Kế hoạch kinh tế đầy tham vọng của ông Biden có thể phải chờ Covid-19 kết thúc

Ông Joe Biden đã đề xuất một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng. Tuy nhiên nếu đắc cử tổng thống thì ông Biden có thể sẽ phải tập trung giải quyết đại dịch Covid-19 trước rồi mới an tâm thực hiện cuộc cải tổ lớn mà mình mong đợi từ lâu.

Mùa xuân vừa qua, cựu Phó Tổng thống Joe Biden từng đề cập đến một loạt chính sách kinh tế mới, trải dài từ tính đúng đắn của thuế tài sản, cải cách để giảm bất bình đẳng kinh tế đến các đề xuất lớn để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, dù ông Biden chiến thắng vang dội vào tháng tới và cho phép Đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng cùng hai viện của Quốc hội thì kế hoạch kinh tế tham vọng của ông sẽ phải gạt sang một bên cho đến khi cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 kết thúc.

Dù chiến thắng của ông Biden có thể thay đổi phản ứng của Mỹ với đại dịch, ông còn phải khôi phục niềm tin của công chúng vào các hoạt động như ăn uống ở nhà hàng, từ đó đưa đời sống kinh tế của nước Mỹ trở lại bình thường.

Nói tóm lại, ông Biden sẽ phải xử lí các bất ổn xoay quanh vấn đề vắc xin, hành vi của công chúng và cách tiếp cận khác nhau của từng địa phương đối với một cuộc khủng hoảng y tế chung.

Ông Jared Bernstein, cố vấn kinh tế của ứng viên Biden, nhận xét: "Thật khó để tưởng tượng kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ và bền vững nếu thiếu chiến thắng trước đại dịch Covid-19".

Theo cố vấn Bernstein, ông Biden có thể sẽ cần cung cấp một gói cứu trợ khác để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua cuộc suy thoái hiện nay. Sau đó, ông Biden nên thực hiện "chương trình nghị sự lâu dài hơn" về đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc mở rộng chính sách y tế.

Reuters dẫn lời ông Bernstein nhấn mạnh, tập trung vào xử lí đại dịch và suy thoái kinh tế nên đi đôi với các mục tiêu dài hạn. Ví dụ, mở rộng và cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em có thể giúp phụ huynh trở lại làm việc, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể tạo ra công việc mà người lao động đang rất cần.

Tuy nhiên, với tình trạng nền kinh tế Mỹ trước bầu cử như hiện nay thì ông Biden cần cung cấp cứu trợ và cải thiện hệ thống y tế hơn là tập trung vào hoạch định chính sách kinh tế mới để lan tỏa khát vọng của Đảng Dân chủ.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với đại dịch Covid-19 vẫn đanh hoành hành trên đất Mỹ, hậu quả của 22 triệu việc làm bị xóa sạch, người dân chưa thể tự tin quay lại cuộc sống cũ và các ngành công nghiệp quan trọng bị suy giảm nhu cầu.

Kế hoạch kinh tế tham vọng của ông Biden phải đắp chiếu  chờ đại dịch COVID-19 kết thúc - Ảnh 1.

Những vết sẹo kinh tế mới

Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng của PGIM Fixed Income, nhận thấy một loạt vấn đề đáng lo ngại: Người dân khó tìm việc làm hơn, năng lực sản xuất của nền kinh tế thấp hơn và tài chính của nhiều hộ gia đình và như doanh nghiệp sẽ bị siết chặt hơn.

"Liệu tài chính yếu đi có khiến tiêu dùng, đầu tư giảm xuống và mọi người ít chấp nhận rủi ro hơn không? Theo tôi thì đây chính là những vết sẹo mới xuất hiện", ông Sheets nói.

Điều này đặt ra câu hỏi là khi đắc cử, ông Biden sẽ quyết định phân bổ ngân sách liên bang để viện trợ trực tiếp cho người dân và chính quyền địa phương hay rót vốn cho kế hoạch cải cách kinh tế "Build Back Better" của ông và liệu có nên tăng thuế như đã hứa trong thời kì suy thoái hay không.

Các kế hoạch kinh tế tham vọng hơn của ông Biden không chỉ phụ thuộc vào đại dịch, mà còn liên quan đến thành phần của Quốc hội Mỹ.

Ông Biden ưu tiên các kế hoạch kinh tế lớn, song "nếu Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát thì ông sẽ phải thu hẹp đáng kể các đề xuất của mình", theo nhận định của bà Neera Tander, Chủ tịch của Trung tâm Tiến bộ Mỹ.

Dù vậy, cải cách lớn trong một cuộc khủng hoảng không phải là điều khó xảy ra. Cựu Tổng thống Barack Obama phải bắt tay vào xử lí cú sốc tài chính và suy thoái kinh tế khi trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 2009, song ông vẫn thông qua được Đạo luật Chăm sóc Y tế Phải chăng (Obamacare) một năm sau.

"Bộ mặt của một tổng thống đương nhiệm"

Reuters nhận định, cuộc chuyển giao quyền lực sẽ không dễ dàng nếu ông Biden thắng cử.

Vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển, nhưng thời gian tiêm chủng chưa rõ ràng và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một bộ phận công chúng ngần ngại tiêm vắc xin.

Ông Doughlas Holtz-Eakin, cố vấn chính sách của Đảng Cộng hòa, cho biết: "Ông Biden sẽ chịu trách nhiệm khôi phục lòng tin và vạch ra một hướng đi mới cho đất nước sau ngày ông đắc cử".

"Ông Biden cần phải chuẩn bị để nhanh chóng mang bộ mặt của một tổng thống đương nhiệm, đề xuất nhân sự có trình độ và biết cách điều hành các cơ quan nhà nước như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ", ông Holtz-Eakin nhấn mạnh.

Điều đó có thể thu hút sự chú ý của công chúng đến tầm nhìn lớn về một nền kinh tế mới nhằm mang lại kết quả và cơ hội công bằng hơn cho nhiều nhóm người, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người da màu và da trắng, và tiến tới tập hợp nguồn cung năng lượng bền vững hơn.

Có một ẩn số lớn cho chính quyền ông Biden: Đại dịch sẽ mất bao lâu để kết thúc?

Các nhà kinh tế dự đoán sản lượng kinh tế Mỹ có thể ở dưới mức trước đại dịch thêm một năm và để tỉ lệ thất nghiệp quay về mức thấp hồi năm 2019 còn lâu hơn.

Đối với tân Tổng thống Biden, lực cản kinh tế dai dẳng càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch chưa được kiểm soát.

"Chỉ cần dịch bệnh bùng lên cũng có thể khiến người ta lo lắng về các ca nhiễm và tử vong mới, thậm chí còn buộc họ phải tự cách li ở nhà nhiều hơn. Nền kinh tế sẽ lại bị đánh gục", bà Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng của Standard & Poor nhận định.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.