Đệ đơn phá sản để tái cơ cấu nợ
Báo chí Mỹ đưa tin, nhà bán lẻ đồ chơi hàng đầu nước Mỹ Toys R Us có thể nộp đơn xin phá sản ngay trong tuần này. Các nguồn tin của CNBC còn cho biết, kế hoạch phá sản không được tiết lộ kể cả thời điểm đệ đơn phá sản có thể được thay đổi.
Năm 2005, Toys R Us được công ty cổ phần tư nhân Kohlberg Kravis Roberts, Bain Capital Partners và quỹ đầu tư bất động sản Vornado Realty Trust mua lại với giá 6.6 tỷ USD. Việc đệ đơn phá sản được xem là cách để đơn giản hóa cấu trúc của công ty vốn rất phức tạp do 3 tập đoàn tài chính cùng sở hữu.
|
Trước thông tin này, 3 chủ sở hữu nói trên từ chối bình luận. Việc tái cấu trúc nợ sẽ giúp Toys R Us sẽ linh động về tài chính để đầu tư vào hoạt động kinh doanh và tự định vị mình trong bối cảnh thị trường bán lẻ có thể thay đổi.
Được biết, Toys R Us đang có khoản nợ 4,9 tỷ USD. Nguyên nhân phần lớn khoản nợ đến từ Bain Capital, KKR & Co và Vornado Realty Trust vay để mua lại Toys R Us. Từ đó, công ty vẫn phải trả khoản nợ này.
Vì đâu nên nỗi?
Trước khi đi đến nộp đơn phá sản, Toys R Us phải đối diện với tình cảnh khó khăn. Nhà bán lẻ này phải chịu áp lực từ các đồ chơi nhập khẩu với giá rẻ hơn, sự thu hẹp của các thương hiệu bán lẻ và trẻ em ngày càng thích sử dụng máy tính bảng.
Trước đó, Lego - một nhà sản xuất đồ chơi nổi tiếng cũng thông báo sẽ sa thải 8% nhân viên vào đầu mùa thu năm nay. Còn nhà sản xuất đồ chơi Mattel đã chứng kiến sụt giảm cổ phiếu 60% trong 5 năm qua gây ảnh hưởng đến kinh doanh.
Trước thông tin Toys R Us phá sản, cổ phiếu của Mattel và Jakks giảm khoảng 6%, trong khi cổ phiếu Hasbro giảm hơn 1%.
Theo CNBC, việc nộp đơn phá sản của Toys R Us không có nghĩa các cửa hàng của hãng sẽ đóng cửa như chuỗi bán lẻ Macy's trước đây. Tuy nhiên, nhiều công ty sản xuất đồ chơi chắc chắn sẽ có sự quan tâm đặc biệt đối với việc tái cơ cấu nợ thành công của Toys R Us.
Bởi vì, Toys R Us là nhà bán lẻ lớn cung cấp địa điểm cho các công ty đồ chơi bán sản phẩm. Với nhiều nhà sản xuất đồ chơi, showroom của Toys R Us là địa điểm duy nhất mà họ có.
Trước tình hình như vậy, rõ ràng ngành công nghiệp đồ chơi cần tập quen với việc không phụ thuộc vào Toys R Us theo cách mà các thương hiệu bán đồ thể thao đã làm dần trở thành các nhà bán lẻ để tự hút khách, xây dựng trang Web riêng và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Doanh số bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ có nhiều lợi nhuận hơn so với một nhà bán lẻ thứ ba.
Chuyên gia Stephanie Wissink, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp của Piper Jaffray cho rằng, đòi hỏi cấp bách của ngành sản xuất đồ chơi là khả năng thích ứng với những tác động này nhờ các kênh mua hàng thay thế.
Một trong những kênh bán đồ chơi phát triển nhanh nhất là Amazon. Nhà bán lẻ online này đang được hưởng lợi từ những phụ huynh sinh từ năm 1980 - 2000. Amazon đang nhanh chóng trở thành nhà bán lẻ đồ chơi lớn thứ 2 thế giới sau Wal-Mart.