Hành lang tầng trệt chung cư là nơi ở của cụ Nhiều và con gái. (Ảnh: Vũ Phượng)
Ở hành lang chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu (P.Đa Kao, Q.1) có một hộ gia đình rất đặc biệt. Tất cả mọi sinh hoạt như ăn, uống, ngủ, nghỉ đều diễn ra ở nơi... "công cộng" nhưng không ai tỏ ra khó chịu vì đã quá quen thuộc với hình ảnh này.
Đó là trường hợp của cụ Lê Văn Nhiều (79 tuổi). Mọi người gọi đây là lán trại của cụ Nhiều vì ở góc hành lang chỉ kê 1 chiếc ván gỗ để cụ nằm và 1 chiếc giường xếp của bà Lê Thị Thu Hồng (52 tuổi, con gái cụ Nhiều) để tiện việc chăm sóc cho cụ.
Dọc hành lang kê ván gỗ của cụ Nhiều có một chiếc bạt che ở phía trước phòng khi trời mưa thì kéo xuống cho nước đỡ bắn vào bên trong. Trước kia, cụ Nhiều sống ở đây cùng vợ, tuy nhiên cụ bà mới mất vì đột quỵ. Cụ Nhiều đang bị hen suyễn nên không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều nhờ vào cô con gái chăm lo, giúp đỡ.
Bà Đinh Thị Hà Vy (con gái đầu của cụ Nhiều) cho hay, trước kia cả gia đình cụ sống ở gần khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.1, TP HCM). Khi khu này giải tỏa, cả gia đình 3 thế hệ chuyển vào sống trong một căn hộ ở chung cư 1A – 1B Nguyễn Đình Chiểu theo diện hỗ trợ của mẹ vợ cụ Nhiều.
Khu vực bếp của cha con cụ Nhiều. (Ảnh: Anh Lê)
Căn hộ chỉ có hai phòng ngủ nhưng có nhiều gia đình cùng sinh sống nên rất bất tiện. Cũng vì không gian sống chật chội nên vợ chồng cụ Nhiều xuống dọn dẹp gầm cầu thang làm chỗ ở.
Vợ chồng cụ Nhiều có 4 mặt con, 2 người đã mất. Còn con gái đầu là bà Vy có gia đình riêng nhưng ở cùng nhà chồng nên không thể đưa cụ về chăm sóc. Con gái thứ hai sống trong căn phòng trọ thuê ở Củ Chi cũng nhiều lần nói cụ xuống ở cùng nhưng cụ không chịu.
“Tôi sống cùng vợ ở góc hành lang này, vợ tôi cũng mất ở đây nên tôi muốn ở đây để có cảm giác thân thuộc. Đi nơi khác sao tôi quen được, mọi thứ ở đây đều quen hết rồi, tôi đi cũng không đành”, cụ Nhiều tâm sự.
Vài món đồ linh tinh được treo ngay lối đi. (Ảnh: Anh Lê)
Nghe cha nói vậy, bà Hồng cũng bộc bạch: “Do cụ sống ở đây lâu năm rồi, ai cũng biết nên phường không làm khó, lâu lâu họ còn hỏi thăm sức khỏe. Sau này cụ mất đi thì trả lại lối đi cho người dân ở chung cư.
Bà Hồng kể, khi mẹ của bà còn sống, ông bà rất quan tâm nhau. Tuy tuổi già sức yếu, bà vẫn tự đi nhặt ve chai để kiếm tiền về trang trải thuốc men cho bệnh hen suyễn của cụ ông.
Bà mất không lâu thì cụ ông lên cơn hen phải nhập viện điều trị và chỉ mới xuất viện tuần trước. Thấy cha ở một mình không ổn, bà Hồng bỏ việc về kê chiếc giường xếp nằm cạnh bên để tiện chăm sóc.
“Nhờ có khoản tiền đi làm tiết kiệm trước đó của tôi nên đủ cho hai cha con trang trải suốt thời gian qua. Tôi chỉ trông cụ khỏe để tôi xin đi làm lại, rồi tối về đây ngủ chứ tiền kia cũng gần hết rồi”, bà Hồng nói.
