Ông Phan Việt Hoàng, Thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết, quí I/2020, lượng giao dịch tại Nha Trang, Khánh Hòa không đáng kể. Chỉ một số sản phẩm thông thường ở khu vực nhà phố nội ô và đất ở nông thôn đạt được giao dịch. Riêng các sản phẩm từ các dự án và condotel gần như bất động.
"Việc không có giao dịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án. Khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa, nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp", ông Hoàng cho biết.
Trên địa bàn TP Nha Trang, giá bán dự án tại khu đô thị dao động từ 18 triệu đồng/m2 đến hơn 25 triệu đồng/m2. Riêng mặt tiền đường số 4 ở Khu đô thị Lê Hồng Phong 1 có giá trên 40 triệu đồng/m2. Tại Khu đô thị An Bình Tân, giá đất vẫn dao động 22 - 26 triệu đồng/m2. Mức giá này được xem là không thay đổi so với quí IV/2019.
Tại TP Nha Trang nhiều cửa hàng kinh doanh ở các tuyến đường lớn, nơi có dân cư đông đúc đã trả mặt bằng hàng loạt. Nhiều chủ nhà có mặt bằng bất động sản đang giảm giá cho thuê 30-40% nhưng nhu cầu thuê gần như "đóng băng" vì hiện nay Nha Trang vắng du khách.
Bên cạnh đó, hàng chục khách sạn ở Nha Trang cũng rao bán khá nhộn nhịp trong thời gian 2 tháng qua.
lí do là nhiều chủ đầu tư ngoài ngành đổ tiền mua hoặc xây mới khách sạn từ 2-3 năm trước sau khi du lịch tăng trưởng mạnh. Thế nhưng hiện nay gặp mùa dịch bệnh, nợ nần nên rao bán khách sạn.
Đối với, khu vực đất xã, dọc đường Võ Nguyên Giáp (thuộc các xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung), giá đất vẫn dao động 13 - 17 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Đất ở các khu vực khác giảm nhẹ từ 1 - 2 triệu đồng/m2 đạt mức 10 - 13 triệu đồng/m2.
Một lô đất tại khu vực huyện Diên Khánh cũng đang được chào bán với giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đối với đất xã, lượng giao dịch phập phù vì do vướng việc phân lô tách thửa.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) tình hình thị trường BĐS quí I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kì hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỉ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Cụ thể đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm trong khi số sản phẩm giao dịch chỉ 7.641.
Tỉ lệ hấp thụ chỉ 14,3%. Song, giá bán BĐS lại không hề sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Lí giải về nguyên nhân giá BĐS vẫn cao, ông Phan Việt Hoàng, cho rằng khả năng các chủ đầu tư, sàn giao dịch, công ty môi giới đang cố gắng "gồng mình" qua dịch bệnh.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác đến từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Và Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo gia hạn nộp thuế, miễn tiền thuế chậm nộp đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh... điều này đã giúp nhiều chủ đầu tư không giảm giá các sản phẩm.
"Việc tạm ngừng kinh doanh chỉ mới diễn ra sau Tết nên hầu hết các chủ đầu tư đều gồng mình chịu trận và còn trong tầm kiểm soát giá cả. Nếu dịch kéo dài thì hậu quả khó lường, nhiều khả năng trong tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay giá BĐS sẽ lao dốc.
Trong bối cảnh tín dụng siết chặt cộng hưởng với không bán được sản phẩm, trên thị trường đã xuất hiện dấu hiệu các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đã chào mời, chuyển nhượng dự án, cổ phần, từng phần dự án…", ông Hoàng nhận định.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, trong giai đoạn hiện nay, nhiều dự án ở Nha Trang chưa được cấp phép do đang vướng đến đấu thầu, định giá đất nên chính quyền phải đợi chỉ thị của bộ, ngành.
Điều này khiến thị trường BĐS Nha Trang, Khánh Hòa khan hiếm sản phẩm mới, tình hình dịch bệnh nên không được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch…
Theo VARS, giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương.
Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng chút ít vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.
VARs cho rằng, doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỉ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm