Khổ vì... thiếu bãi đậu xe, xe tải và container phải đậu tạm trên đường

Từ nhiều năm nay, hầu hết doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn TP.HCM không có bãi đậu xe. Hàng ngàn xe tải, xe container phải đậu tạm trên đường bất chấp vi phạm luật lệ.
 - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9, TP HCM) cấm xe tải và xe container đến 20h, nên các tài xế thường cho xe đậu ngoài vòng xoay Phú Hữu đến 20h mới di chuyển. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)

Bao giờ TP mới có quy hoạch thêm bãi đậu xe cho doanh nghiệp đỡ khổ, đời sống người dân bớt bị ảnh hưởng?

Thiếu trầm trọng

Tại TP HCM, hiện hệ thống bến bãi đậu cho xe tải, xe container chỉ đạt khoảng 20%, số vị trí bến cũng chỉ tầm 28% so với nhu cầu, quy hoạch tổng thể. Trong khi doanh nghiệp vận tải hàng hóa phát triển nhanh chóng, số lượng xe tải, xe container tăng nhanh qua các năm. 

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: xe tải nặng không có chỗ đậu buộc phải đậu tràn lan trên đường cấm, gây nguy hiểm cho người đi đường. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân chính là xe tải, xe container đi vào đường cấm để vào các bãi đậu tự phát.

Giữa và cuối tháng 11, theo ghi nhận của chúng tôi tại các tuyến đường như song hành xa lộ Hà Nội, Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Huỳnh Tấn Phát (Q.7)... tình trạng xe tải, xe container dừng đậu tràn lan bên đường. 

Thậm chí không ít tài xế vô tư cho xe đậu ngay vị trí có biển báo cấm dừng đậu. Như trên đường Nguyễn Duy Trinh, chúng tôi chứng kiến bốn xe container đậu ngay đoạn chuẩn bị rẽ vào cảng Phú Hữu. Hàng xe đậu chiếm dụng gần hết mặt đường, khiến người đi xe máy qua lại vô cùng khó khăn. 

Khi được hỏi vì sao đậu xe bừa bãi, một bác tài tên T. cho biết vì ở khu vực này quá ít bãi đậu xe tải nên tài xế cho xe đậu luôn trên đường. Lúc nào thấy có lực lượng chức năng, tài xế lập tức lái xe bỏ chạy.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM - khẳng định hàng trăm doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TP HCM, đặc biệt ở Q.9, đang rơi vào cảnh khốn đốn bởi không có bãi đậu xe. Vì quá khan hiếm bến bãi, một số doanh nghiệp phải liều cho xe dừng đậu trên đường cấm hoặc bỏ tiền thuê bến bãi tư nhân. 

"Mỗi năm doanh nghiệp tốn khoản phí lớn cho việc nộp phạt giao thông, trả tiền cho bãi xe tư nhân. Tình trạng này kéo dài khiến các doanh nghiệp dần kiệt quệ tài chính, không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản hoặc cho xe ngưng hoạt động vì lỗ lã" - ông Quản nói.

Để giải quyết những khó khăn này, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đã đề xuất TP tạo điều kiện cho khai thác một số khu vực đất trống ở Q.9, Q.2... làm bãi đậu xe tải tạm thời. Cụ thể là các vị trí đất ở khu vực đền Hùng (Q.9), khu vực cảng Cát Lái và bến xe Miền Đông mới để các doanh nghiệp vận tải hàng hóa làm bãi đậu tạm thời. 

"Nếu không bố trí các bãi đậu tạm, quy hoạch xây dựng bãi đậu xe tải quy mô lớn tại TP không được sớm thực hiện thì hàng ngàn xe tải, xe container sẽ không biết phải đi đâu về đâu thời gian tới" - ông Quản nhấn mạnh.

Sớm có bãi đậu tạm ở Q.9, H.Nhà Bè

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM - thừa nhận tình trạng thiếu bãi đậu xe của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã diễn ra nhiều năm nay.

Việc thiếu trầm trọng bến, bãi đậu xe ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và nhu cầu vận chuyển của người dân. Không chỉ vậy, tình trạng thiếu bãi đậu xe còn dẫn tới các hệ lụy khác, gia tăng tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Trên thực tế, khó khăn lớn nhất đối với việc xây dựng các bến bãi hiện nay là thiếu quỹ đất.

Vừa qua, Sở GTVT TP HCM đã nhận được đề xuất của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM về việc thuê một số khu đất ở Q.9, Q.2 làm bãi tạm. Ngay lập tức, Sở GTVT TP đã lập đoàn kiểm tra đi khảo sát các vị trí này. Tuy nhiên, ở các khu vực mà doanh nghiệp đề xuất làm bãi tạm chưa đáp ứng đủ yêu cầu trở thành bãi xe nên chưa triển khai được. 

Cụ thể như khu đô thị mới Tam Đa, phường Long Trường, Trường Thạnh chưa được giải phóng mặt bằng, không có đường giao thông tiếp cận. Khu cảng Bến Nghé, KCN Phú Hữu đã được bố trí đảm nhận chức năng trung chuyển nên không bổ sung chức năng khác được.

Trước mắt, để giải quyết tình trạng "khát" bãi đậu xe, Sở GTVT TP sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường TP, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP rà soát một số vị trí khác ở Q.9, Q.2, H.Nhà Bè đủ điều kiện làm bãi đậu xe tải tạm thời. Các đơn vị sẽ cố gắng triển khai nhanh chóng, sớm đưa bến bãi mới đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vận tải, giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định hơn. 

Còn về lâu dài, Sở GTVT TP sẽ làm việc cùng nhiều sở ngành khác có kế hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông, bổ sung vị trí bến bãi đậu xe theo quy hoạch của TP.

Sở GTVT TP cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận hỗ trợ doanh nghiệp làm bãi đậu xe vận tải.

Theo đó, cho phép sử dụng tạm thời các vị trí khu đất (do các đơn vị vận tải giới thiệu, đề xuất) hiện địa phương chưa có kế hoạch sử dụng hoặc chưa thể triển khai đầu tư ngay, làm bến bãi để giải quyết trước mắt khó khăn về vị trí đậu xe cho các doanh nghiệp.

Vị trí đề xuất phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí như vị trí khu đất cần có sự đồng thuận giữa đơn vị vận tải và tổ chức cá nhân có chủ quyền sử dụng đất (thời gian thỏa thuận 5-10 năm).

Đường giao thông tiếp cận vị trí khu đất có bề rộng mặt đường hiện hữu tối thiểu đáp ứng cho hai làn xe tải lưu thông. Lộ trình vận chuyển của phương tiện phù hợp với tổ chức giao thông khu vực.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, doanh nghiệp vận tải hàng hóa có quyền tự đề xuất vị trí xây bãi đậu xe có điều kiện phù hợp. Căn cứ vào đó, các sở ngành khảo sát, đề xuất lên UBND TP.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.