Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty này đã lên đến hơn 9.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2015 và tương đương 64% tổng tài sản hiện nay của doanh nghiệp.
Tồn kho lớn nhất hiện nay của công ty này là điện thoại di động với giá trị tương đương 4.445,3 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi thời điểm cuối năm 2015. Tiếp theo đó là thiết bị điện tử với giá trị 2.962 tỷ đồng. Tồn kho Phụ kiện trong năm 2016 cũng có mức tăng gấp đôi với 627 tỷ đồng.
Năm 2016, hàng loạt siêu thị Điện máy Xanh được khai trương dẫn đến tồn kho lượng hàng gia dụng tăng từ 199 tỷ đồng lên đến hơn 647 tỷ đồng. Tuy nhiên máy tính bảng lại có mức tăng nhẹ, chỉ chiếm 313,64 tỷ của năm 2016 so với 304,5 tỷ của năm 2015. Năm 2016 cũng là năm thị trường máy tính bảng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới chững lại, nhu cầu của người dùng giảm.
Ngoài ra kho của Thế giới Di động hiện nay còn có hơn 103 tỷ đồng tiền thẻ cào điện thoại và 246,35 tỷ giá trị máy tính xách tay. Công ty đã lập dự phòng hàng tồn kho 142,92 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cũng chỉ ra những nhà cung cấp chính của MWG trong năm 2016 gồm Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel, Công ty Sony Việt Nam.
Danh mục các sản phẩm trong kho của Thế giới Di động. |
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thế giới Di động trong năm 2016 đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 76% so với năm 2015.
Doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm 2016 đạt hơn 135 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính năm qua là 120 tỷ đồng, đã gần gấp 3 lần chi phí năm 2015.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã tăng lên hơn 5.221 tỷ đồng trong khi năm 2015 chỉ chiếm 2.600 tỷ đồng, chủ yếu do chiến lược mở thêm nhiều cửa hàng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2016, MWG cho biết công ty chịu khoản lỗ hơn 960 triệu đồng từ hoạt động khác, trong khi năm 2015 lãi hơn 23,4 tỷ đồng. Năm 2016 là năm MWG bắt đầu triển khai thử nghiệm chuỗi Bách hóa xanh, và chính lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ phải trả một phần “học phí” không nhỏ cho lĩnh vực mới này.
Kết quả, lợi nhuận ròng của Thế giới Di động trong năm 2016 vẫn đạt 1.577 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2015.