Theo CNBC, tuần trước, Fed tuyên bố sẽ mua thêm trái phiếu từng doanh nghiệp cụ thể thay vì chỉ mua chứng chỉ quĩ ETF như trước.
Dù ban đầu thông báo trên đã mang lại cú hích lớn cho Phố Wall, giờ đây một số chuyên gia lại bày tỏ ý kiến lo ngại rằng nhà đầu tư có thể phấn khích quá đà và chấp nhận quá nhiều rủi ro.
Ông Ed Yardeni, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Yardeni Research viết trong lưu ý hôm 22/6: "Chiến dịch trấn an thị trường của Fed đã hoạt động rất tốt, làm dấy lên câu hỏi rằng liệu Fed có thực sự cần làm nhiều hơn nữa không".
Quả thực, chỉ với thông báo của Fed vào ngày 23/3 rằng cơ quan này sẽ thiết lập hai chương trình tín dụng để mua vào nợ doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp đã đủ để xoa dịu những nhà đầu tư đang hoảng loạn vì COVID-19.
Giờ đây một số chuyên gia lo ngại rằng thị trường đã đi lên quá cao trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp kỉ lục và những doanh nghiệp phát hành chứng khoán dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Fed để thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư.
Ông Yardeni nói: "Mục tiêu ban đầu là khôi phục thanh khoản của thị trường tín dụng. Rõ ràng thị trường đã hoạt động tốt trở lại. Nếu Fed kiên quyết giữ cho thanh khoản tràn ngập trên thị trường, có rủi ro rằng họ sẽ tạo ra bong bóng tài chính lớn nhất mọi thời đại".
Theo Citigroup, từ đầu năm cho tới nay giá trị trái phiếu được phát hành thêm đã vượt quá 1.000 tỉ USD. Nhiều khả năng giá trị trái phiếu được phát hành thêm sẽ gần gấp đôi so với năm ngoái, kể cả nếu tốc độ phát hành chậm lại.
Trong khi đó trên thực tế, hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ quĩ ETF của Fed mới chỉ được thực hiện "nhỏ giọt".
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ có giá trị khoảng 6.700 tỉ USD, còn Fed mới chỉ mua vào số trái phiếu và chứng chỉ quĩ trị giá hơn 7 tỉ USD. Nhìn chung, chương trình Tín dụng Doanh nghiệp Thị trường Thứ cấp (SMCCF) của Fed sẽ chỉ mua vào tối đa 750 tỉ USD nợ doanh nghiệp và chương trình này sẽ hết hạn vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, sự gia tăng của tổng số trái phiếu được phát hành đang làm tăng thêm rủi ro trong trường hợp nền kinh tế phục hồi chậm hơn so với dự kiện.
Ông Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics viết: "Một phần, sự gia tăng của nợ doanh nghiệp là một tiến triển lành mạnh vì nó đại diện cho các công ty đang vay tiền từ ngân hàng, từ các chương trình của chính phủ và các nguồn khác để bù đắp cho dòng tiền thiếu hụt do tác động của lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội".
"Nhưng như chúng tôi đã cảnh báo trước đây, nợ doanh nghiệp gia tăng có thể mang lại rủi ro đáng kể, đặc biệt nếu nền kinh tế hồi phục chậm chạp và không đồng bộ".
Sự gia tăng của các công ty không tạo ra đủ doanh thu để trả nợ và bắt buộc phải dựa vào các chương trình cứu trợ để tồn tại cũng ăn khớp với nỗi lo về bong bóng tài chính. Theo Oxford, các công ty có tỉ lệ thanh toán lãi vay thấp hơn 1 đã tăng gấp đôi trong cuộc khủng hoảng COVID-19, lên tới 32%.
Cùng lúc, chỉ số S&P 500 đang được giao dịch ở mức gấp 21,9 lần thu nhập dự kiến trong 12 tháng tiếp theo. Đây là mức định giá cao nhất trong vòng 18 năm và gần với mức kỉ lục 24,4 lần vào ngày 24/3/2000 – ngay trước khi bong bóng công nghệ nổ tung, theo FactSet.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ quan ngại về định giá của tài sản và gánh nặng nợ nần của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại phiên điều trần trước Quốc hội tuần trước, ông nói rằng một trong những lí do chính khiến Fed mua vào trái phiếu doanh nghiệp cụ thể là để thực hiện cam kết với thị trường.
Ông Powell khẳng định Fed "không muốn lao đầu vào thị trường trái phiếu như một con voi, hành động hùng hục và dập tắt tín hiệu giá".
Thông báo mua vào mua từng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường thứ cấp của Fed thực sự đã thúc đẩy thị trường trái phiếu hồi phục trong tuần trước. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cho thấy rủi ro của thị trường tài chính.
Theo S&P Global Ratings, từ đầu năm đến nay, số vụ vỡ nợ trái phiếu đã lên đến 109, bao gồm 18 vụ trong ngành năng lượng. Trong khi đó, tổng số vụ vỡ nợ trái phiếu ngành năng lượng của cả năm 2019 chỉ là 20.
Qua các quĩ ETF, Fed đang mua vào trái phiếu doanh nghiệp có uy tín lớn như Microsoft và Goldman Sachs. Nhưng đồng thời, cơ quan này cũng mua vào trái phiếu từng được xếp hạng đầu tư nhưng rớt hạng xuống trái phiếu "rác" do có nguy cơ vỡ nợ.
Ông Yardeni, nhà sáng lập hãng Yardeni Research bày tỏ quan điểm: "Thật khó hiểu vì sao Fed cảm thấy họ bắt buộc phải hỗ trợ cả người mua lẫn người bán những trái phiếu rắc rối này, trong khi tất cả đều hiểu rõ rủi ro của việc phát hành và sở hữu nợ hạng BBB. Fed đang tạo ra rủi ro đạo đức".
(Trái phiếu được Standard & Poor's xếp hạng từ BBB trở lên được coi là trái phiếu hạng đầu tư, dưới BBB là trái phiếu đầu cơ hay còn gọi là trái phiếu "rác").