Khảo sát quanh các khu phố, bệnh viện, trường học và chợ ở Hà Nội, phát hiện bên cạnh nhiều sản phẩm đồ chơi chính hãng, có đầy đủ dấu hợp chuẩn, hợp quy, tem nhãn đầy đủ, vẫn còn nhiều sản phẩm không dấu hợp quy, không nhãn mác nguồn gốc. Những sản phẩm đó thường mang dòng chữ “made in China” hoặc không có nguồn gốc nhập hay sản xuất từ đâu.
Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên gia, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lớn, gây hậu quả khôn lường.
Tại các tuyến đường như: đường Láng, Lương Văn Can, Hàng Mã (Hà Nội), phố Khương Trung, … đồ chơi bày bán gần như là hàng xuất xứ Trung Quốc. Các đồ chơi như búp bê, siêu nhân, xe đẩy, bộ xếp hình, bộ đồ nấu ăn, thú bông… được treo đầy ở ngoài mặt tiền các cửa hàng, trông rất bắt mắt.
Đồ chơi trẻ em được bày bán rất bắt mắt. Ảnh Hùng Cường |
Qua trao đổi với những người bán hàng tại phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết, những món đồ chơi bằng nhựa cứng như siêu nhân, dụng cụ nhà bếp, thú hơi nhỏ, mặt nạ siêu nhân, điện thoại đồ chơi có giá từ 10 ngàn đồng đến khoảng 200 ngàn đồng.Các sản phẩm khác như đồ chơi mô hình; đồ chơi hình thú, rô bốt, lắp ghép… có giá dao động từ 100 ngàn đến 750 đồng.
Còn những sản phẩm đồ chơi cao cấp như ô tô điều khiển, máy bay điều khiển từ xa, mô hình lắp ráp lego ngoài trời… giá cả cao hơn từ 650 ngàn đồng đến hơn 2 triệu đồng.
Ngoài các loại đồ chơi được bán riêng lẻ, thì đồ chơi bán theo ký có giá từ 80 ngàn – 120 ngàn đồng/kg cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đồ chơi này hầu hết được làm bằng nhựa gồm nhiều món khác nhau, nhiều thì hàng trăm món, ít thì cũng vài chục món.
Mẫu đồ chơi đóng hộp này có nguồn gốc Trung Quốc nhưng không thể tìm thấy nhãn phụ tiếng Việt và dấu CR đâu. Ảnh Hùng Cường |
Những con búp bê này chẳng biết làm bằng chất liệu nhựa gì, có đảm bảo an toàn không được treo bán phổ biến. Ảnh Hùng Cường |
Đồ chơi ngoài bao bì in chữ hoa “MADE IN CHINA” – được hiểu là xuất xứ Trung Quốc, trên bao bì còn có các ngôn ngữ khác như tiếng Thái và tiếng Anh. Trên các sản phẩm mà Phóng viên tìm hiểu, không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có dấu CR trong khi quy định là bắt buộc phải có.
Ghi nhận tại một cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em trên đường Trần Quốc Hoàn, (Cầu Giấy, Hà Nội), tại đây các loại đồ chơi như xe đạp, búp bê, ô tô, máy bay, rô bốt… được bày bán nhiều cả trên vỉa hè. Giá của các mặt hàng tùy loại ở mức chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/một sản phẩm.
Trong vai người tiêu dùng, Phóng viên gặng hỏi người bán: liệu đồ chơi có đảm bảo an toàn không khi không thấy nhãn mác gì? Người bán thản nhiên trả lời: Lo gì, hàng công ty chính hãng nên yên tâm chất lượng!
Mặc dù vậy, với các đồ chơi không có dấu CR để nhận biết hợp chuẩn hợp quy, không có nhãn mác nguồn gốc và nhãn phụ tiếng Việt đầy đủ, Phóng viên cũng tự nhủ là các sản phẩm trôi nổi, không thể khẳng định có chất lượng, an toàn.
Qua khảo sát, Phóng viên còn phát hiện nhiều sản phẩm đồ chơi ngoài không có dấu CR theo quy định còn không có dấu hiệu cảnh báo, khuyến cáo lứa tuổi sử dụng, không ghi thông tin hướng – nhãn phụ tiếng Việt. Cá biệt, có sản phẩm còn không có vỏ hộp, túi bóng mà chỉ “trơ trọi” sản phẩm.
Dấu CR (dấu hiệu nhận biết sản phẩm hợp quy) được dán trên một vỏ hộp đồ chơi bằng nhựa cho thấy sản phẩm này có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy hơn về mức độ an toàn khi cho trẻ em dùng. Ảnh Hùng Cường |
Để kiểm soát đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy chuẩn với đồ chơi trẻ em. Theo đó, dù đồ chơi sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều khi đưa ra thị trường phải có dấu CR.
Trước thực tế nếu trên, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ em khi dùng đồ chơi, các bậc phụ huynh nên chọn các địa điểm bán uy tín, sản phẩm có tem nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nên chọn các sản phẩm có tem chống hàng giả, có mã số mã vạch, có địa chỉ nhà nhập khẩu, phân phối, có dấu CR trên sản phẩm. Đặc biệt, người dùng cũng nên lựa chọn sản phẩm phù hợp với lứa tuổi được khuyến cáo dùng trên sản phẩm. Không nên chọn các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, năm 2017, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đã kiểm tra tổng số lô đồ chơi trẻ em nhập khẩu đạt chất lượng: 5.021 lô; phát hiện 11 lô không đạt, số lượng 53.755 cái/ chiếc/vỉ/bộ, chiếm một tỷ lệ nhỏ so với hàng đạt chất lượng. (Đã chuyển hồ sơ cho cơ quan hải quan để xử lý theo quy định). Tình trạng nhập lậu đối với các mặt hàng đồ chơi trẻ em không qua kiểm tra chất lượng, qua các đường mòn lối mở biên giới thẩm lậu vào thị trường. Kiểm tra trên thị trường, phát hiện, xử lý vi phạm, tạm dừng lưu thông và chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.362 mẫu đồ chơi trẻ em vi phạm về nhãn và CR. |
XEM THÊM
Hà Nội: Phát hiện xe ô tô chở đồ chơi có dấu hiệu nguy hiểm đối với sức khoẻ trẻ em
Phát hiện xe ô tô vi phạm luật giao thông, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe thì được biết, xe ô tô vận ... |
8 đồ chơi nguy hiểm nhất cho trẻ
Bộ đồ chơi tập làm bác sĩ trông có vẻ vô hại và được nhiều trẻ thích nhưng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ ... |
Hành khách 20 tuổi giấu sừng tê giác trong hộp đồ chơi trẻ em
Qua kiểm tra hành lí của nam hành khách 20 tuổi, lực lượng chức năng phát hiện ba khúc sừng tê giác hai sừng Châu ... |