ra nguy cơ thiếu điện hiện hữu giai đoạn năm 2021 đến 2025.

Ngược lại, nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh. Hiện có tới 89 nhà máy có thể hòa vào lưới điện, với tổng công suất 4.500 MW. Song hệ thống lưới điện và cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được, dẫn đến quá tải.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ thêm, vướng mắc lớn nhất trong thời điểm này của ngành điện là công tác quy hoạch, liên quan đến Luật Quy hoạch, gây ảnh hưởng đến việc thiết lập, thẩm định cũng như bổ sung công trình điện, làm đình trệ quá trình xây dựng các dự án. Có khoảng gần 400 dự án đang gặp khó khăn trong bổ sung quy hoạch, ví dụ như dự án Tây Bắc, Cà Ná, Long Sơn...

Ngoài ra, giải phóng mặt bằng, các chính sách bảo lãnh triển khai dự án cũng gây ra những cản trở nhất định.

 Trước nguy cơ thiếu điện, Bộ Công Thương cũng đang tính toán phương án tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

"Giá mua điện Trung Quốc cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào, và thấp hơn mức giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than hiện nay (trên 7 cent/kWh)", lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Thông tin trên Vietnamnet, đến nay EVN đã đàm phán với Công ty lưới điện phương Nam Trung Quốc về các giải pháp liên kết để tăng cường nhập khẩu điện Trung Quốc. Theo báo cáo, EVN sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu, để tăng nhập khẩu điện lên 3,6 tỉ kWh/năm từ 2021, giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, nguy cơ thiếu điện là hiện hữu. Bộ trưởng đánh giá cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tập đoàn trong xử lí và triển khai các dự án chậm tiến độ. 

Với các dự án điện BOT, Bộ trưởng đề nghị xem xét trách nhiệm của các chủ đầu tư, bởi một số chủ đầu tư đang có dấu hiệu muốn bán dự án.

'Hoàn cảnh nào cũng không được để thiếu điện'

Chiều 15/7, Thường trực Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổ chức họp bàn các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân trong việc bảo đảm đủ điện.

Thủ tướng nhấn mạnh ngành năng lượng Việt Nam phải tự cường, ít phụ thuộc vào nước ngoài. EVN có trách nhiệm chủ lực trong việc bảo đảm điện. Các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cần tham gia tích cực đầu tư các công trình nguồn điện; đồng thời tích cực huy động nguồn lực xã hội hoá để đầu tư phát triển nguồn điện.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.