Cảng cạn ICD Tây Ninh hơn 3.600 tỷ có thể khởi công vào quý II/2024, tiếp giáp sông Sài Gòn và đường Hồ Chí Minh

Dự án Trung tâm Logistics, cảng cạn ICD và Cảng tổng hợp Tây Ninh do liên danh Tanil - ILS - ASGL có tổng diện tích hơn 259 ha, giai đoạn 1 có tổng vốn 1.975 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ quý II năm sau.

CTCP Logistics Quốc tế Tây Ninh (Tanil) vừa lập báo cáo liên quan đến dự án Trung tâm Logistics, cảng cạn ICD và Cảng tổng hợp Tây Ninh - giai đoạn 1. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - CTCP.

Trước đó vào tháng 12/2020, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đối với liên danh Tanil - ILS - ASGL. Đến tháng 6/2022, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

 Vị trí thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Sẽ GPMB khoảng 243 ha đất lúa

Dự án có vị trí xây dựng tại phía đông bắc xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng. Phía đông và phía bắc dự án được bao bọc bởi sông Sài Gòn; phía nam giáp ĐT787B; phía tây cách ĐT789 khoảng 60 - 120 m; phía tây bắc giáp đường Hồ Chí Minh.

Tổng diện tích thực hiện dự án là hơn 259 ha. Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án có khoảng 4,5 ha đất ở nông thôn; 242,7 ha đất trồng lúa nước, cây lâu năm; còn lại là đất thuỷ sản, giao thông, thuỷ lợi, sông ngòi... Tại đây đang có 169 ngôi nhà gạch và 43 công trình tạm.

Về tính chất, dự án sẽ hướng đến trở thành cảng cạn ICD quốc tế, là điểm trung chuyển hàng hoá từ các nước ASEAN đến các tỉnh thành trong nước và quốc tế, giảm tải vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh logistic của Tây Ninh các khu vực lân cận TP HCM.

Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ chủ yếu xây dựng khu bến, kho bãi ban đầu tạo tiền đề phát triển cảng tổng hợp, cảng cạn logistics phục vụ nhu cầu vận tải hàng hoá của tỉnh.

Bản vẽ quy hoạch sử dụng đất dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bao gồm 3 khu chức năng là cảng cạn (49 ha); trung tâm logistics (160 ha) và cảng tổng hợp (51 ha). 

Tại khu cảng cạn, sẽ bố trí 31,5 ha đất kho bãi, kho hàng; 9,3 ha đất giao thông; 2 ha đất văn phòng, điều hành; 2 ha đất cây xanh cảnh quan; 2,5 ha đất bến cảng và còn lại là hạ tầng kỹ thuật.

Đối với khu trung tâm logistics, sẽ bố trí 85,4 ha đất kho bãi logistics; 19,3 ha đất cây xanh; 35,3 ha đất giao thông; 9,7 ha đất công trình thương mại dịch vụ; 2 ha xây nhà lưu trú công nhân; còn lại là các hạng mục như bãi đỗ xe, bến cảng, văn phòng...

Tại khu cảng tổng hợp, sẽ phân bổ 15,3 ha đất kho bãi; 13 ha đất giao thông; 6,4 ha đất dịch vụ hậu cần; 3,8 ha công trình thương mại dịch vụ; 3,4 ha đất bến cảng...

Toàn dự án sẽ được làm 3 phân kỳ đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho toàn bộ 259 ha diện tích đất dự án. Đầu tư xây dựng mới 5 bến thuỷ nội địa gần 35 ha; đầu tư xây dựng các kho bãi, văn phòng, hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ; đầu tư xây dựng phần hạ tầng chung 5 ha. 

Về các hạng mục cụ thể, 5 công trình bến thuỷ nội địa có thể tiếp nhận tàu 2000T, trong đó 3 bến dạng trụ kết hợp neo bờ; 2 bến dạng liền bờ có sàn khai thác, tàu neo cập kết hợp trụ neo bờ. Trong 5 bến trên có 1 bến thuộc khu vực cảng cạn, 4 bến thuộc khu vực khai thác hàng tổng hợp.

Khu vực cảng cạn có diên tích khoảng 10,5 ha, trong đó xây dựng hậu phương (sau kè) là 10,1 ha và còn lại là đất khu vực bến, lưu không. Khu vực khai thác tổng hợp rộng 24,4 ha. Phần hạ tầng chung bao gồm các trục đường giao thông N5, N6, D4, trong đó đường D4, N6 tiếp giáp trực tiếp khu vực khai thác cảng cạn, khai thác tổng hợp.

 Các hạng mục tại giai đoạn 1. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Năng lực các nhà đầu tư

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sẽ là 1.975 tỷ đồng. Về tiến độ, từ nay đến quý I/2024, dự án sẽ tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn quý II/2024 - quý III/2025 sẽ bước vào giai đoạn xây dựng.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư của toàn dự án này là 3.627 tỷ đồng, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là 544 tỷ đồng và vốn huy động là 3.083 tỷ đồng.

Trong cơ cấu vốn góp, Tanil sẽ góp 348 tỷ đồng (64%); CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco, mã chứng khoán: ILS) góp 82 tỷ đồng (15%) và CTCP Logistics ASG (mã chứng khoán: ASG) góp 114 tỷ đồng (21%).

Trung tâm Logistics, cảng cạn ICD và Cảng tổng hợp Tây Ninh nằm tiếp giáp sông Sài Gòn. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Về các nhà đầu tư, đầu tiên là Tanil, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2021 với vốn điều lệ 550 tỷ đồng để đầu tư dự án Trung tâm Logistics, cảng cạn ICD và Cảng tổng hợp Tây Ninh. Tanil hiện đăng đặt trụ sở tại thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh.

Tiếp đến là Interserco, doanh nghiệp này tiền thân là Trạm tiếp nhận Lao động đi nước ngoài được UBND TP Hà Nội thành lập vào năm 1980, đến năm 2016 được cổ phần hoá và có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, đến năm 2018 niêm yết trên sàn Upcom.

Interserco được biết đến là chủ đầu tư của 2 dự án là Cảng ICD Mỹ Đình tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội và Trung tâm Logistics tại huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Tại Hà Nội, doanh nghiệp đang sở hữu hệ thống kho, bãi khoảng 15 ha tại Sơn Tây, Hoài Đức và Nam Từ Liêm.

Cuối cùng là ASG, doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Dịch vụ Bưu chính Interserco - IPX ra đời từ năm 2010, vốn điều lệ tính đến hết năm 2022 là 757 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên 2022, ASG đang nắm 21% vốn góp tại Tanil.