Khó khăn bủa vây lao động ngành Giao thông

Hàng nghìn người lao động ngành Giao thông đã phải nghỉ việc, giảm thu nhập khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp lao đao, một số đơn vị vẫn đang phải gồng mình để đảm bảo đời sống của người lao động. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, hàng nghìn người đã phải nghỉ việc, giảm thu nhập khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhân viên gác chắn bán rau, tiếp viên nghỉ không lương

Sáng 10/4, PV Báo Giao thông có mặt tại trạm gác ghi tại khu dân cư Thành Lễ (phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tại đây, hai nhân viên trong lúc chờ tàu phải đang tranh thủ bán rau, trứng… để kiếm thêm thu nhập.

Khó khăn bủa vây lao động ngành Giao thông - Ảnh 1.

Hai nữ nhân viên gác chắn trạm Khu dân cư Thành Lễ (Dĩ An, Bình Dương) phải bán thêm rau để kiếm thêm thu nhập, bù đắp chi tiêu trong giai đoạn khó khăn (Ảnh: Mai Huyên)

“Em làm ở đây từ năm 2004 nhưng đến nay mức lương chưa được 5 triệu đồng/tháng. Mùa dịch, nhiều chuyến tàu bị ngừng chạy, bọn em bị cắt thêm 10% lương, nhưng đó là khó khăn chung của ngành nên đành phải chia sẻ thôi”, chị N.T.H lý giải về viêc cực chẳng đã để kiếm thêm tiền bù đắp chi tiêu cho gia đình.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Nam, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội chia sẻ, trước dịch chủ yếu anh lái đầu máy kéo tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai. Từ giữa tháng 3, ngành đường sắt cho dừng tàu khách Hà Nội - Lào Cai, tiếp đó là Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến khác, nhiều lái tàu khách như anh không có việc.

“Xí nghiệp vận động lái, phụ lái tàu nghỉ việc, ai không nghỉ cũng chỉ được bố trí đi làm 15 ngày, rồi nghỉ luân phiên 15 ngày, dành cho lái tàu khác đi làm tiếp”, anh Nam chia sẻ.

Lãnh đạo tự nguyện cắt giảm lương Công ty TNHH Phục vụ mặt đất Việt Nam (VIAGS) có hơn 3.000 nghìn nhân viên, lao động phục vụ chuyến bay. Trước tình hình khó khăn về doanh thu, VIAGS đã điều chỉnh tiền lương, phân công lao động hợp lý (thực hiện làm việc luân phiên), cắt giảm chi phí để đảm bảo quỹ lương tối thiểu, không để ai bị bỏ rơi hay sa thải, ít nhất có mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống trước mắt. Để góp một phần thu nhập tạo nguồn quỹ tiền lương đủ chi trả tiền lương tối thiểu vùng cho tất cả người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, lãnh đạo công ty gồm Chủ tịch HĐTV và Ban tổng giám đốc đã tự nguyện không hưởng, đội ngũ cán bộ cấp trung nhận lương tối thiểu vùng trong 3 tháng.

Phan Tư


Tuy nhiên, những trường hợp như anh Nam vẫn còn là may mắn, bởi hàng nghìn lao động phục vụ vận tải hành khách khác còn không có việc, đồng nghĩa không có thu nhập.

Trưởng tàu khách SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết) Trần Thành Công (Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho hay, vợ anh - chị Vũ Thị Ngọc Giàu cũng làm tiếp viên toa xe tàu SE3/4. Từ 1/4, cả hai vợ chồng đều phải nghỉ tạm hoãn hợp đồng không lương, không BHXH, trong khi không có nguồn thu nhập nào khác.

Khi cơ quan còn chưa lâm vào cảnh khó khăn, lương hai vợ chồng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng, ngoài nuôi con nhỏ mới 4 tuổi còn phải trả nợ ngân hàng tiền vay mua nhà, cả gốc và lãi gần 5 triệu đồng/ tháng. Chị Giàu lại mới mang bầu em bé thứ hai, hai bên ông bà nội ngoại đều ở quê Hà Nam, không hỗ trợ được.

“Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn có chính sách hỗ trợ những lao động tạm hoãn hợp đồng trong tháng 4 như chúng tôi 1,5 triệu đồng/người và đóng BHYT. Cả 2 vợ chồng được 3 triệu đồng, không đủ trả tiền nợ ngân hàng, nói gì đến trang trải cuộc sống. Lâu dài không biết làm thế nào”, anh Công thở dài.

Tương tự, cả hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy và anh Hoàng Văn Phương (cùng làm việc tại Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) hiện cũng đang nghỉ việc không lương từ tháng 3 tới nay.

“Trước kia, cả hai vợ chồng thu nhập chưa được 10 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học và mẹ già. Giờ thì khó khăn lại càng khó khăn”, chị Thủy thở dài.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Quang Nghĩa, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, số lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm lên tới hơn 3.180 người. Số lao động phải ngừng việc tính đến ngày 7/4 chiếm tỷ lệ tới 51% số lao động hiện đang phục vụ vận tải.

