Ngày 19/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Báo cáo phân tích ngành giáo dục: Giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tiếp thu ý kiến chuyên gia.
Theo báo cáo, năm 2012 lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập của học sinh (PISA), đứng trong số 20 quốc gia có điểm cao nhất. Cụ thể, Toán đứng thứ 17/65 quốc gia, Đọc hiểu 19/65, Khoa học 8/65. Kết quả này cho thấy phần nào chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học ở giáo dục phổ thông của Việt Nam trong việc tạo nền tảng kiến thức và năng lực cho học sinh.
Phân tích học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế của Việt Nam, báo cáo cho thấy từ năm 2012 đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều đạt thành tích với tỷ lệ 100%. Số huy chương vàng tăng dần qua các năm. Toán học và Vật lý có số học sinh giành nhiều huy chương vàng hơn cả.
Chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá khá tốt. Ảnh: CTV
Kết quả đánh giá định kỳ cấp quốc gia đối với một số lớp đầu cấp và cuối cấp học như lớp 5, 6, 9, 11 nhằm theo dõi sự thay đổi về kết quả học tập của học sinh cũng được thống kê. Theo đó, về tổng thể tính trung bình học sinh đều đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng ở mức trên 50%.
Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa vùng miền cả nước. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với nông thôn và thành thị. Kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các môn học; so sánh kết quả giữa các môn học thì ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam. Đây chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.
Báo cáo phân tích giáo dục cũng cho thấy tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp THPT tăng dần qua các năm, nhưng có sự khác nhau giữa vùng miền. Năm 2014, Việt Nam còn khoảng 16% học sinh THPT không hoàn thành cấp học. Điều này đòi hỏi cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Báo cáo cũng nêu rõ cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học phát triển năng lực như phòng học, trang thiết bị và đặc biệt là tài liệu sách hướng dẫn còn thiếu, số học sinh trên lớp còn đông… chưa tương thích với phương pháp dạy và học mới.
"Áp lực thi cử, đặc biệt ở THPT là một rào cản trong việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT. Giáo viên vẫn tập trung nhiều vào việc cung cấp kiến thức cho học sinh, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Mặt khác, tâm lý và nhận thức của nhiều cha mẹ vẫn nặng về thành tích điểm số", báo cáo nêu rõ.