'Hôm nay làm được 1 đồng, ngày mai bỏ ra 2 đồng khắc phục ô nhiễm'

"Nhiều khi nguồn thu của một khu vực hay của một lĩnh vực kinh tế cụ thể không đủ tiền để khắc phục ô nhiễm môi trường do tác động của nó gây ra hay như chúng ta thường nói hôm nay làm được một đồng, ngày mai bỏ ra 2 đồng để khắc phục ô nhiễm", đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) nói.

IMG_3535

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. (Ảnh: Di Linh).

Nhiều khi nguồn thu không đủ để khắc phục ô nhiễm môi trường

Chiều 31/10, tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu một số vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP Đà Nẵng) cho biết gần đây một số nhà kinh tế đề cập nhiều đến chỉ tiêu GDP xanh.

"GDP xanh là phần GDP còn lại sau khi khấu trừ phần chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do hậu quả của quá trình tái sản xuất gây ra nhằm đánh giá thực chất hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Chúng ta nên sớm nghiên cứu để có thể sử dụng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua GDP xanh trong thời gian tới.

Bởi vì thực tế ở địa phương, nhiều khi nguồn thu của một khu vực hay của một lĩnh vực kinh tế cụ thể không đủ tiền để khắc phục ô nhiễm môi trường do tác động của nó gây ra hay như chúng ta thường nói hôm nay làm được một đồng, ngày mai bỏ ra 2 đồng để khắc phục ô nhiễm", đại biểu Quang nói.

Theo ông Quang, báo cáo của Chính phủ có nêu tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề lưu vực một số song nếu như trước đây ô nhiễm là nhỏ lẻ, cục bộ thì nay đã trở thành diện rộng và trở nên nghiêm trọng.

"Chúng ta nói nhiều đến công nghệ 4.0 nhưng các địa phương vẫn loay hoay tìm kiếm công nghệ chôn lấp, đốt rác", ông Quang nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) cũng dẫn báo cáo cho thấy Chính phủ đã đề ra những giải pháp để bảo vệ nguồn nước, việc xử lí nước thải các khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường về không khí cũng là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, nhưng báo cáo chưa đề cập các giải pháp giải quyết vấn đề này", ông Chính nói.

Theo đại biểu Chính, trong thời gian vừa qua, chỉ số chất lượng không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM liên tục được cảnh báo ở mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

"Do vậy, cần phải triển khai thực hiện những giải pháp vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính đồng bộ trong bối cảnh hiện nay cũng như giải pháp lâu dài để ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí", ông Chính đề nghị.

IMG_9143

Giảm thiểu rác thải nhựa cần chế tài đủ mạnh? (Ảnh: Di Linh).

Giảm thiểu rác thải nhựa cần chế tài đủ mạnh

Tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho biết qua thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng trên nhiều phương diện, làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, thói quen của nhiều người dân.

"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ô nhiễm môi trường vẫn là những nội dung mà nhân dân hết sức quan tâm. Năm 2018, điều tra 74% nhân dân rất quan tâm đến môi trường, nhiều nơi ô nhiễm môi trường, nhân dân còn bức xúc", đại biểu Thực nói.

Đại biểu Ngô Sách Thực cũng đưa ra một số hạn chế như vấn đề phân loại rác tại nguồn; kiểm tra, giám sát cơ sở gây ô nhiễm; kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt...

"Trong năm 2020 cần bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, nhất là các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.

Hoàn thiện cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật", đại biểu Thực đề nghị.

Đại biểu Ngô Sách Thực cũng cho rằng cần chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan xây dựng các phương án xấu nhất để xử lý sự cố của môi trường xảy ra và mở rộng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm để thông tin kịp thời cho người dân.

Với vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa, đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên Huế) cho biết thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể, nói không với rác thải nhựa.

Tuy nhiên, từ thực tế để chương trình, phong trào thực sự đi vào cuộc sống, khả thi cần có chế tài đủ mạnh từ cấp độ quốc gia để đảm bảo thực thi các mục tiêu của Chính phủ.

Ngoài ra, cần thúc đẩy nhanh hơn các giải pháp thay thế, xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với việc thu hồi bao bì nhựa sử dụng một lần do mình sản xuất và kinh doanh.

IMG_0775

(Ảnh: Di Linh).

"Trước mắt, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tập trung rà soát các sản phẩm của ngành có thể thay thế hạn chế cũng như điều chỉnh các quy định phù hợp để thúc đẩy lộ trình nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần", ông Thọ nói.

Vị này cũng nêu ví dụ trong ngành Y tế, phim X-quang phục vụ chẩn đoán là rất lớn. Môi trường phải gánh một khối lượng lớn chất thải nhựa từ phim X-quang, người dân phải chi trả một khoản kinh phí không nhỏ khi in phim.

"Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện được việc chẩn đoán và lưu hình ảnh bằng bản điện tử và thực tế không phải người dân nào khi chụp X-quang cũng cần phim nhựa.

Tuy nhiên, cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh đối với trường hợp phải chụp phim X-quang để chẩn đoán, còn ràng buộc là nếu không có phim nhựa thì không có cơ sở để thanh toán chi phí, chẩn đoán hình ảnh X-quang.

Những bất cập trên rất nhiều ở nhiều ngành, nhiều cấp cần được tập trung xử lí nhằm góp phần giảm thải chất thải nhựa cũng như góp phần giảm chi phí cho người dân", đại biểu Thọ cho biết thêm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.