Bà Georgieva, người từ lâu đã ủng hộ việc phân bổ mới quyền rút vốn đặc biệt (SDR), như đã được thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, cho rằng làm như thế sẽ huy động được nhiều tiền hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế cộng đồng do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ số hóa và xanh hóa nền kinh tế toàn cầu.
Dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, Mỹ, "cổ đông" lớn nhất của IMF, đã ngăn chặn việc phân bổ mới SDR, một động thái giống như việc ngân hàng trung ương in tiền, bởi nó sẽ cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho các nước giàu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến cùng với bà Georgieva, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson, kiêm Chủ tịch Ủy ban thường trực của IMF, cho rằng nhu cầu thanh khoản vẫn rất lớn và bà sẽ tham khảo ý kiến của các nước thành viên về các lựa chọn mở rộng thanh khoản.
Bà Andersson, người châu Âu đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế của IMF trong hơn 12 năm qua, đã bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm của mình vào ngày 18/1 vừa qua.
Bà Georgieva cho biết, IMF đã nhanh chóng tăng cường tài trợ ưu đãi cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm cả việc các nước thành viên tài trợ khoảng 20 tỷ USD trong các SDR hiện có. Bà nhấn mạnh, điều đó sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, nhưng vẫn cần có những bước tiến xa hơn nữa.
Bà Georgieva cho biết, việc phân bổ mới SDR chưa bao giờ được các thành viên IMF đưa ra bàn luận.
Bà cho biết thêm rằng, việc bán vàng từ kho dự trữ của IMF có thể tạo thêm một số chi phí cơ hội đối với IMF, nhưng điều này sẽ tùy thuộc vào các thành viên.
Người đứng đầu IMF kỳ vọng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ gia hạn lệnh hoãn thanh toán nợ hiện tại của các nước nghèo nhất, dự kiến kết thúc vào tháng 6/2021.
Tuy nhiên, điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu trong những tháng tới.