Được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 11/2009, tuyến cáp quang biển Liên Á (Intra-Asia, IA) có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế ban đầu là 3,84 Tbps, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Đây là tuyến cáp kết nối giữa Singapore, Philippines, Hong Kong, Nhật Bản và Việt Nam. Theo thông tin từ một ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet), tuyến cáp này vừa gặp sự cố vào sáng 10/1/2017 ở gần Hong Kong.
Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hướng kết nối Internet giữa Việt Nam và Hong Kong thông qua tuyến IA. Đồng thời, đẩy kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế vào cảnh khó khăn hơn bởi chỉ cách đây 2 ngày, tuyến cáp quang biển chính là AAG bị sự cố rò điện và chưa thể khắc phục xong trước ngày 18/1/2017. AAG hiện chiếm khoảng 60% dung lượng băng thông kết nối Việt Nam đi quốc tế. Vị trí rò điện mới nhất của AAG ở gần vùng biển Vũng Tàu (Việt Nam).
Các nhà mạng tại Việt Nam đã chủ động định tuyến Internet sang các tuyến cáp quảng biển và đất liền khác để đảm bảo mạng lưới, trong đó có IA. Cáp IA được nhiều nhà mạng tại Việt Nam như FPT Telecom, Viettel, CMC, VNPT... sử dụng tuy nhiên lưu lượng không quá nhiều. Lần gần đây nhất tuyến cáp IA bị đứt là vào cuối tháng 6/2016 và phải tới trung tuần tháng 7/2016 sự cố mới được khắc phục hoàn toàn.
Bên cạnh những tuyến cáp đang được khai thác, tuyến cáp quang biển mới Asia Pacific Gateway (APG) vừa đưa vào vận hành được kỳ vọng hỗ trợ chất lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, giảm phụ thuộc vào AAG. APG có tổng chiều dài 10.400 km, băng thông tối đa 54 Tbps, trong khi của AAG chỉ 2,88 Tbps. Hiện các nhà mạng khai thác APG ở mức 4 Tbps.
Trên thực tế, những năm gần đây tuyến AAG liên tiếp gặp trục trặc nên các nhà mạng tại Việt Nam đã quen và có phương án đối phó kịp thời nhằm tránh ảnh hưởng đến người dùng trong nước. Nhờ đó, quá trình sửa chữa được rút ngắn, tình trạng mạng chập chờn, chậm chỉ kéo dài từ vài ngày tới một tuần.