Covid-19 bùng phát khiến lượng khách quốc tế và nội địa giảm sút nghiêm trọng. Trong đó tập trung nhiều nhất là thị trường Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc – 3 thị trường khách quốc tế đứng đầu tại Khánh Hòa.
Chỉ có 644.000 lượt khách đến Khánh Hòa trong 3 tháng đầu năm, bằng 41,7% so với cùng kì năm 2019. Riêng khách quốc tế đạt khoảng 415.000 lượt bằng 47,41%.
Công suất buồng phòng của các khách sạn sụt giảm nghiêm trọng, khi chỉ đạt khoảng 24,47% trong quí I, riêng tháng 3 con số này là 9%. Hàng loạt khách sạn đã tạm ngưng hoạt động trong tháng 3 và số khách chính thức dừng kinh doanh từ ngày 1/4.
Theo ước tính của Sở du lịch, chỉ riêng tổng thu từ khách du lịch con số thiệt hại là 5.400 tỉ đồng.
Đáng nói hơn, hơn 17.100 lao động ngành du lịch bị cắt giảm, mất việc. Trong đó, nhóm lưu trú giảm 15.000/ 52.500 người, nhóm lữ hành giảm 2.100/3.150 người. Ngoài ra, 1.780 xe khách du lịch và hợp đồng phải ngừng hoạt động.
Lãnh đạo Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh cho biết, từ 18 - 29/3 có 69 chuyến bay rỗng từ Nga đến Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh đưa 19.350 khách Nga về nước.
Ngày 31/3 là ngày cuối cùng các công ty lữ hành đưa khách Nga từ Khánh Hòa về nước.
Khi thị trường Nga tạm ngừng nhập cảnh hồi 18/3, ngành du lịch Khánh Hòa đang đối mặt với việc đóng cửa hoàn toàn khi hàng loạt khách sạn, nhà hàng, khu du lịch tuyên bố tạm ngừng đóng cửa ngay sau lệnh cấm. Một số khách sạn đã rao bán hoặc trả mặt bằng kinh doanh.
Công ty TNHH Đầu tư V.A.EKATERINBURG sở hữu 2 khách sạn (1 khách sạn năm sao và 1 khách sạn 3 sao) cùng 3 du thuyền cho biết, hiện đã công ty tạm ngừng hoạt động 1 khách sạn và 3 du thuyền do ảnh hưởng dịch bệnh.
"Tổng thiệt hại chỉ tính riêng doanh thu du lịch lưu trú từ tháng 2 đến tháng 6 của 2 khách sạn và 3 du thuyền là khoảng 75 tỉ đồng. Nếu tính tất cả nguồn thu từ các dịch vụ khách là 90 tỉ đồng (từ tháng 2 đến tháng 6/2020)", đại diện công ty cho biết.
Ngoài ra, phía công ty TNHH Đầu tư V.A.EKATERINBURG cũng cho biết còn phải gánh nhiều chi phí như tiền lương, BHXH, thuế, điện, nước kinh doanh và thanh toán tiền vay và lãi xuất ngân hàng.
"Đối với khách sạn 5 sao mỗi tháng chúng tôi phải trả cho ngân hàng 2 tỉ tiền gốc và 2 tỉ tiền lại. Riêng khách sạn 3 sao tiền gốc phải trả là 400 triệu đồng và 145 triệu tiền lãi", đại diện công ty cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về số người lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, qua tiếp nhận xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 4.000 người đăng kí.
Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 120 hồ sơ đăng kí xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng khu vực TP Nha Trang là 90 hồ sơ/ngày.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số các lao động chính thức thôi việc, trong khi nhiều khách sạn, cửa hàng, khu du lịch đang thực hiện chính sách tạm ngừng hoạt động hoặc cho nhân viên làm theo ca để giữ chân nhân viên.
Trần Văn Phát – phụ trách hành lí tư trang 1 khách sạn 5 sao tại TP Nha Trang cho biết, khách sạn anh đã đóng cửa hơn 1 tháng qua do không có khách.
"Mất việc khách sạn tôi gặp khó khăn khi phải trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác. Tôi chủ động xin việc nhiều nơi nhưng không ai tuyển dù đã nộp đơn xin việc ở các tỉnh thành khác", Phát chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Hân – CEO VietAsia cho biết, hệ thống công ty dịch vụ lặn biển ngắm san hô và chương trình Du Ca Show với khoảng 240 nhân viên, khi dịch bệnh bùng phát tất cả phải đóng cửa.
"Do nhân viên là diễn viên và thợ lặn chuyên nghiệp nên phải thường xuyên tập luyện, nếu nghỉ quá lâu họ sẽ mất nghề. Do đó, công ty thực hiện chính sách chi trả 50% tiền lương trong giai đoạn này đối với những người không lao động thường xuyên. Người thấp nhất ở công ty có mức lương 6 triệu người cao khoảng 30 triệu đồng/tháng. Đối với một số anh em vẫn làm việc bình thường chúng tôi trả đủ lương.
Riêng những anh em khác, chúng tôi giảm 50% lương để giữ chân nhân viên và tạo cơ hội để anh em duy trì chế độ luyện tập nếu không sẽ quên hoặc mất nghề. Đây là số tiền rất lớn khi công ty không có nguồn thu", ông Hân chia sẻ.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa (HHDL) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề suất, kiến nghị nhiều giải pháp.
Ngoài đề nghị không chuyển nhóm nợ và tạo điều kiện vay thêm để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi đặc biệt, HHDL còn đề nghị được gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nghiệp năm 2019 đến 31/12/2020, giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% đến ngày 31/12/2020 để kích cầu du lịch.
Đặc biệt, HHDL đề nghị Bảo hiểm Xã hội Khánh Hòa cần có giải pháp hỗ trợ người lao động trong thời gian nghỉ việc không tại cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn…
Trước khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan nghiêm cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
Đại diện Cục thuế tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, các Hiệp hội về giải pháp khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.
Theo Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa, năm 2019, tổng lượt khách lưu trú đến tỉnh đạt hơn 7 triệu lượt, tăng 13,3% so với năm 2018, trong đó, khách quốc tế tăng 28,4%, khách; doanh thu du lịch đạt 27.100 tỉ đồng, tăng 24,2%.
Theo dự báo, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quí II-2020 lượng du khách đến Khánh Hòa bằng 98,4% so với cùng kì năm trước. Đến quí III và IV, lượng khách sẽ tăng lần lượt là 41% và 19%.
Thị trường 00:14 | 21/09/2021
Kinh doanh 23:48 | 23/07/2021
Kinh doanh 20:07 | 18/07/2021
Kinh doanh 18:43 | 18/07/2021
Quy hoạch 22:32 | 18/05/2021
Đấu giá - Đấu thầu 20:31 | 18/05/2021
Kinh doanh 15:26 | 18/05/2021
Kinh doanh 15:13 | 18/05/2021