Khi cha mẹ ‘đẩy’ con đến bạo lực học đường

Với những cách dạy con theo lối hành xử hung hăng, bạo lực trong đời sống thường ngày vô tình nhiều cha mẹ “đẩy” trẻ đến bạo lực học đường.

Dạy con... đánh lại bạn

Đón con học về, người mẹ thấy vết xướt trên mặt con liền gặng hỏi, đứa trẻ hồn nhiên giải thích về những vết cào trên mặt là do bị bạn cào vì tranh giành đồ chơi của nhau. Người mẹ tức giận quát: “Sao con không đập vào mặt bạn! Lần sau bạn giành của con, cào con, con cứ đấm vài phát là bạn sợ! Nhớ chưa!”.

khi cha me day con den bao luc hoc duong
Trẻ khi chơi cùng nhau khó tránh khỏi va chạm, tranh giành thậm chí đánh nhau.

Đứa trẻ gật gù nghe lời mẹ rồi lại chạy lăng xăng chơi trong sân trường cùng bạn. Vị phụ huynh này quay sang phân trần với người ngồi bên cạnh: “Phải vậy chứ cứ đợi cô xử phạt thì không biết đến bao giờ!”. Phụ huynh ngồi cạnh cũng gật gù đồng tình: “Chỉ có thiệt con mình!”.

Chuyện con trẻ đi học bị tranh giành, thậm chí đánh nhau là điều khó tránh, dạy con cách ứng xử như thế nào khi bị bạn đánh cũng là câu hỏi khó với nhiều phụ huynh. Mới đây, một phụ huynh gửi tâm sự của mình trên báo về việc nên dạy con ứng xử như thế nào khi bị bạn đánh.

Vấn đề đưa ra nhận được nhiều quan tâm chung của phụ huynh, trong đó đa số là các bà mẹ - phần đông đều cho rằng không nên dạy con nhún nhường mà phải phản kháng, thậm chí có thể đánh lại bạn.

Một bà mẹ hiện đang giảng dạy tại trường Đại học lớn đã từng khiến người khác phải ngạc nhiên khi trao đổi quan điểm dạy con trai: “Bạn đánh phải đánh lại!”. Theo chị, dạy con phản ứng lại là cách để bé tự bảo vệ mình vì cô giáo không hẳn đã giải quyết được vấn đề.

“Dạy con nhường bạn thì bé sẽ thường xuyên bị bạn bắt nạt, hiếp đáp, sau này lớn lên cũng mang tâm lý nín nhịn, thiệt thòi”, giảng viên Đại học này cho biết. Tâm lý dạy con nhún nhường sẽ khiến bé sợ bạn, chịu thiệt thòi trong cuộc sống là tâm lý chung của phụ huynh. Chính vì vậy, không ít người sẵn sàng dạy con cách “nghênh chiến” với bạn. Thực tế cũng cho thấy, không ít phụ huynh nhìn con mình hung hăng, quát nạt bạn lại thầm tự hào, thích thú.

Không biến cái sai thành cái đúng

Diễn giả Thu Hà, bà mẹ nổi tiếng cộng đồng mạng về những bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con, khi được hỏi về vấn đề này đã chia sẻ quan điểm không đồng tình với việc dùng bạo lực đáp trả lại bạo lực. Chị cho biết: “Hai lần cái sai sẽ thành cái đúng. Nếu dạy con dùng cái sai đáp trả lại cái sai, trẻ sẽ mặc nhiên cho rằng điều đó là đúng và chỉ có bạo lực mới giải quyết được vấn đề”.

khi cha me day con den bao luc hoc duong
Bạo lực học đường ngày một nhiều, căn nguyên một phần do cách giáo dục con trong gia đình của cha mẹ. (Ảnh minh họa)

Cũng theo chị Hà, thay vì dạy con đánh lại bạn, phụ huynh nên tìm đến những phương pháp khác như: dạy con tránh xa những bạn hung hăng, cách dùng ngữ điệu cảnh cáo bạn lần đầu, cách nói chuyện khiến bạn tôn trọng lại mình, nói to và rõ ràng, dứt khoát có uy lực để bạn biết mình không phải dễ dàng khiếp sợ, cách phòng vệ, cách phản kháng lại bạn, báo cô giáo.

Th.S Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM cũng cho biết không tán đồng cách dùng bạo lực đáp trả lại bạo lực như cách làm nhiều cha mẹ vẫn dạy con mình: “Chính cách dạy con dùng bạo lực đáp lại bạo lực tạo bản tính hung hăng cho trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy chỉ có dùng sức mạnh mới có thể giải quyết vấn đề với nhau thay vì tìm những giải pháp khác. Bạo lực học đường sau này xảy ra cũng chính một phần bởi cách dạy con như thế của nhiều cha mẹ”.

Thực tế các vụ bạo lực học đường hiện đang xảy ra ngày một nhiều, ở cả những học sinh nữ. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, không thể phủ nhận vai trò của giáo dục gia đình bởi con cái chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính cha mẹ. Những vụ bạo lực xảy ra dù muốn dù không cũng đều ảnh hưởng đến hai phía – trẻ bạo lực và trẻ bị bạo lực. Chính vì vậy, việc dạy con cách ứng xử, điều chỉnh hành vi của mình thực sự là chuyện nghiêm túc trong giáo dục cho các bậc cha mẹ.

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ anh không muốn áp dụng cách dạy con “đấm vào mặt đáp trả lại bạn” bởi theo anh: “Xã hội bây giờ đầy nguy hiểm. Chỉ cần nhìn đểu, nói đểu vài câu là xử lý nhau. Ra đường va chạm mà hung hăng thì rút dao ra đâm. Dạy con hung hăng vì sợ con thiệt thòi nhưng nếu sau này con hung hăng ngoài cuộc sống như thế mới chính là thiệt thòi cho bé”.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.