Tổng công ty Đường sắt VN đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động ảnh hưởng bởi dịch theo hướng dẫn của Bộ LĐ, TB&XH. Đồng thời rà soát, lên danh sách người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập để nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ.

Lái xe công nghệ, taxi lao đao

Khó khăn bủa vây lao động ngành Giao thông - Ảnh 3.

Dù vất vả, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhưng các nhân viên ngành đường sắt mong muốn không phải nghỉ việc để có thu nhập đảm bảo cuộc sống

Khó khăn không kém đường sắt là lĩnh vực vận tải đường bộ, nhất là với lái xe công nghệ, taxi do gần như phải dừng hẳn việc chạy xe. Anh Đinh Văn Thưởng, tài xế GrabCar (Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa cấm, tôi chạy xe ngày vài ba cuốc còn duy trì được chi tiêu hàng ngày cho gia đình với 2 con nhỏ. Giờ thì phải dựa cả vào việc buôn bán nhỏ ngoài chợ của vợ, được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tôi buộc phải xin làm bảo vệ tạm thời cho một công ty để mong qua được đợt này”, anh Thưởng nói.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng (quê Thanh Hóa) - một tài xế chạy taxi tại Hà Nội cũng không khá khẩm hơn. Trước, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng trung bình được khoảng 20 triệu đồng, nhưng do dịch Covid-19, anh phải nghỉ ở nhà. 

“Từ khi vận tải dừng dừng hoạt động, nguồn thu chính từ chạy xe của tôi không còn. Gia đình tôi 4 người phải trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt nhưng chỉ phụ thuộc vào thu nhập 8 triệu đồng tiền lương công nhân của vợ nên khá chật vật”, anh Hoàng nói.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, do tình hình dịch bệnh, các hãng taxi đã dừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp gần như không có doanh thu, do đó thu nhập của lái xe cũng giảm theo.

“Trước tình cảnh này, để động viên anh em lái xe trong thời gian nghỉ chờ việc, hầu hết các doanh nghiệp đã hỗ trợ lái xe 50.000 đồng/ngày để họ ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, những lái xe không kịp về quê khi có lệnh cấm, phải ở lại Hà Nội, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ kịp thời những nhu yếu phẩm cần thiết. Dù trong tình cảnh đang phải chi nhiều khoản để bù lỗ, con số này đối với những công ty có số lượng tài xế lớn thì đây là con số không nhỏ”, ông Hùng nói.

Công nhân xây lắp vất vả nhưng may mắn

Khó khăn bủa vây lao động ngành Giao thông - Ảnh 4.

Kỹ sư Thái Bình Dương (ngồi ngoài bên phải) kiểm tra thân nhiệt các kỹ sư, công nhân trước khi vào công trường thi công

Hơn 12 năm gắn bó với nghề xây lắp giao thông, anh Nguyễn Bá Hưng, công nhân Công ty CP 422 (38 tuổi, quê Nghệ An) đang thi công tại dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, thiệt thòi lớn đối với công nhân lĩnh vực xây lắp giao thông so với nhiều ngành nghề khác là thường xuyên phải xa gia đình, người thân. Mỗi năm, số lần được về thăm nhà chỉ tính trên đầu ngón tay. “Gần đây, nhất là khi bùng phát dịch Covid-19, nguồn việc khan hiếm nên đời sống của công nhân, lao động gặp nhiều khó khăn hơn”, anh Hưng chia sẻ.

Dẫn chứng tại công trường cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, kỹ sư Thái Bình Dương (nhà thầu Cienco4) cho hay, dịch Covid-19 gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày của kỹ sư, công nhân: “Trước đây, chúng tôi tổ chức các bữa ăn tập thể trên công trường để tiết kiệm thời gian cho anh em nghỉ ngơi. Nhưng giờ, mọi người đều phải chia thành nhiều ca để ăn trưa, tránh tụ tập đông người nên thời gian kéo dài”.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hữu, Chủ tịch Công đoàn CIENCO4 cũng cho biết, dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Toàn bộ đội ngũ kỹ sư, công nhân tại các dự án vẫn được duy trì ổn định, không ai phải nghỉ việc, mất việc do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, do phải thực hiện các quy định về giãn cách xã hội nên trong sinh hoạt hàng ngày gặp không ít bất tiện.

Nhìn chung, dù hoạt động sản xuất kinh doanh còn đối mặt với không ít khó khăn, song các doanh nghiệp xây lắp giao thông may mắn hơn một số doanh nghiệp lĩnh vực khác khi ít chịu tác động của dịch Covid-19. Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, đến nay, tại các công trường, dự án giao thông do đơn vị làm nhà thầu vẫn triển khai thi công bình thường. 

“Các doanh nghiệp xây lắp giao thông đang gặp khó khăn hiện nay là do nguồn công việc khan hiếm, không phải do tác động của dịch Covid-19”, ông Khôi nói.

