Thông tin từ Báo Chính phủ, ngày 24/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp thứ ba của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, về tiêu chí kỹ thuật, mạng lưới đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TP HCM có khổ đường 1.435 mm, đường đôi. Tốc độ thiết kế 80 - 160 km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.
Dự kiến, đến năm 2035, hai thành phố hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580 km. Năm 2045 hoàn thành khoảng 369 km (Hà Nội thêm khoảng 200,7 km; TP HCM khoảng thêm 168,4 km). Năm 2060 hoàn thành thêm khoảng 159 km tại TP HCM.
Hai thành phố dự kiến đến năm 2035, đường sắt đô thị chiếm 30 - 35% thị phần vận tải hành khách công cộng, và tăng lên 55 - 70% sau năm 2035.
Lãnh đạo TP Hà Nội, TP HCM cho biết, các tuyến đường sắt đô thị đã được nghiên cứu bước đầu, chuẩn bị quy hoạch không gian ngầm, quỹ đất, tính toán các khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến (TOD), kết nối với tuyến đường sắt quốc gia cũng như các đầu mối giao thông lớn…
Ngay sau khi đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP HCM được cấp thẩm quyền phê duyệt, hai địa phương sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị các dự án đầu tư theo lộ trình; đặc biệt là đề xuất một số cơ chế, nhóm chính sách đặc thù.
Dự kiến, cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị là ngân sách địa phương, vốn vay, ngân sách Trung ương hỗ trợ và các nguồn hợp pháp khác, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga kết hợp trung tâm thương mại, phương tiện khai thác.
Theo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ Đô, về phân kỳ đầu tư các dự án đường sắt đô thị, giai đoạn 2024 - 2030, Hà Nội dự kiến hoàn thành thi công xây dựng gần 97 km đường sắt đô thị, các tuyến metro dự kiến hoàn thành vào thời gian này bao gồm: Tuyến số 2 gồm ba đoạn là Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long.
Tuyến số 3 bao gồm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và đoạn Ga Hà Nội - Yên Sở và tuyến metro số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Ba tuyến này chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố cũng sẽ thực hiện công tác đầu tư 301 km các tuyến đường sắt đô thị khác. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD.
Giai đoạn 2031 - 2035 dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km đường sắt đô thị, với các tuyến số 1 bao gồm đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và đoạn Gia Lâm - Dương Xá; tuyến số 2 đoạn kéo dài đi Sóc Sơn; tuyến sô 2A đoạn kéo dài đi Xuân Mai; tuyến số 3 đoạn Nhổn - Trôi và kéo dài đi Sơn Tây.
Tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; tuyến số 6 đoạn Nội bài - Ngọc Hồi; tuyến số 7 đoạn Mê Linh - Hà Đông; tuyến số 8 đoạn Sơn Đông - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
Theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035, xây dựng hoàn thành khoảng 183 km đường sắt đô thị.
Các tuyến cụ thể trong giai đoạn này bao gồm tuyến đường sắt đô thị số 1 là 40,8 km/40,8 km; tuyến đường sắt đô thị số 2 là 20,2 km/62,8 km; tuyến đường sắt đô thị số 3 là 29,5 km/62 km.
Tuyến đường sắt đô thị số 4 là 36,8 km/43,4 km; tuyến đường sắt đô thị số 5 là 32,5 km/53,9 km; tuyến đường sắt đô thị số 6 là 22,8 km/53,8 km.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng 837.249 tỷ đồng (tương đương gần 35 tỷ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.
Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025 cần khoảng 7.188 tỷ đồng (0,3 tỷ USD). Giai đoạn năm 2026-2030 khoảng 478.065 tỷ đồng (19,9 tỷ USD). Giai đoạn năm 2031 - 2035 khoảng 351.996 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD).