BS.CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1. (Ảnh: Đức Hùng). |
Thống kê cho thấy, có khoảng 78% thuốc kháng sinh được người tiêu dùng tự mua tại các nhà thuốc tư nhân không cần đơn thuốc. Việc tự chẩn đoán, tự điều trị là tình trạng khá phổ biến. Trong khi đó cả người mua lẫn người bán lại thiếu kiến thức về sử dụng kháng sinh hợp lý như: Chỉ định, liều lượng, thời gian…
Đặc biệt, các bà mẹ thường tự mua thuốc dựa theo toa thuốc cũ, tự chỉ định. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của người mua, các nhân viên nhà thuốc thường chia các đơn thuốc dựa theo mong muốn của người bệnh từ 1-3 ngày cho các bệnh thông thường như: Ho, sốt, tiêu chảy…
BS.CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Một tình trạng chung hiện nay là khi bị sốt, tiêu chảy, ho… người dân thường đến các nhà thuốc tây gần nhà yêu cầu bán thuốc theo ngày nhưng lại bỏ ngang khi cảm thấy hết bệnh. Đó là chưa kể một số nhân viên y tế không có kinh nghiệm về sử dụng kháng sinh, ít hiểu biết về kháng thuốc có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân”.
Theo TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trên thị trường cũng rất khó quản lý và mặc dù Sở Y tế TP.HCM đã họp và yêu cầu các nhà thuốc chỉ được bán kháng sinh theo toa bác sĩ. Tuy nhiên, vì lợi ích riêng, các nhà thuốc vẫn bán thuốc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, tại các bệnh viện có khoảng 50% điều trị kháng sinh không thích hợp, bao gồm các trường hợp chọn kháng sinh sai, dùng kháng sinh bị đề kháng, điều trị quá mức hoặc không đủ.
Tự ý sử dụng kháng sinh không theo chỉ định có thể gây ra kháng thuốc, gây nguy hiểm cho người bệnh. (Ảnh: Đức Hùng). |
Tuy nhiên, không chỉ có bệnh nhân dùng sai kháng sinh mà lỗi còn xuất phát từ bác sĩ. TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết: “Nguyên nhân kháng sinh được kê toa bất hợp lý còn xuất phát từ việc các bác sĩ phải chịu áp lực lớn về lượng người bệnh khá đông, vì vậy họ không có thời gian đánh giá chi tiết tình trạng bệnh nhân trước khi kê thuốc. Điều này có thể gây nguy cơ không có khả năng điều trị đối với các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn”.
Theo các chuyên gia y tế, mỗi bệnh lý sẽ phù hợp với mỗi loại kháng sinh. Vì vậy việc sử dụng kháng sinh phải dựa trên nguyên tắc đủ liều lượng, đủ thời gian và đúng cách. Nếu sử dụng kháng sinh không đủ hoặc dư liều lượng đều có thể gây ra các trường hợp vi khuẩn đề kháng hay lờn thuốc.
Những trường hợp sử dụng kháng sinh không đủ liều lượng, số vi khuẩn còn lại trong cơ thể chưa bị tiêu diệt sẽ chuyển sang “chế độ ngủ” dần thích nghi với môi trường mới gây ra kháng thuốc và nhân rộng số lượng lớn. Riêng trường hợp sử dụng quá liều, tùy vào từng loại kháng sinh có thể gây ra độc tính, sốc phản vệ, độc thận…
Tại các bệnh viện xuất hiện rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn kháng thuốc và chỉ còn nhạy cảm một vài kháng sinh mới nhất. Điều trị những trường hợp này rất khó khăn mất rất nhiều thời gian và chi phí, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng chữa trị.