Khó đổi tiền mới, tiền lẻ tại ngân hàng, chợ đen hét giá 'cắt cổ'

Càng cận Tết, nhu cầu tiền mới, tiền lẻ tăng cao. Việc đổi tiền tại các ngân hàng quá khó, còn tại “chợ đen” lại có giá “cắt cổ”.

Ngân hàng khan hiếm tiền lẻ

Chị Nguyễn Minh Thư (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mấy ngày qua, chị đã tới một số ngân hàng để đổi tiền mới, tiền lẻ nhưng đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu của các nhân viên ngân hàng.

“Tôi muốn đổi tiền mới để mừng tuổi cho các cháu trong mấy ngày Tết mà mãi chưa được. Nhân viên ngân hàng nói chỉ có một ít tiền lẻ mới, phân bổ ngẫu nhiên cho các khách hàng khi gửi tiền hoặc rút tiền chứ không đủ cho mọi người”, chị Thư cho biết.

kho doi tien moi tien le tai ngan hang cho den het gia cat co
Khó đổi tiền mới, tiền lẻ tại ngân hàng nhưng tại thị trường "chợ đen" vẫn rất nhộn nhịp.

Theo phản ánh của các ngân hàng, hầu hết các ngân hàng thương mại tại Hà Nội không có đủ lượng tiền mệnh giá nhỏ để phục vụ nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.

Lý giải về việc ngân hàng không đổi tiền lẻ mới cho khách hàng, một nhân viên của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) thừa nhận năm nay tiền mệnh giá dưới 50.000 đồng khan hiếm hơn hẳn. Nguyên nhân là do Tết năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không in thêm tiền lẻ mới mệnh giá dưới 5.000 đồng. Từ đó các ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ mới cho khách hàng tăng cao dịp sát Tết.

Sở dĩ có hiện tượng khan hiếm này một phần là do tiền mệnh giá nhỏ (mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống) qua thời gian lưu thông đã không đủ tiêu chuẩn lưu thông như bị rách, phai màu... nhất là đối với tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng và 10.000 đồng. Do đó, tiền mệnh giá nhỏ từ dân cư nộp trở lại các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại nộp về Ngân hàng Nhà nước thường là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nên không thể cung ứng trở lại thị trường. Bên cạnh đó, Tết năm nay lượng tiền mới mệnh giá nhỏ lại khan hiếm theo chủ trương tiết giảm chi phí in tiền mới mệnh giá nhỏ của Chính phủ. Do vậy, các ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ mới cho khách hàng tăng cao dịp sát Tết.

“Chỉ có những khách hàng VIP, có quan hệ tín dụng thân thiết với các ngân hàng thì mới có thể sắp xếp phân bổ tiền mới nhưng số lượng cũng rất ít”, một nhân viên ngân hàng Vietcombank chia sẻ.

Đổi tiền mới ở “chợ đen” bao nhiêu cũng có

Trong khi ngân hàng không đủ tiền mới đổi cho doanh nghiệp, người dân thì ở ngoài thị trường tự do lại rất nhộn nhịp.

Hoạt động đổi tiền lẻ năm nay không chỉ diễn ra sôi nổi ở những khu vực cố định, quen thuộc như phố Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)... mà trên các trang web trực tuyến, mạng xã hội cũng tấp nập không kém. Các chủ đổi tiền lẻ trên mạng hồ hởi tư vấn, trả giá nhiệt tình và sẵn sàng "ship" tiền đến tận nơi cho khách đổi.

Trên nhiều trang web hay trên các trang mạng xã hội, việc đổi tiền được rao công khai với chi phí ăn chênh lệch từ 10 - 20% tùy thuộc mệnh giá tiền, thậm chí 50% - 70% đối với các loại tiền có mệnh giá 1.000 đồng hay 500 đồng. Liên hệ với một điểm đổi tiền lẻ trên Facebook, chủ hàng cho biết cần bao nhiêu cũng có, nếu đổi ít có thể “ship”ngay, nếu đổi nhiều thì phải đặt trước 1-2 ngày.

Trong khi đó ở bên ngoài, nhất là gần các địa điểm đền, chùa, việc đổi tiền đã bớt công khai so với mọi năm, nhưng vẫn không khó để đổi được tiền. Thay vì công khai mức chênh lệch như mọi năm, thì nhiều địa điểm đổi tiền ngang mệnh giá cho người đổi nhưng kèm theo đó là yêu cầu mua đồ lễ hoặc hoa quả với giá cao hơn thông thường. Như vậy phí đổi tiền sẽ "ăn" vào giá các hàng hóa mà người đổi tiền bán kèm.

Chị Nguyễn Vân (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiết lộ nhờ có người nhà làm ở ngân hàng nên đã đổi khá nhiều tiền lẻ với đủ các mệnh giá từ 1.000 đến 50.000 đồng để kinh doanh mùa Tết. Theo chị Vân, thường vào dịp Tết, nhiều người có thói quen mừng tuổi bằng tiền mới, không thích dùng những tiền cũ nên chị đã có sự chuẩn bị trước, nay tung ra kinh doanh kiếm lời, càng sát tết, giá đổi tiền càng cao.

“Tiền lẻ mới nguyên series thì khó kiếm chứ tiền lẻ mới không nguyên series thì không hiếm. Ngoài nguồn từ các ngân hàng thì một số chùa cũng thường xuyên có nhu cầu đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn. Đây là nguồn cung tiền lẻ mới khá nhiều cho những người kinh doanh tiền lẻ”, chị Vân tiết lộ.

Sẽ xử phạt những trường hợp đổi tiền trái phép

Nhu cầu tiền lẻ để phục vụ cho văn hóa lì xì ngày tết là thực sự có, tuy nhiên với mức sống như hiện nay, số tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng đã ít được dùng cho việc lì xì đầu năm. Do đó, có thể thấy nhu cầu đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng trên thị trường hiện đang chủ yếu phục vụ cho việc đi lễ chùa, lễ hội đầu năm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 726 về công tác cung ứng tiền mặt trong dịp Tết. Theo đó, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải khất, hoãn, chi trong giao dịch thanh toán làm ảnh hưởng xấu đến lưu thông tiền tệ; đảm bảo cung ứng tiền lẻ, tiền mới dịp Tết.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không găm giữ tiền mới được điều chuyển từ NHNN Trung ương chỉ để phục vụ mục đích đối ngoại, hoặc đổi cho tổ chức, cá nhân mà không phục vụ nhu cầu lưu thông.

Còn theo Chỉ thị số 48/CT-TTg, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép, có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng.

kho doi tien moi tien le tai ngan hang cho den het gia cat co Thu phí đổi tiền mới là vi phạm pháp luật

Văn hóa tiền mới lì xì dịp tết lấy hên hay đi cúng chùa đã bị đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.