Về công tác thu phí, ông Khôi cho biết, từ tháng 3/2020, do thực hiện giãn cách xã hội, lượng phương tiện qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sụt giảm mạnh. “Đặc biệt, từ ngày 1/4 đến nay, lượng phương tiện qua trạm sụt giảm đến 70%, từ mức bình quân 70.000 lượt phương tiện/ngày đêm trước đó xuống còn khoảng 18.000 lượt. 

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì đầy đủ đội ngũ nhân viên thu phí, không có ai phải nghỉ việc luân phiên hay mất việc trong thời gian này”, ông Khôi nói và cho biết, tiền lương và các chế độ của người lao động vẫn được doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ.

Ông Đỗ Nga Việt (Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam):

Hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn

Qua nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập các đơn vị trực thuộc Công đoàn GTVT VN cho thấy, nhìn chung khối xây lắp không ảnh hưởng nhiều, có khả năng phục hồi sau dịch vì các dự án, công trình vẫn được triển khai. Các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải, cảng vụ, các cơ quan quản lý Nhà nước tuy có ảnh hưởng nhưng cơ bản ổn định.

Các đơn vị hàng không như: Tổng cảng, quản lý bay… ảnh hưởng nhiều do tần suất bay của các hãng giảm mạnh, không có khách, nhưng đây là các đơn vị có tiềm lực tài chính tốt, ổn định nên hiện chưa bị ảnh hưởng nặng nề.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập là các doanh nghiệp và người lao động lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, còn có các đơn vị đang phải tự chủ chi phí thường xuyên như trường học, bệnh viện. Ảnh hưởng này không chỉ trong lúc xảy ra dịch mà chắc chắn sẽ kéo dài sau dịch.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, chăm lo cho người lao động, Công đoàn GTVT VN đã ra văn bản chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với cơ quan chuyên môn tìm giải pháp trong công tác, sản xuất, kinh doanh, sắp xếp, bố trí lao động; Xây dựng phương án tài chính cụ thể, chăm lo việc làm, bảo đảm đời sống thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, phải theo dõi, nắm bắt, hỗ trợ kịp thời đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn; Trường hợp đặc biệt khó khăn, đề nghị về Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT để được hỗ trợ kịp thời.

Ở cấp Công đoàn ngành, ngay trong tháng 4/2020, Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT VN sẽ hỗ trợ các đơn vị trong và ngoài ngành ở tuyến đầu phòng chống dịch và CNVCLĐ trong ngành gặp khó khăn do dịch Covid-19 với số tiền hỗ trợ khoảng 1,8 tỷ đồng.

T.Thúy

Kiến nghị đảm bảo cuộc sống tối thiểu

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện đã tạm dừng nhiều đoàn tàu khách. Kinh doanh vận tải đường sắt sụt giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 4/2020, công ty có tới 1.663 lao động mất việc làm do phải nghỉ luân phiên hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, chiếm đến 77,7% số lao động hiện có. Với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng; lao động phải thực hiện cách ly tại nhà do tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 được trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, số lao động phải ngừng việc do phải thực hiện cách ly phòng dịch, phải nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động tính đến ngày 7/4 là 1.378 người, chiếm tỷ lệ 35% số lao động hiện có. Trong đó, 1.176 lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm.

"Trong điều kiện bình thường, tiền lương của người lao động công ty đã ở mức thấp so với mặt bằng chung trong xã hội. Nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, người lao động phải nghỉ việc không có thu nhập, không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ cho số lao động thiếu việc làm được hưởng theo mức lương tối thiểu vùng", bà Hà nói.

Bà Hà cũng cho biết, về chính sách BHXH, hiện tại Văn bản 882/HDLNBHXH- LĐT&XH-TC quy định doanh nghiệp phải có trên 50% số lao động phải nghỉ do không có việc làm mới được tạm dừng đóng BHXH, như vậy sẽ khó khăn về tài chính cho công ty vì số lượng lao động phải nghỉ việc hiện rất lớn. Bà Hà đề nghị, con số này nên là 20% thay vì 50%.

T.Thúy

Doanh thu giảm vẫn cố lo cho người lao động

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu của tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giảm gần 50%. Trước đây trung bình mỗi ngày thu khoảng 4 tỷ đồng, nay chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng. Mặc dù vậy, công ty vẫn cố gắng duy trì nguồn thu thập cho cán bộ nhân viên, chưa tính đến việc cắt giảm các khoản chi phí.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty BOT Bình Thuận cho biết, doanh thu của trạm Bình Thuận từ đầu năm đến nay giảm 40% so với những ngày thường; các trạm BOT Sóc Trăng giảm 70%, BOT Bạc Liêu giảm 65% doanh thu. Tuy vậy, công ty chưa tính đến chuyện cắt giảm nhân viên và thu nhập của người lao động.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cục Hàng hải VN cho biết, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của toàn ngành, song Công đoàn Cục đã chủ động phối hợp với Cục Hàng hải VN đảm bảo được việc làm và thu nhập cho người lao động; Hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

P.Tư- N.Khánh

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.