Nhấn mạnh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dành rất nhiều nguồn lực cho đầu tư công, nhất là năm 2024 có vai trò quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn của dự án; theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngay từ những ngày đầu năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho biết, năm 2024, tỉnh Hưng Yên được giao trên 19.921 tỷ đồng vốn đầu tư công và là một trong những địa phương có kế hoạch vốn lớn, tăng trên 4.890 tỷ đồng so với năm 2023; trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.326 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 18.595 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh Hưng Yên phấn đấu bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, góp phần thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, dự án công nghệ cao đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Cụ thể, năm 2024, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án thành phần 1.2 của Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô là bồi thường, hỗ trợ tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao với đường tỉnh lộ 378) tỉnh Hưng Yên, đi qua các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, dự án này khi hoàn thành sẽ tác động, lan tỏa rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thúc đẩy phát triển quỹ đất dọc hai bên đường, thu hút nhiều nhà đầu tư; đồng thời hình thành tuyến liên kết vùng kết nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với các tỉnh Thái Bình, Nam Định…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, cùng với việc tập trung nguồn lực thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, với kế hoạch vốn năm 2024, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng lĩnh vực như nông nghiệp, thủy lợi, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, bảo đảm kinh phí tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu....
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục lập, trình thẩm định, quyết định đầu tư các dự án để bảo đảm điều kiện phân bổ vốn theo quy định. Trên cơ sở dự toán số thu ngân sách năm 2024 được giao, các sở, ngành, địa phương tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, đáp ứng đủ nguồn vốn để đầu tư các chương trình, dự án theo dự kiến kế hoạch được giao.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu các ngành, các địa phương cần tập trung giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; tăng cường nhân lực có chất lượng cho quản lý đất đai xã, phường, thị trấn, quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Đồng thời, tăng cường đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với chất lượng công trình, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguyên vật liệu trong quá trình thi công.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng được 322/569 dự án với tổng diện tích gần 3.800 ha/5.000 ha.
Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng dự án xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên. Ngày 7/12/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 429/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên; đồng thời giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện dự án.
Đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy hơn nữa vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm. Đồng thời, chủ động nghiên cứu cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về Luật Đất đai, các văn bản quy định về thu hồi đất, bồi thường để triển khai thực hiện các dự án, công trình; bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án. Song song đó, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.