Video những cây cầu trong tương lai giúp giảm ùn tắc cầu Chương Dương.
Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận.
Từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cầu Chương Dương thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm.
Mặc dù từ lâu, Hà Nội có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện lân cận như cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy nhưng cầu Chương Dương vẫn không được giảm tải.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Huy ( 57 tuối, Ngọc Thụy, Long Biên) cho biết, từ những năm 2002, tình trạng ùn tắc đã xảy ra ở ở khu vực cầu Chương Dương.
"Trong vòng chục năm trở lại đây, lưu lượng phương tiện qua cầu Chương Dương ngày càng nhiều nên việc ùn tắc xảy ra gần như hàng ngày", ông Huy nói.
Theo ông Huy, vào giờ cao điểm, lượng xe ô tô đặc biệt là xe buýt xếp hàng dài trên đường Nguyễn Văn Cừ cũng gây ùn tắc và đẩy người đi xe máy lên vỉa hè.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản GTVT, mặc dù Hà Nội đã xây dựng nhiều cây cầu khác để kết nối với nội thành như Vĩnh Tuy, Nhật Tân.
Tuy nhiên, các cây cầu này nằm xa cầu Chương Dương do đó người dân vẫn có thói quen chọn cầu này để vào nội đô dẫn đến tình trạng quá tải vào giờ cao điểm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhằm kéo giảm ùn tắc cầu Chương Dương, vào giờ cao điểm, ở hai đầu cầu luôn có lực lượng CSGT túc trực, phân luồng giao thông. Tuy nhiên, việc có mặt của cơ quan chức năng cũng chỉ giúp giảm bớt xung đột và tắc cứng chứ khó có thể hóa giải ùn tắc cầu Chương Dương.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, để giảm tải, giảm ùn tắc cầu Chương Dương, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu xây dựng cầu mới gần cầu Chương Dương nhằm chia sẻ bớt lượng phương tiện.
Theo qui hoạch, gần cầu Chương Dương có 2 cây cầu khác là Tứ Liên và Trần Hưng Đạo. Đây là 2 cầu có khoảng cách không xa cầu Chương Dương và được kì vọng chia sẻ bớt phương tiện.
Với cầu Tứ Liên, phương tiện của huyện Đông Anh có thể di chuyển vào nội đô nhanh chóng thay vì đi qua cầu Đông Trù và về Nguyễn Văn Cừ để lên cầu Chương Dương.
Còn với cầu Trần Hưng Đạo, phương tiện từ Nguyễn Văn Cừ có thể di chuyển qua phố Hồng Tiến, đường đê Xuân Quan - Long Biên để lên cầu. Ngoài ra, phương tiện từ Gia Lâm đi đường Cổ Linh cũng không cần phải qua cầu Chương Dương mà có thể đi thẳng lên cầu Trần Hưng Đạo để vào nội đô.
Bên cạnh đó, theo qui hoạch, nút giao chân cầu Chương Dương cũng sẽ được xây dựng trong tương lai. Với nút giao này, phương tiện có thể lên cầu nhanh hơn và thoát ùn tắc sớm.
Qui hoạch nút giao cầu Chương Chương. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn/Google).