Kêu gọi đầu tư sân bay và khu đô thị Gò Găng tại TP Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sẽ xây sân bay Gò Găng theo hướng kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án cùng với dự án khu đô thị Gò Găng.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải nghiên cứu ý kiến của Bộ Quốc phòng và quy định của pháp luật để tham mưu UBND tỉnh quy trình, thủ tục triển khai dự án sân bay Gò Găng.

Cụ thể, tỉnh sẽ xây sân bay Gò Găng theo hướng kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án cùng với dự án khu đô thị Gò Găng. Các sở ngành trên phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/3 để trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương.

Kêu gọi đầu tư sân bay và khu đô thị Gò Găng tại TP Vũng Tàu - Ảnh 1.

Đảo Gò Găng nhìn từ trên cao. (Ảnh: baria-vungtau.gov.vn).

Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết việc di dời sân bay Vũng Tàu nằm ở trung tâm TP Vũng Tàu là một chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở, đảo Gò Găng thuộc địa phận xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, được lựa chọn đầu tư xây dựng sân bay Gò Găng để thay thế sân bay Vũng Tàu vì có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí, quỹ đất, thuận tiện cho việc khai thác của các đơn vị.

Quy mô là sân bay trực thăng cấp III, sân bay quân sự cấp II khi có nhu cầu và sân bay dân dụng cấp 3C (ICAO) trong tương lai. Trong đó, diện tích khu Tổng công ty trực thăng Việt Nam quản lý 91,25 ha, diện tích đất khu bay dùng chung 75 ha, diện tích khu hàng không chung 20 ha và diện tích khu dịch vụ phát triển hàng không 62,25 ha.

Ước toán tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng.

Vào đầu năm 2021, tại cuộc họp với lãnh đạo TP Vũng Tàu, đại diện tư vấn lập quy hoạch đảo Gò Găng là CTCP Inno cho biết đảo Gò Găng sẽ được quy hoạch theo hướng phát triển đô thị gắn với sân bay và khu đô thị sinh thái gắn kết với không gian sinh thái rừng ngập mặn.

Bên cạnh đó, tại đảo cũng sẽ hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản công nghệ cao.

Về cơ cấu quỹ đất, với tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 1.400 ha, đơn vị tư vấn bố trí khoảng 158,5 ha để quy hoạch đất thương mại, dịch vụ, khoa học, du lịch; đất giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học khoảng 19,6 ha; đất sân bay và dịch vụ sân bay khoảng 250,2 ha; đất cây xanh, công viên, quảng trường khoảng 47,6 ha; đất công cộng khoảng 16 ha; đất ở khoảng 87 ha; đất giao thông chính khoảng 60 ha; đất công viên sinh thái rừng ngập mặn 532,4 ha…

Đi kèm với đó, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phân khu chức năng như trung tâm kinh tế, tài chính thương mại 29,7 ha; trung tâm dịch vụ cửa ngõ 67 ha;… đồng thời đề xuất phân kỳ đầu tư thông qua 6 giai đoạn.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.