Thấy khách dừng xe trước cửa, chị Hương - chủ một cửa hàng điện lạnh trên đường Cầu Giấy vồn vã mời chào: “Vào coi điều hoà đi em, điều hoà nhà chị nhập chính hãng, đảm bảo cho em giá cực kì ưu đãi”.
Để thuyết phục khách mua, chị Hương còn khẳng định thêm: “Hàng bãi Nhật sao so được với hàng chính hãng nhà chị, mà giá cũng không được tốt như này đâu”.
Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội, khi nhiệt độ có ngày đạt mức 40 độ C thì thị trường điện lạnh, điều hoà giá rẻ cũng theo đó mà nóng lên trông thấy. Những chiếc điều hoà mới tinh, được quảng cáo là nhập khẩu chính hãng giá chỉ từ 3 - 4 triệu đồng luôn trong tình trạng cháy hàng.
“Nếu em không quyết mua luôn bây giờ, chỉ một hai hôm nữa thôi anh đố em mua được với giá rẻ thế này”, anh Sơn - chủ một cửa hiệu chuyên bán điều hoà, tủ lạnh trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa nói.
Anh Sơn cho biết dịch bệnh khiến lượng hàng nhập về Việt Nam giảm hẳn, nhu cầu người dân tăng cao dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. “Khi ấy tất sẽ phải tăng thêm vài giá”, anh Sơn nói thêm.
Đi một vòng quanh các con phố chuyên bán đồ điện máy như Cầu Giấy, Nguyễn Lương Bằng,… ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những vỉa hè xếp chật kín hộp carton đựng điều hoà của hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ khác nhau. Nội địa cũng có mà nhập khẩu cũng nhiều.
“Rẻ lắm em, chỉ từ vài triệu là có ngay cái điều hoà chính hãng rồi, rẻ hơn cả quạt, tội gì không mua”. Chị Hương quảng cáo khi có khách ngỏ ý muốn mua điều hoà lắp đặt cho phòng trọ sinh viên.
Theo chị Hương, với mức giá tiền 4 - 4,5 triệu đồng là khách hàng có thể sở hữu một chiếc điều hoà chính hãng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Thậm chí nếu mua buôn với số lượng lớn, giá của những chiếc điều hoà này còn được giảm xuống dưới 3 triệu đồng/bộ.
Những sản phẩm siêu rẻ này đến từ các thương hiệu như Midea, Funiki, Casper, Nagakawa, Sumikura...
Theo khảo sát của chúng tôi, những chiếc điều hoà này thường có giá thành rẻ hơn so với chiếc cùng loại được bán tại các cửa hàng điện máy lớn từ 50% - 60%. Đơn cử, điều hoà Midea 9000 BTU, 1 chiều không inverter đang được hệ thống Điện Máy Xanh bán với giá 6,19 triệu đồng. Trong khi đó, cùng loại này tại các cửa hàng trôi nổi trên thị trường, sản phẩm chỉ có giá khoảng 4,2 triệu đồng.
Tất cả những dòng điều hoà giá rẻ này đều có đặc điểm chung là không được trang bị công nghệ tiết kiệm điện inverter, và chỉ có công suất tối đa 9.000 BTU, dùng cho phòng diện tích dưới 15m2.
Tuy nhiên, theo người bán quảng cáo, mặc dù có giá mềm và bị cắt giảm inverter, nhưng những sản phẩm này vẫn đảm bảo trang bị đầy đủ các công nghệ tiên tiến mới nhất như phát ion lọc không khí, hút ẩm, kháng vi khuẩn và mùi.
Đặc biệt, một số dòng điều hoà như Nagakawa, Sumikura được nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia còn có lớp phủ chống ăn mòn cho dàn nóng, ống thoát nước 2 chiều, cảnh báo rò rỉ gas, cảm biến nhiệt độ, chức năng tự làm sạch dàn lạnh,… những tính năng không khác gì, thậm chí còn vượt trội hơn so với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng khác.
Theo ông Long, một người có thâm niên 20 năm kinh doanh đồ điện lạnh trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, nếu những năm trước nhiều người còn chuộng dùng đồ bãi Nhật thì năm nay không còn ai mặn mà với mặt hàng này.
Công nghệ cũ, linh kiện hiếm, sửa chữa khó khăn, chất lượng không đảm bảo… là những yếu tố khiến máy lạnh bãi Nhật bán chậm hẳn, theo ông Long.
“Từ đầu mùa nóng đến nay, tôi mới chỉ bán được 1 - 2 chiếc máy lạnh bãi. Có ai mua đâu”, ông Long nói.
Trong khi đó, các dòng sản phẩm điều hoà giá siêu rẻ, nhỉnh hơn so với giá hàng bãi chỉ từ vài trăm đến một triệu đồng đã ồ ạt đổ về, xâm chiếm thị trường khiến hãng bãi Nhật không còn chỗ đứng.
“Có những hôm đỉnh điểm, một buổi chiều tôi phải chở khoảng 20 bộ điều hoà đi giao ở khắp nơi, từ Cầu Giấy, Đống Đa đến Hà Đông”, anh Cường, một nhân viên lắp đặt tại một đại lí điện lạnh trên đường Nguyễn Lương Bằng cho hay.