Hơn 20 năm qua, ông Nhiều gắn bó với hành lang này và không muốn rời đi. (Ảnh: Vũ Phượng)
Chỉ là hành lang nhưng lán trại của cụ Nhiều vẫn có điện, nước đầy đủ. Khu vực nhà bếp, nơi tắm giặt chính là lối đi lại hằng ngày của người dân trong chung cư. Khu nấu ăn chỉ có vỏn vẹn một cái bếp dầu cũ, vài chiếc xoong và chén đũa. Bà Hồng dùng một chiếc bạt lớn quây lại thành chỗ tắm giặt. Không có nhà vệ sinh, hơn 20 năm nay, gia đình cụ Nhiều đều xin đi nhờ của nhà giữ xe và một số hộ dân xung quanh.
Cụ Nhiều hài lòng với chỗ ở hiện tại, duy chỉ có điều, nơi đây không có chỗ để đặt bàn thờ của cụ bà. Mỗi lần con gái nấu đồ ăn cho cụ, cụ không ăn vội mà để cho nguội để “gọi” bà về ăn cùng. Đó là cách mà cụ thờ vợ mình dù không có bàn thờ.
Bà Hồng cũng kể, khi mẹ bà mất gia đình phải xin nhờ nhà giữ xe để lấy không gian làm tang lễ. Sau khi xong việc, bà Hồng mang tro cốt của mẹ gửi vào chùa.
Từ ngày vợ mất, cụ Nhiều hay ngồi thẫn thờ. (Ảnh: Vũ Phượng)
Dù căn nhà của cụ Nhiều chiếm chỗ đi lại nhưng dân ở chung cư không ai phàn nàn một lời. Ngược lại nhiều hàng xóm còn tốt bụng cho tiền, hoặc giúp đỡ khi bà Hồng có công việc phải ra ngoài.
Bà Nguyễn Thị Chỉ (58 tuổi, người dân trong chung cư) bày tỏ: “Tôi biết ông bà cụ đã hơn 20 năm, từ khi chuyển đến chung cư này. Ông bà sống ở đây rất hiền và hòa đồng nên khó khăn dân trong chung cư đều sẵn lòng giúp đỡ. Khi con gái cụ có việc bận, tôi đều sang cho cụ uống thuốc, trông nom giúp, phiền hà gì đâu”.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch UBND P.Đa Kao (Q.1) cho biết cụ Nhiều vẫn thuộc diện có nhà ở theo hướng dẫn của ngành thống kê, vì con cái của cụ có nhà nhưng cụ không chịu ở cùng.
Theo bà Lệ, trước đây, cụ Nhiều có nhà ở phường Tân Định, sau đó vì hoàn cảnh cụ bán nhà, chuyển về tá túc với người thân tại chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, diện tích nhà nhỏ, không đủ chỗ ở nên gia đình cụ Nhiều đã ở tại hành lang lô A2.
Khi cụ bà mới mất, UBND phường có mời các con của cụ lên làm việc để đưa cụ về nhà chăm sóc, các con của cụ cam kết sẽ đưa đi trong tháng 3.2019 nhưng sau đó lại không đi.
Tất cả mọi sinh hoạt đều nằm trên lối đi của chung cư. (Ảnh: Vũ Phượng)
“Khi phường kiên quyết yêu cầu phải đưa cụ về ở cùng các con để trả lại hành lang, lối thoát hiểm cho người dân chung cư thì khu phố có đơn đề nghị phường xem xét. Theo khu phố, sức khỏe của ông rất yếu rồi muốn ông được ở đó tới lúc mất. Sau đó, gia đình sẽ hoàn trả lại phần hành lang này cho chung cư. Do vậy, phường tạm thời để cụ ở đó đến khi sức khỏe cụ tốt hơn sẽ tiếp tục vận động đưa cụ đi nơi khác”, bà Lệ thông tin.
Theo lãnh đạo UBND P.Đa Kao, khu phố đã họp với tổ dân phố gần đó để nói về hoàn cảnh của ông cụ và ai cũng đồng ý cho cụ ở lại, thậm chí mọi người thỉnh thoảng giúp đỡ cụ đồ ăn thức uống.
Ngoài trường hợp cụ Nhiều, tại P.Đa Kao cũng có trường hợp bà Vương Thị A cũng đang ở tại gầm cầu thang chung cư. UBND phường đang trong quá trình vận động, hướng dẫn bà tìm nơi ở phù hợp. Nếu không được, phường sẽ phối hợp giải quyết xem xét đưa bà vào trung tâm bảo trợ xã hội.