Mặc dù công suất tiêu thụ của các bóng đèn không lớn như những thiết bị điện khác (tủ lạnh, máy điều hòa không khí…) nhưng do sử dụng nhiều bóng và thời gian sử dụng lâu nên nó chiếm một khoản chi phí khá lớn trong tổng chi phí tiền điện của gia đình bạn. Những gợi ý sau sẽ giúp chúng ta tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng:
- Nên sử dụng loại đèn chiếu sáng có hiệu suất cao: Đèn dây tóc rẻ nhất khi mua nhưng lại tốn điện nhất khi dùng. Vì vậy nên chọn loại bóng đèn tiết kiệm điện như: đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8.
- Nên sử dụng ballast (tăng phô) điện tử: Các bóng đèn gắn kèm loại ballast điện tử sẽ tiết kiệm hơn khoảng 50% điện năng tiêu thụ so với sử dụng ballast truyền thống (ballast điện từ) và làm tăng gấp đôi tuổi thọ cho bóng đèn.
- Lắp đặt hợp lý: Thiết kế, lắp đặt bóng đèn hợp lý sẽ phát huy hiệu quả chiếu sáng của bóng đèn.
- Thường xuyên vệ sinh máng (chóa): Bóng đèn sẽ phát huy hiệu quả chiếu sáng vì một lớp bụi mỏng có thể làm giảm độ sáng từ 10-20%.
- Khi lắp đèn nên sử dụng máng/ chóa đèn: để phát huy hiệu quả chiếu sáng của bóng đèn.
- Đừng quên tắt bóng đèn ngay sau khi ra khỏi phòng.
Nên sử dụng loại đèn chiếu sáng có hiệu suất cao. |
Cách sử dụng hiệu quả máy điều hòa không khí
Trong suốt vòng đời tồn tại của một máy điều hòa không khí, chi phí đầu tư ban đầu chỉ chiếm khoảng 4-10% tổng chi phí; chi phí bảo trì, bảo dưỡng chiếm 1-2%; 90-95% còn lại là chi phí tiêu hao điện năng.
Vì vậy, để có thể tiết kiệm được khoản chi phí lớn nhất này chúng ta nên quan tâm đến hệ thống máy điều hòa không khí ngay từ khi bắt đầu dự định sử dụng nó, nghĩa là từ giai đoạn thiết kế phòng ốc, mua sắm thiết bị và sau đó là trong suốt quá trình sử dụng và bảo trì hệ thống.
Trong quá trình thiết kế không gian (phòng/ khu vực) dự định sử dụng máy điều hòa không khí chúng ta nên chú ý một số điểm sau:
- Tránh ánh nắng mặt trời chiếu nắng trực tiếp vào các cửa kính nhằm hạn chế hiệu ứng nhà kính.
- Tránh mở cửa sổ trực diện hướng Đông và đặc biệt là hướng Tây. Diện tích cửa sổ cần ở mức vừa phải, tỷ lệ diện tích cửa sổ so với diện tích vách phải bé hơn 25% đối với hướng Đông và Tây, và tỷ lệ này nhỏ hơn 30% đối với hướng Nam và Bắc.
- Trong trường hợp mở cửa sổ ở hướng Đông và Tây thì cần có biện pháp chống nắng như: sử dụng các dạng ô-văng, các lam che nắng; sử dụng các màn che (màn che có thể đặt phía trong hay ngoài nhưng đặt bên ngoài sẽ đạt hiệu quả tốt hơn); nên sử dụng màn che có màu sáng.
- Đối với các vách hướng Đông và Tây nên sử dụng vật liệu xây dựng có hệ số truyền nhiệt thấp hoặc có một lớp cách nhiệt cho vách; các tòa nhà với kiểu xây dựng có hành lang bên ngoài sẽ giúp tránh việc xâm nhập nhiệt này.
- Các vách tường cần được sơn màu sáng.
- Khoảng không gian giữa trần và mái cần được thông thoáng, đặc biệt đối với loại mái tole.
- Xung quanh tòa nhà cần có nhiều cây xanh.
Một vài lưu ý trong quá trình mua và sử dụng máy điều hòa không khí:
- Nên mua loại tốt, không nên mua loại quá cũ đã qua sửa chữa.
- Nên chọn loại máy điều hòa có công nghệ inverter tiết kiệm điện.
- Nên sử dụng loại máy có công suất tương thích với phòng. (ví dụ phòng có diện tịch 20-25 m2 thì công suất sử dụng thường là 1 HP).
- Không để thất thoát gió lạnh: làm kín các khe cửa sổ, cửa ra vào; hạn chế số lần mở cửa ra vào (lắp bộ lò xo đóng cửa tự động).
- Không để các nguồn nhiệt trong phòng.
- Cài đặt nhiệt độ lạnh hợp lý: ban ngày 24-250C, ban đêm (phòng ngủ) 25-270C.(ưu tiên tăng tốc độ quạt)
- Tắt máy lạnh khi không sử dụng và chỉ sử dụng máy lạnh khi thật cần thiết.
- Làm vệ sinh định kỳ máy (3-6 tháng/lần).
- Dàn nóng đặt nơi thoáng gió, không bị nắng chiếu trực tiếp.
- Dùng quạt thay cho máy lạnh.
Với máy điều hòa thì chi phí đầu tư ban đầu chỉ chiếm khoảng 4-10% tổng chi phí; chi phí bảo trì, bảo dưỡng chiếm 1-2%; 90-95% còn lại là chi phí tiêu hao điện năng. |
Cách sử dụng hiệu quả tủ lạnh, nồi cơm điện và máy quạt
Tủ lạnh:
+ Đặt tủ nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 10cm, tránh ánh nắng hoặc gần các nguồn nhiệt.
+ Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 – 6°C. Với chế độ đông lạnh thì để - 15°C đến -18°C. Cứ lạnh hơn 10°C là tốn thêm 25% điện năng.
+ Cài nhiệt độ các ngăn vừa phải, thường không cần mức lạnh nhất.
+ Không cho thức ăn còn nóng vào tủ.
+ Nên dùng đồ đựng bằng nhôm hay thép không rỉ thì thời gian làm lạnh sẽ được rút ngắn, điện được tiết kiệm hơn.
+ Không để lớp tuyết bám vào dàn lạnh (tủ đông tuyết) dày quá 5mm.
+ Khi đặt chai nước mát, bạn có thể quấn quanh chai nước bằng khăn ướt, như vậy chai nước sẽ nhanh lạnh hơn mà bạn sẽ không tốn nhiều điện năng.
Nồi cơm điện:
- Không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 đến 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng.
- Sử dụng nồi cơm điện có dung tích/ công suất phù hợp.
- Lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để tiếp xúc tốt hơn.
Quạt:
+ Quạt chỉ cần dùng ở tốc độ thấp hoặc trung bình là mát đều cả phòng.
+ Rút phích cắm quạt sau mỗi lần sử dụng.
+ Đặt quạt chạy ở chế độ vừa phải, cánh quạt càng quay nhanh bạn càng phải trả nhiều tiền điện.
Cách sử dụng hiệu quả bàn ủi:
+ Không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ, khi điện chập chờn hoặc là khi quần áo còn ướt sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng.
+ Lau sạch bề mặt kim loại của bàn ủi sẽ giúp bàn là hoạt động có hiệu quả hơn, hạn chế những vật bám dính lên bàn là.
+ Tập trung áo quần để ủi một lần để tận dụng sức nóng của bàn ủi. Sau khi rút phích cắm điện, bạn còn có thể ủi được thêm 2 bộ quần áo mỏng nữa vì nhiệt độ của bàn ủi tích lại khá lâu và trả số núm số 0 trước khi không sử dụng nữa
Máy giặt:
- Giặt khối lượng đồ phù hợp với công suất máy.
- Không nên chọn chế độ nước nóng, nếu thật sự không cần thiết.
- Chọn chế độ “tiết kiệm” nếu máy giặt bạn dùng có chế độ này.
- Nên đặt máy ở nơi thông gió, thoáng khí.
- Sau khi dùng xong, nên lau sạch các vết bẩn trong và ngoài máy giặt, tránh vi khuẩn sinh sôi.
- Không nên đặt máy trong nhà bếp, vì hơi nước, hơi dầu mỡ, hơi mặn... bám vào máy dễ làm ẩm, gỉ... máy giặt.
- Định kỳ một năm một lần tháo bánh sóng làm vệ sinh sạch sẽ những vết bụi bẩn bám lâu ngày.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để có biện pháp tra dầu mỡ vào những chi tiết quy định như các ổ trục của bộ phận chuyển động.
- Khi sử dụng máy giặt không nên bỏ đi, hay đi ngủ. Cần chú ý để xử lý những sự cố có thể xảy ra. Nếu thấy máy nóng hoặc phát ra tiếng động lạ nên ngưng giặt để kiểm tra.
Máy nước nóng:
- Nên sắp xếp thời gian tắm rửa bằng nước nóng của các thành viên trong gia đình gần nhau để tiết kiệm điện.
- Nên mua máy nước nóng loại tốt có lắp bộ an toàn điện, không nên mua loại cũ đã qua sửa chữa.
- Không nên cài đặt nhiệt độ nước quá nóng.
- Nên dùng vòi sen lưu lượng thấp.
- Nên sử dụng máy nước nóng trực tiếp thay cho máy nước nóng gián tiếp.
- Có điều kiện nên sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời.
Cách sử dụng hiệu quả máy vi tính, ti vi, đầu máy:
Máy vi tính, ti vi, đầu máy có lẽ là những vật dụng chúng ta thường sử dụng lãng phí nhất, đôi khi chỉ chút lười biếng, hoặc vì thiếu những hiểu biết nhất định, đơn cử như việc để các thiết bị này ở chế độ chờ nhiều giờ liền. Hãy cùng nhau chia sẻ những kiến thức sử dụng máy vi tính, ti vi, và đầu máy hiệu quả.
Máy vi tính:
- Tắt màn hình hoặc chọn chế độ ScreenSaver khi tạm dừng.
- Tắt máy và rút phích cắm khi không sử dụng.
- Nên sử dụng máy laptop hoặc sử dụng máy vi tính màn hình LCD.
Ti vi, đầu máy... và các thiết bị điện tử điều khiển từ xa:
- Tắt bằng nút power và rút phích cắm ra khỏi ổ cắm.
- Không nên để màn hình ti vi ở chế độ sáng quá để đỡ tốn điện.
- Nên chọn kích cỡ ti vi phù hợp với diện tích nhà bạn vì ti vi càng to càng tốn điện.
Quy định ngắt điện ổ cắm
Có hai cách ngắt điện vào thiết bị. Cách thứ nhất là nhấn công tắc, cách thứ hai là rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm. Cách thứ nhất không phải là ngắt điện tuyệt đối vì vẫn còn dòng điện rò chạy qua công tắc. Chỉ có cách thứ hai mới là ngắt điện tuyệt đối mà thôi.
Trên đây là các cách tiết kiệm điện đơn giản và hiệu quả mà các bạn có thể nghiên cứu để có phương pháp áp dụng phù hợp, sẽ rất hiệu quả và giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể hàng tháng.