Khảo sát 63 nước, Việt Nam làm việc nhiều chỉ thua Campuchia và Bangladesh

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý tăng khung giờ làm thêm thỏa thuận từ 300 lên 400 giờ/năm.
 - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. (Ảnh: LÊ KIÊN)

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới.

Đề nghị giảm giờ làm, tăng 3 ngày nghỉ

Trước thời điểm thảo luận, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bất ngờ gửi văn bản kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Văn bản nêu "số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/ tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn hai nước là Kenya và Seychelles (trên 48 giờ/tuần)".

"Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước" - văn bản viết.

Vẫn theo văn bản này, về giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế), Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới.

Số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 với số giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Bangladesh.

Trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (có 1 nước chưa có dữ liệu là Brunei). Đặc biệt, Trung Quốc là đất nước có tương đồng về chế độ chính trị với Việt Nam nhưng hiện nay, số giờ làm việc bình thường của Trung Quốc là 40 giờ/tuần, số ngày nghỉ lễ 21 ngày/năm.

"Thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả người lao động và doanh nghiệp, đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, tai nạn lao động, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc. Làm việc kéo dài không chỉ để lại hậu quả hiện tại mà gây nên những hệ lụy lớn cho tương lai đối với người lao động và con cái họ" - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích.

Từ các phân tích nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ "48 giờ trong một tuần" xuống "44 giờ trong một tuần"; không tăng khung giờ làm thêm; tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm (nghỉ lễ quốc khánh thêm 3 ngày hoặc nghỉ ngày gia đình Việt Nam 28/6 và thêm 2 ngày tết dương lịch).

Tham dự phiên họp, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định những đề xuất, kiến nghị nêu trên cũng đã được nêu nhiều lần nhưng chưa được đưa vào dự thảo luật, nên lần này tổ chức đại diện cho người lao động tiếp tục kiến nghị.

 - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đảm bảo hài hòa giữa làm việc và cuộc sống

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, thực tế có những trường hợp người lao động phải làm thêm 400-500 giờ/năm, nhưng không vì thế chúng ta sửa luật để hợp thức hóa cái này.

"Lao động là nguồn lực quan trọng của đất nước, chúng ta phải biết giữ gìn, phát huy nguồn lực này. Nếu có một số ngành, nghề nào đó cần tăng thời giờ làm thêm thì cần quy định thật cụ thể, nhưng phải đảm bảo được sức khỏe cho người lao động. Quan điểm của tôi là nếu làm thêm hơn 300 giờ thì chế độ tiền công tiền lương, bảo vệ sức khỏe, tái tạo sức lao động phải tốt hơn" - ông Giàu bày tỏ.

Trong khi ông Hà Ngọc Chiến cho rằng "mở rộng khung giờ thỏa thuận làm thêm sẽ đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thế giới. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo xu hướng tiến bộ, để người lao động có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Về quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình quy định về lộ trình đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Chủ tịch Hội đồng dân tộc "đồng ý theo lộ trình tăng dần đã được Chính phủ trình. Lộ trình tịnh tiến này theo tôi là hợp , tăng từ từ chứ không phải là đột ngột".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng ý với quy định này, nhưng ông nói thêm: "Có vấn đề là đi tiếp xúc cử tri thì cử tri cũng nói là chưa hiểu nghành nghề nào thì nghỉ sớm, ngành nghề nào thì nghỉ muộn… Đề nghị cụ thể danh mục này để cử tri, nhân dân hiểu rõ".

Về khung giờ làm thêm, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 vừa rồi là không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. 

"Dù vậy, theo phản ánh của cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định" - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Tuy đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình tăng khung giờ làm thêm, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không "bác" quan điểm của Chính phủ mà vẫn trình ra để Quốc hội thảo luận, quyết định.

Tại sao nước giàu họ vẫn làm việc quần quật?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đặt vấn đề: Tôi không hiểu tại sao các nước giàu có hơn ta như Hàn Quốc, Nhật Bản mà trẻ con học nhiều như vậy.

Tại các viện nghiên cứu của họ, nếu giờ làm việc bắt đầu từ 9h sáng thì từ 8h30 người ta đã xếp hàng để được vào làm việc, đến giờ nghỉ rồi họ vẫn còn ở lại tiếp tục làm việc.

Thậm chí ở Nhật Bản hôm nào ông chồng đi làm về sớm thì người vợ còn ngạc nhiên. Đất nước họ giàu có, hiện đại như vậy mà dân họ lao động quần quật.

Chúng ta cần đặt ra mục tiêu làm luật này để làm gì? Đất nước chúng ta còn thu nhập thấp, phải chăng chúng ta thắt lưng buộc bụng, lao động miệt mài để tiến lên, trở thành nước có thu nhập cao, đuổi kịp các nước phát triển?

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.