Mới đây, một số phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đã có đơn kiến nghị cho rằng, nhà trường đã tiến hành thu sai quy định một số khoản thu như học Tiếng Anh, tiền mua máy chiếu, điều hòa, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền mua đồng phục học sinh trong năm học 2017 - 2018.
Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Dương Hưng. |
Đặc biệt, có vị phụ huynh tỏ ra khá bức xúc khi có con học lớp 1 tại đây nhưng phải đóng khoản "tự nguyện" này lên tới 1,5 triệu đồng. Trong đó, tiền mua máy chiếu là 500.000 đồng, tiền (dự trù) mua điều hòa là 1.000.000 đồng. Vị này thắc mắc, dù là lớp 1 nhưng mức đóng 1,5 triệu đối với những lao động bình dân như chị này là quá cao.
"Hơn nữa, đã gọi là tự nguyện thì tại sao lại tính cào bằng là mỗi cháu là 1,5 triệu đồng để mua điều hòa, máy chiếu như vậy? Năm nay vào lớp 1 phải đóng như vậy, không biết sang năm có còn phải đóng tiền điều hòa, máy chiếu nữa không", một phụ huynh đặt câu hỏi.
Trước những cáo buộc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng nhà trường để làm rõ hơn các thông tin này. Vị hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã có báo cáo trả lời bằng văn bản gửi tới các cấp lãnh đạo địa phương cũng như Phòng GD&ĐT Đông Anh.
Bà Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
Bà Nguyễn Thị Đào thông tin: "Chiều nay (15/9), nhà trường sẽ triển khai họp phụ huynh để trả lại số tiền máy chiếu, điều hòa mà đại diện phụ huynh đã thu. Trong đó có 7 lớp khối 1 và 2 lớp khối 3. Riêng 2 lớp khối 3 thì có một lớp đã trả lại vào chiều hôm qua. Còn các lớp khác tuy có triển khai họp nhưng chưa thu tiền nên không phải thực hiện đóng nữa.
Trước đây nhiều phụ huynh muốn lắp điều hòa cho học sinh nhưng do đường dây điện của nhà trường quá tải nên nhà trường chưa cho lắp. Đến tháng 8 vừa qua, hệ thống điện của nhà trường đã được nâng cấp, làm mới nên nhà trường nhận được đề nghị của 11 lớp lắp điều hòa trên tinh thần xã hội hóa.
Nếu đầy đủ 100% phụ huynh đồng ý, chúng tôi cũng sẽ tiến hành. Các phụ huynh đứng ra họp bàn với nhau để lựa chọn nhà thầu, sau khi lắp đặt xong có thể bàn giao cho nhà trường để quản lý. Mong muốn của các vị phụ huynh là chính đáng. Nhưng cách làm như vậy là chưa ổn. Khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đầu tiên phải dựa trên tính nhu cầu, nguyện vọng của gia đình cũng như nhà trường.
Tiếp đó là thiết lập các văn bản để trình lãnh đạo cấp trên phê duyệt, nếu được thì mới thực hiện. Trong khi thực hiện cũng cần phải có bộ phận giám sát, tiếp nhận thu, chi tài chính, có chế độ thanh quyết toán và thông báo công khai.
Văn bản thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh về một số khoản đóng góp tự nguyện do nhà trường in ra. |
Bà Đào cũng giải thích, trên tinh thần dự toán tạm thu, có lớp nộp 400.000 - 800.000 - 1 triệu đồng/học sinh. Tuy nhiên, đến nay số lượng phụ huynh đóng tiền điều hòa mới chỉ rải rác ở một số lớp của khối 1. Số tiền này phụ huynh đứng ra tạm thu còn nhà trường và giáo viên không thu.
Trong quá trình triển khai, phụ huynh đã đưa danh sách cho giáo viên và đề nghị rằng nếu có em nào nộp thì các cô giáo đứng ra thu hộ. Sau khi thu xong thì chuyển số tiền này cho Ban đại diện phụ huynh. Hiện tại, phụ huynh vẫn chưa lập kế hoạch và chưa trình kế hoạch cụ thể lên để nhà trường phê duyệt.
Về việc đóng tiền dạy Tiếng Anh, bà Nguyễn Thị Đào cho biết: Mỗi học sinh có một bản đăng kí thỏa thuận, em nào học thì mới cho học còn không học thì thôi. Theo khung chương trình dạy học của lớp 3, 4, 5 sẽ có 2 tiết có giáo viên biên chế về dạy mà không phải thu tiền. Riêng lớp 1 lớp 2 thì không có chương trình này, mà chỉ có 35 tiết.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập nhà trường thực hiện liên kết đào tạo Tiếng Anh, nên hỗ trợ cho học sinh lớp 1, lớp 2 thêm 2 tiết thành 37 tiết. Nhưng phụ huynh nào đăng ký cho con học thì đi học, chứ nhà trường không ép buộc. Đến nay, nhà trường đã tiến hành thực hiện theo tinh thần tự nguyện.
"Về vấn đề đồng phục học sinh, nhà trường thực hiện đúng theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT. Lựa chọn nhà may nào, mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu và giá cả mỗi bộ ra sao đã được Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với BGH xem xét, thống nhất lựa chọn ngay từ năm đầu tiên triển khai.
Nhà trường đã lựa chọn được hai đơn vị cung cấp đồng phục mùa hè - mùa đông và đồng phục thể thao có uy tín nên không có chuyện mỗi bộ đồng phục cao hơn giá thị trường ít nhất là 20.000 đồng như trong đơn thư. Việc triển khai cho học sinh may thêm một bộ đồng phục thể thao theo tinh thần tự nguyện là để tạo cho các em có trang phục gọn gàng, thoải mái phù hợp với những giờ thể dục.
Em nào có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo nhà trường vẫn may tặng các em một bộ đồng phục tùy nhu cầu của các em. Tính đến ngày 5/9, toàn trường đăng ký may gần 1.000 bộ đồng phục thể thao, 957 bộ đồng phục mùa hè trên tổng số 1.820 học sinh. Nhà trường đã thực hiện chủ trương may đồng phục cho học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và sự tự nguyện của phụ huynh học sinh", bà Đào cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Sáu - Trưởng Phòng GD&ĐT Đông Anh cho biết: "Ngày 12/9, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, Sở Giáo dục Hà Nội và lãnh đạo Phòng cũng đã tới Trường Tiểu học Uy Nỗ để tiến hành kiểm tra. Qua đó, chúng tôi đã yêu cầu nhà trường cần siết chặt quản lý thu chi đầu năm theo tinh thần chỉ đạo mà lãnh đạo đã quán triệt từ lúc chưa vào năm học. Đồng thời, thắc mắc của một số phụ huynh về việc thu tiền xã hội hóa khoản mua điều hòa, máy chiếu chúng tôi cũng nắm được và yêu cầu nhà trường báo cáo cụ thể. Theo đó, những vị phụ huynh nào đã đóng tiền lắp đặt máy chiếu, điều hòa sẽ phải được trả lại số tiền đã tạm đóng". |
Phụ huynh đóng gần chục triệu đầu năm nhưng... 'không có biên lai' Khi đóng tiền đầu năm học 2017 - 2018 cho con, nhiều phụ huynh ở Hà Nội phản ánh việc nhà trường không hề viết ... |