Hội thảo nhằm trao đổi thông tin liên quan việc quy hoạch, định hướng phát triển Cảng biển Trần Đề với vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thảo luận cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự án Cảng biển Trần Đề. Qua hội thảo cũng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của cảng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng tại Tp. Hồ Chí Minh. Điều này kéo dài thời gian cũng như làm tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, cũng như tạo áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.
Gần đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng kỳ vọng giải quyết “điểm nghẽn” này của vùng.
Theo đó, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định rõ đến năm 2030 phát triển Cảng biển Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Thủ tướng Chính pahủ cũng đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở triển khai các chủ trương, quyết sách này, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư Cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics để kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, bộ đang sớm hoàn thành quy hoạch Cảng biển nước sâu Trần Đề vào cuối năm nay. Việc xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề còn có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực; tạo điều kiện thuận lợi cho kết hợp giữa phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh... Theo đó, việc lựa chọn đầu tư, xây dựng Cảng Trần Đề mang tính cấp thiết, giúp Đồng bằng sông Cửu long có cảng lớn xứng tầm, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng chục triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Lâm Văn Mẫn cũng cho rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề. Đặc biệt nghiên cứu các cơ chế, chính sách, ưu đãi thu hút nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư Cảng biển Trần Đề, nhằm góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Theo quy hoạch, diện tích khu vực cảng biển nước sâu Trần Đề lên tới 5.400 ha; trong đó, cảng ngoài khơi có diện tích 1.400 ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 18 km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…
Từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng cảng nước sâu trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nội dung nghiên cứu các vị trí trong vùng nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng cảng biển nước sâu trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.