Không cần đủ 75% đại diện chủ sở hữu vẫn có thể tổ chức hội nghị nhà chung cư
Để thay thế cho qui định cũ, yêu cầu phải có tối thiểu 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ khi tổ chức hội nghị chung cư lần đầu, trong dự thảo mới của Bộ Xây dựng có nêu: Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự.
Nếu không đủ số người tham dự qui định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung qui định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Nhà ở.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo qui định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư theo qui định.
Tổ chức hội nghị chung cư, thành lập ban quản trị là một trong những tranh chấp điển hình tại các khu chung cư. (Ảnh: Dân trí).
Theo qui định của Bộ Xây dựng hiện hành, trường hợp triệu tập hội nghị lần đầu mà không đủ 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ tham dự thì triệu tập hội nghị lần thứ hai khi có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự.
Nếu triệu tập hội nghị lần thứ hai mà không có đủ số người tham dự theo quy định tại điểm này thì chủ đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị theo qui định.
Trường hợp tòa nhà chung cư trong cụm không có đủ số người tham dự và số người lấy ý kiến theo qui định thì các chủ sở hữu tòa nhà này có thể tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị tòa nhà riêng.
Dự thảo cũng nêu rõ việc tham dự hội nghị chung cư đối với những trường hợp người uỷ quyền cần phải văn bản ủy quyền gồm: Họ, tên người ủy quyền và người được ủy quyền, địa chỉ căn hộ trong chung cư của người ủy quyền; các nội dung ủy quyền liên quan đến Hội nghị nhà chung cư (như ủy quyền bỏ phiếu bầu Ban quản trị, biểu quyết các vấn đề về Hội nghị nhà chung cư…); quyền và trách nhiệm của các bên ủy quyền và nhận ủy quyền, văn bản ủy quyền phải có đầy đủ chữ kí của người ủy quyền và người nhận ủy quyền.
Một qui định mới về thành phần biểu quyết trong hội nghị nhà chung cư cũng được đưa ra là: Mỗi chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư chỉ được ủy quyền cho một người đang sử dụng chính căn hộ đó hoặc đang sử dụng chính phần diện tích đó trong nhà chung cư tham dự và biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư.
Trường hợp người đang sử dụng căn hộ thuộc sở hữu nhà nước không tham dự họp hội nghị nhà chung cư thì cơ quan đại diện chủ sở hữu dự họp và thực hiện biểu quyết đối với những căn hộ này và những căn hộ chưa có người sử dụng.
Về kinh phí tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu do Uỷ ban nhân dân cấp phường tổ chức được lấy từ kinh phí quản lí vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp và được đưa vào dự toán năm tiếp theo do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Như vậy, nếu những qui định mới được thông qua, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư thành lập ban quản trị toà nhà sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn và đảm bảo quyền lợi chính đáng của những bên liên quan.