“Thậm chí có những nơi tôi chỉ kịp chở hàng đến rồi để đó, hẹn hôm sau mới quay lại lắp, vì không kịp. Cả cửa hàng chỉ có 4 nhân viên lắp đặt thì tất cả đều đã kín lịch”, anh Cường nói thêm.
Trong khi đó, anh Sơn (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho biết vì giá rẻ, hút khách nhưng lượng hàng trong kho có hạn bởi khó khăn trong việc nhập hàng giữa thời dịch, nên giá của những chiếc điều hoà này cũng đã tăng khoảng 200.000 - 300.000 đồng so với vài ngày trước đó.
“Nếu không mua sớm thì mấy hôm nữa không còn được giá tốt như thế này đâu”, anh Sơn cảnh báo.
“Cung không đủ cầu thì giá tăng là đúng thôi. Nhưng có tăng mấy thì vẫn rẻ hơn giá tại các hệ thống lớn”, chủ cửa hàng điện lạnh khẳng định.
Mặc dù có giá rẻ, phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng là công nhân lao động hay sinh viên, người mới đi làm,… tuy nhiên chất lượng của những chiếc điều hoà được quảng cáo là “chính hãng” này vẫn còn là một ẩn số.
Nhiều người gọi vui đây là điều hoà “3 không”: không inverter, không bảo hành và không hoá đơn.
Mặc dù sẵn sàng chấp nhận cắt giảm công nghệ inverter không cần thiết để có thể mua được bộ điều hoà giá rẻ, nhưng chế độ hậu mãi, bảo hành và đặc biệt là nguồn gốc của sản phẩm không khỏi khiến người mua lăn tăn khi xuống tiền.
Tất cả các cửa hàng đều khẳng định những chiếc điều hoà siêu rẻ này này là hàng chính hãng, nhập trực tiếp từ công ty phân phối ở Việt Nam, tuy nhiên lại chỉ có thời hạn bảo hành tổng thể hai năm, không hơn và bắt buộc phải thông qua cửa hàng.
Trong khi đó, tại các hệ thống lớn như Pico, Điện Máy Xanh, cùng một loại điều hoà như thế có thời gian bảo hành tổng thể 3,5 năm, thậm chí là 5 năm, trong đó hệ thống máy nén có hãng như Casper bảo hành lên tới 10 năm.
Điều hoà là một thiết bị sử dụng lâu dài, do đó thời hạn bảo hành, bảo trì là cực kì quan trọng với người tiêu dùng. Theo anh Hà, nhân viên tại Điện Máy Xanh trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, khách hàng nếu mua sản phẩm trôi nổi, không được bảo hành kĩ càng, khi xảy ra hỏng hóc chi phí sửa chữa sẽ rất tốn kém, thậm chí còn đắt hơn so với giá mua ban đầu.
Không chỉ mập mờ trong điều kiện bảo hành, hậu mãi, những chiếc điều hoà siêu rẻ được bán đổ đống trên vỉa hè còn không thể chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Mặc dù khẳng định chắc nịch là hàng công ty, chính hãng nhưng khi ngỏ ý cần hoá đơn thì một cửa hàng điện lạnh trên đường Cầu Giấy lắc đầu, nói không thể xuất hoá đơn đỏ.
“Có thể xuất, nhưng anh phải đợi và mất thêm phí”, một cửa hàng khác cho hay.
Theo quan sát của chúng tôi, trên những thùng carton đựng điều hoà này vẫn có đầy đủ tem mác hàng hoá, tuy nhiên độ tin cậy của nó đến đâu thì không thể kiểm chứng. Đặc biệt sau những thông tin không rõ ràng về sản phẩm và giá bán quá hời không thể tin được cho những chiếc máy lạnh “chính hãng”.
Chị Kim Ngân, nhân viên siêu thị điện máy Pico, cho biết các cửa hàng nhỏ lẻ có lợi thế là không tốn chi phí mặt bằng nhiều, kho bãi, nhân công, quảng cáo,… nên có thể giảm giá thành để cạnh tranh với các hệ thống lớn. Tuy nhiên, việc giá thấp hơn tới 50% - 60% là điều không thể.
Ngoài ra, khi mua hàng tại các hệ thống lớn, người mua còn được miễn phí vật tư lắp đặt, chi phí nhân công, bảo dưỡng định kì. Trong khi đó tại các cửa hàng nhỏ lẻ, những dịch vụ này gần như bị cắt giảm toàn bộ, và khách hàng phải trả thêm hơn một triệu đồng để mua ngoài vật tư, trả phí thuê người lắp đặt,... Do đó, điều hoà siêu rẻ có vẻ rẻ nhưng thực chất lại không được như thế.
Tiêu dùng 13:25 | 03/06/2020
Tiêu dùng 12:43 | 28/05/2020
Tiêu dùng 07:01 | 27/04/2019
Kinh doanh 02:44 | 05/06/2017
Kinh doanh 09:06 | 04/06/2017
Kinh doanh 23:00 | 03/06/2017
Kinh doanh 10:31 | 03/06/2017
Kinh doanh 10:13 | 03/06/2017