Ba tháng gần đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư hàng loạt dự án nhà ở quy mô hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như Khu nhà ở thương mại cao cấp Tân Vinh tại xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn diện tích 8,58 ha; tổng mức đầu tư 286 tỷ đồng; cung cấp 204 nhà ở liền kề.
Tại huyện Tân Lạc, tỉnh chấp thuận đầu tư Khu nhà ở Đồng Quạt tại thị trấn Mãn Đức với quy mô 15,47 ha; tổng vốn đầu tư 505 tỷ đồng. Dự án cung cấp 525 căn biệt thự, nhà ở liền kề.
Dự án Khu nhà ở sinh thái và dịch vụ thương mại Hạ Bì (Habi Valley) tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi rộng 8,97 ha với 200 căn nhà ở; tổng vốn đầu tư dự kiến trên 407 tỷ đồng.
Ngoài dự án này, tỉnh Hòa Bình cũng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu nhà ở Tiến An tại phường Dân Chủ, TP Hòa Bình. Quy mô dự án 9,79 ha; tổng vốn đầu tư 445 tỷ đồng. Về cơ cấu sản phẩm nhà ở, dự án có 245 căn (225 lô nhà liền kề, 20 lô biệt thự).
Tháng 3, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị cao cấp Sao Mai rộng 45,79 ha tại phường Dân Chủ, Phương Lâm và phường Thái Bình, TP Hoà Bình. Cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm 548 căn; tổng mức đầu tư 897,4 tỷ đồng.
Ngoài các dự án nhà ở, tỉnh Hòa Bình là địa phương có nhiều dự án sân golf đang được triển khai và quy hoạch để mời gọi đầu tư.
Mới đây, hồi cuối tháng 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông báo tìm chủ cho dự án sân golf quốc tế Quang Tiến tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình quy mô 88,68 ha; tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng.
Tỉnh cũng vừa thông báo điều chỉnh quy hoạch sân golf 393 ha của Geleximco. Tại huyện Kim Bôi, địa phương này đang quy hoạch 6 sân golf mới.
Hồi đầu tháng 4, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn năm 2022.
Tổng diện tích quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 475,55 ha để làm 104 dự án khu dân cư, khu nhà ở, đô thị sinh thái,...
Trong đó, huyện Lương Sơn là địa phương đấu giá nhiều dự án nhất với 16 dự án tổng quy mô 109,4 ha.
Một số dự án đáng chú ý như Khu đô thị ven Sông Đà TP Hòa Bình 49,8 ha; khu đô thị sinh thái Hòa Bình 32,69 ha; Khu nhà ở, thương mại và dịch vụ tại xã Thung Nai và Bình Thanh 23,2 ha; Khu Nhà ở hai bên bờ sông Bùi (giai đoạn 1) 19,8 ha; Khu Nhà ở tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn 12,5 ha;...
Ngoài các dự án mới công bố, tìm chủ, thời gian gần đây, tỉnh Hòa Bình cũng có loạt dự án do các doanh nghiệp BĐS có tiếng như FLC, Cengroup, Tập đoàn Phượng Hoàng,... đầu tư, đề xuất thực hiện.
UBND tỉnh vừa có văn bản chấp thuận CTCP Đầu tư quốc tế Thịnh Phát là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở sinh thái Mường Hoa, phường Dân Chủ, TP Hòa Bình. Dự án có quy mô 326,3 tỷ đồng trên nền diện tích 21,5 ha.
Đầu tháng 5, địa phương thông báo Cen Invest - thành viên của Cengroup liên danh cùng Công ty Sao Đất Việt để đầu tư Khu nhà ở và dịch vụ sinh thái Vilas tại thị trấn Lương Sơn và xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng, diện tích khoảng 14,75 ha, quy mô dân số khoảng 2.200 người. Cơ cấu nhà ở tại dự án dự kiến gồm 598 căn. Trong đó biệt thự có 46 căn; nhà liền kề 552 căn; nhà ở tái định cư 22 căn.
Cuối tháng 3, Công ty TNHH Phát triển du lịch Quốc tế Phượng Hoàng Mộc Châu đề xuất nghiên cứu khảo sát và triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp tại xóm Máy, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình, quy mô 366,7 ha.
(Ảnh: VnEconomy).
Cùng thời gian này, UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy. Dự án có quy mô 150,33 ha; tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy.
Tổng mức đầu tư của dự án là 2.883 tỷ đồng; bao gồm sân golf 36 lỗ (140 ha), khách sạn 5 sao với 200 phòng (2,3 ha), trung tâm hội nghị (2,3 ha) và khu resort với 100 căn bungalow (4,7 ha).
Thông tin từ báo Hòa Bình, thị trường bất động sản tỉnh từ đầu năm đến nay khá "nóng” tại nhiều phân khúc, kể cả đất nền lẫn BĐS nghỉ dưỡng, trong đó, chủ yếu là những loại đất rừng, đất nông nghiệp, đất vườn; tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Kim Bôi…
Một số dự án đất nền tại TP Hòa Bình có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực bờ trái sông Đà, hiện mức giá chuyển nhượng từ 21 - 24 triệu đồng/m2 các lô đất phía trong, còn với lô mặt tiền đường lớn được nhận định lên đến trên 30 - 40 triệu đồng/m2.
Tại dự án Sudico, giá đất mặt tiền khu vực đường rộng được rao bán với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2, các lô đất phía trong chỉ ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2.
Khảo sát trên các diễn đàn bất động sản, các thông tin đăng tải và giao dịch chủ yếu là đất nền và biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực huyện Lương Sơn, huyện Kim Bôi, TP Hòa Bình.
Nếu tại khu vực trung tâm TP Hòa Bình, tâm điểm của cơn sốt cục bộ, nhà đầu tư tìm mua đất thổ cư vị trí đẹp, gần các dự án, công trình lớn thì tại huyện Lương Sơn và vùng ven TP Hòa Bình, khu vực hồ Hòa Bình, huyện Kim Bôi, Lạc Sơn,… làn sóng đầu tư chủ yếu người dân Hà Nội lên tìm hiểu khiến thị trường BĐS khá nóng.
Một kịch bản chung cho các cơn sốt đất thời điểm đầu năm 2021 là ăn theo thông tin quy hoạch như đề xuất sân bay, đường cao tốc, siêu dự án.
Đối với tỉnh Hòa Bình là quy hoạch hồ Hòa Bình, các dự án BĐS được các tập đoàn, công ty lớn đến tìm hiểu đầu tư tại các huyện, thành phố…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, giao dịch hiện không quá nhiều, giá chuyển nhượng được môi giới "thổi” khá mạnh so với thực tế.
Ngoài ra, địa phương cũng đưa ra cảnh báo về việc giới "cò đất” thi nhau đẩy giá ảo khiến không ít người lầm tưởng giao dịch được thực hiện liên tục.
Đại diện xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn thông tin với báo Hòa Bình, hiện tại, tình hình chuyển nhượng đất vườn, đất ở trên địa bàn xã giao dịch có hơn chút ít so với các năm trước, nhưng không có đột biến, nóng sốt.
Vị này cho biết thông tin về sốt đất cùng với những chiêu thổi giá của môi giới sẽ khiến cho thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng sau này trên địa bàn xã nói riêng và huyện Lương Sơn nói chung gặp khó khăn.