Khi mâu thuẫn trong quan hệ của vợ chồng trở nên trầm trọng, cuộc sống vợ chồng không chia sẻ được với nhau, mục đích cuộc hôn nhân không đạt được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án xem xét cho ly hôn để chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai người.
Theo quy định của pháp luật thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên trường hợp vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn (nhưng người vợ vẫn có quyền yêu cầu xin ly hôn).
Căn cứ pháp lý - Luật Hôn nhân và gia đình 2014 - Bộ luật Dân sự - Bộ luật tố tụng Dân sự - Luật Tổ chức Tòa án nhân dân - Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP |
Thủ tục ly hôn được tiến hành tại Tòa án theo quy định tại Luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các bước tiến hành thủ tục ly hôn được Tòa án giải quyết theo trình tự khác nhau tùy thuộc vào quyết định (thuận tình hay không thuận tình), điều kiện của các bên khi yêu cầu Tòa án. Nói chung, khi tiến hành ly hôn thường chia thành các dạng như sau:
- Ly hôn thuận tình (đồng thuận ly hôn).
- Ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu một bên; có tranh chấp về chia tài sản, quyền trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng cho con).
- Yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật.
- Ngoài ra còn lưu ý thêm khi ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Hướng dẫn thủ tục ly hôn theo luật Hôn nhân và gia đình - Ảnh minh họa. |
Thuận tình ly hôn
Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Thuận tình ly hôn thì: "Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn".
Điều kiện để Tòa án nhận đơn, thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là vào thời điểm viết đơn, ký đơn, gửi đơn vợ chồng cùng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Bên cạnh đó việc thỏa thuận của vợ chồng phải đảm bảo được quyền lợi chính đáng của vợ và con, đặc biệt là của con nhỏ.
Theo hướng dẫn tại Mục 9, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Trong trường hợp Toà án hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải đoàn tụ không thành.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn.
+ Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
+ Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Trong trường hợp hoà giải tại Toà án mà thiếu một trong các điều kiện được nêu tại điểm a mục này thì Toà án lập biên bản về việc hoà giải đoàn tụ không thành về những vấn đề hai bên không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình: Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện nay không quy định cụ thể thời hạn giải quyết đối với “việc dân sự” yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (Nhưng thực tế thời gian này sẽ nhanh hơn so với thời gian giải quyết vụ án đơn phương xin ly hôn).
Ly hôn đơn phương (Ly hôn theo yêu cầu của 1 bên)
Ly hôn đơn phương là ly hôn theo yêu cầu của 1 bên vợ/chồng được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia".
Theo hướng dẫn tại Mục 10, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
- Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì Toà án phải tiến hành hoà giải. Nếu hoà giải đoàn tụ thành mà người yêu cầu xin ly hôn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án áp dụng điểm 2 Điều 46 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Nếu người xin ly hôn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ thành. Sau 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không phản đối thì Toà án ra quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành. Quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
- Trong trường hợp hoà giải đoàn tụ không thành thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ không thành, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
- Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn.
Như vậy cần lưu ý, trong trường hợp ly hôn đơn phương, tòa án chỉ thụ lý giải quyết cho ly hôn khi có căn cứ ly hôn, trong trường hợp không có căn cứ ly hôn thì tòa án có quyền bác đơn ly hôn.
Thời gian giải quyết việc ly hôn đơn phương:
Thời hạn chuẩn bị xét xử: 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Lưu ý, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có thể lâu hơn.
Thời hạn mở phiên tòa: Từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Hồ sơ khởi kiện xin ly hôn gồm có: - Đơn xin ly hôn (theo mẫu của từng Tòa); - Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); - Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực) - CMND/hộ chiếu (bản sao có chứng thực); - Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực - nếu có); - Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung. Lưu ý: - Một số Toà án yêu cầu trước khi nộp hồ sơ ly hôn phải qua thủ tục hoà giải tại cơ sở (UBND cấp xã/phường). - Một số Toà án yêu cầu trước khi nộp hồ sơ ly hôn phải có xác nhận về nơi cư trú thực tế của bị đơn (Công an cấp xã/phường xác nhận). - Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điện. |
Cơ quan giải quyết ly hôn
Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Tòa án có thẩm quyền xét xử các vụ án ly hôn là Tòa án nhân dân cấp Quận/Huyện.
Đối với các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài) thì Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố có thẩm quyền xét xử.
Hồ sơ và các bước tiến hành thủ tục ly hôn: Tùy theo từng dạng yêu cầu ly hôn có các biểu mẫu, giấy tờ khác nhau.
Một số lưu ý khi làm thủ tục ly hôn:
Vợ đang mang thai, con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương (khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Đối với trường hợp ly hôn thuận tình cần xác định là đã thống nhất vấn đề gì trong các vấn đề về quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, tài sản.
Hai vấn đề về quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con thì phải giải quyết cùng nhau. Tài sản có thể tự thỏa thuận hoặc tách ra thành một vụ án độc lập sau khi đã ly hôn.
Có thể yêu cầu Tòa án nơi làm việc của Bị đơn giải quyết khi không xác định được nơi cư trú của bị đơn.
Luật gia Đồng Xuân Thuận