Hơn 1,8 tỷ USD vốn ngoại vào bất động sản

Năm 2024, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam các năm 2020 - 2024 (Đvt: tỷ USD; Nguồn: Tổng cục Thống kê). 

Vốn đăng ký cấp mới có 3.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc với  2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Hong Kong (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11%. 

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. 

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 26,8% giá trị góp vốn.  

Như vậy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong năm qua đạt khoảng 6,31 tỷ USD. 

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện (tăng 60% so với mức 1,15 tỷ USD của năm 2023). 

(Ảnh tư liệu minh hoạ: Hải Quân).  

Theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam, sự tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn FDI vào bất động sản trong năm 2024 cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển lớn của lĩnh vực này.

Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động dồi dào và chi phí hợp lý, tốc độ đô thị hóa nhanh và cầu vượt cung trong hầu hết các phân khúc bất động sản chủ đạo. Những cải thiện về chính sách thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng và đặc biệt là hệ thống pháp lý đã củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Do đó, dù FDI toàn cầu đang chậm lại, nhà đầu tư vẫn tìm kiếm và rót vốn vào các dự án tại Việt Nam", chuyên gia Avison Young nhận định.

Cũng theo ông Jackson, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng ưu tiên tham gia vào giai đoạn đầu của dự án; hoặc đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để sau đó sẵn sàng triển khai khu công nghiệp hoặc nhà máy, nhà xưởng.

Những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thường có thế mạnh về công nghiệp và hạ tầng, như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam và Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở phía Bắc. 

chọn
Yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản trong chu kỳ mới
Theo VCBS, tính sẵn sàng và giá vốn của quỹ đất sẽ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả lợi nhuận dự án trong vài năm tới. Doanh nghiệp bất động sản cần lưu ý để thích ứng với điều kiện chu kỳ mới.